Theo Aljazeera, sự bất ổn về các nguồn tài trợ của phương Tây cho Ukraine đang gia tăng trong bối cảnh Nga tăng cường chiến dịch nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng của nước này.

nga.png
Nga đang tăng cường chiến dịch chống lại các mục tiêu dân sự ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong một lá thư được công bố ngày 4-12, Nhà Trắng đã cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng, quỹ dành để cung cấp viện trợ cho Ukraine sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đang gặp khó khăn trong việc nhất trí về gói viện trợ mới trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Kiev.

Trong lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và các nhà lãnh đạo quốc hội, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ Shalanda Young viết: “Nếu Quốc hội không hành động, đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ cạn kiệt nguồn lực để mua thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine”.

Giám đốc Shalanda Young cảnh báo trước một mùa đông khắc nghiệt khi Nga tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, việc thiếu kinh phí có thể đồng nghĩa với thất bại đối với Ukraine. Bà viết: “Nếu nền kinh tế Ukraine sụp đổ, họ sẽ không thể tiếp tục chiến đấu nữa”.

Washington đã ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa trong gang tấc vào tháng trước, với một dự luật vào phút cuối giữ cho các cơ quan liên bang được tài trợ trong năm mới, nhưng lại loại bỏ các sáng kiến ​​viện trợ nước ngoài quan trọng.

Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, đã gửi hơn 40 tỷ USD viện trợ cho Kiev kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022. Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt 105 tỷ USD tài trợ an ninh quốc gia, trong đó bao gồm cả hỗ trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đã bày tỏ sự hoài nghi ngày càng tăng đối với việc phê duyệt thêm nguồn viện trợ cho Ukraine và khoảng 61 tỷ USD trong quỹ viện trợ bổ sung hiện đang được Quốc hội Mỹ nắm giữ.

“Tôi phải nhấn mạnh rằng, việc giúp Ukraine tự vệ và đảm bảo tương lai của mình với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, dân chủ, độc lập và thịnh vượng sẽ thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta”, bà Young kêu gọi Quốc hội hành động “ngay bây giờ”.

Đồng thời, EU đang gặp khó khăn trong việc thông qua gói tài trợ, vốn sẽ là một phần trong ngân sách chung của khối. Gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) được đề xuất để duy trì khả năng thanh toán của Kiev đến năm 2027. Việc không phê duyệt nguồn tài trợ dài hạn, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Ukraine khi chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Hungary đã dẫn đầu các cuộc tranh luận bác bỏ gói viện trợ này. Thủ tướng Viktor Orban cũng được cho là đang hy vọng sử dụng lời đe dọa của mình để gây áp lực lên Ủy ban châu Âu nhằm giải phóng 22 tỷ euro (24 tỷ USD) tài trợ cho Hungary mà Brussels đang nắm giữ do các vấn đề pháp quyền.

Tờ Financial Times đưa tin, chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc bầu cử gần đây ở Hà Lan và những thách thức tài chính ở Đức cũng đang làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về ngân sách. Sự chậm trễ đang gây nguy hiểm cho những cam kết quan trọng đối với Kiev được đưa ra nhiều tháng trước. Một quan chức cấp cao của EU cho biết, một thỏa thuận ngân sách sẽ “rất, rất khó khăn”.

Trong khi đó, dẫn một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11 bởi nhóm Rating, truyền thông địa phương ngày 3-12 đưa tin người Ukraine đang chia rẽ về quan điểm xung đột với Nga.

Theo kết quả cuộc thăm dò, 44% số người được hỏi cho rằng điều quan trọng là phải tìm kiếm sự thỏa hiệp trong đàm phán với Nga và các nước khác nên được tham gia vào quá trình này.

Cụ thể, 48% số người được hỏi phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mátxcơva và nhất quyết tiếp tục thái độ thù địch cho đến khi Kiev giành lại toàn quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà họ đã mất.

Kết quả cũng cho thấy sự suy giảm rõ rệt về số lượng người Ukraine ủng hộ việc kéo dài cuộc giao tranh với Mátxcơva. Trong các cuộc thăm dò tương tự được tiến hành vào tháng 7, các cuộc đàm phán chỉ được 35% số người được hỏi ủng hộ, trong khi 60% ủng hộ việc kéo dài xung đột.

Trong cuộc khảo sát mới nhất, thỏa hiệp hầu hết được những người trong độ tuổi từ 18 đến 35 ở miền Đông Ukraine ủng hộ. Trong khi đó, hầu hết những người ủng hộ việc tiếp tục chiến đấu đều ở độ tuổi từ 36 đến 50 và sống ở phía Tây đất nước.

https://hanoimoi.vn/my-va-eu-no-luc-thuc-day-thoa-thuan-tai-tro-cho-ukraine-650014.html

Kim Phượng / HNM