Nhìn những bệnh nhân cùng phòng ra đi vì COVID-19, nhiều người lo lắng quay ra hỏi: "Bao giờ đến lượt tôi" khiến nam điều dưỡng nghẹn lòng.
Đã gần 3 tháng kể từ ngày điều dưỡng Trương Đình Thắng, SN 1995, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy Bệnh viện Bạch Mai và các y bác sĩ rời khỏi bệnh viện dã chiến 16 (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) trở về Hà Nội, song những ký ức kỷ niệm về nơi này với Thắng như xảy ra mới hôm qua. “Đây là chuyến đi công tác dài nhất của tôi nhưng mang lại nhiều điều quý giá, là trải nghiệm không thể quên trong đời", nam điều dưỡng nói.
Thắng và gần 200 y bác sĩ lên đường chi viện cho miền Nam vào ngày 18/8/2021. Ngày con trai lên đường, ông Chiến (SN 1966) bắt tay con thật chặt. Ông không quên dặn dò “Chuyến này đi lành ít dữ nhiều, con và đồng nghiệp cố gắng giữ gìn sức khỏe, bình an trở về”. Cô em gái thường ngày hay chành chọe với anh trai, nay nghiêm túc đến lạ thường: “Anh yên tâm công tác nhé, ở nhà bố mẹ đã có em chăm sóc”.
Điều dưỡng Trương Đình Thắng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 16. (Ảnh: FBNV) |
“Trả con khỏe mạnh về cho mẹ”
Khi xe chuyển bánh lên đường, Thắng nhớ như in sau ô cửa kính, anh thấy bố, em gái, các cô, các bác và những đồng nghiệp áo blouse trắng đằng sau vẫy tay chào, nhiều người rớt nước mắt… Những hình ảnh ấy càng tiếp thêm động lực và tinh thần chiến đấu cho anh vững tin.
Dù đã chuẩn bị trước tâm lý trước cho lần chi viện miền Nam lần 2 nhưng Thắng không giấu nổi tâm trạng hồi hộp lo lắng. Ngày Thắng thông báo chuẩn bị vào Nam công tác, mẹ anh không đêm nào ngủ ngon giấc. Bà không ngăn cản con vì biết tuyến đầu chống dịch cần những người như Thắng. Bà lo bởi bà biết nơi đó các y bác sĩ và cả con bà phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Đêm trước hôm Thắng chuẩn bị lên đường, bà chốc lát lại tỉnh giấc, đi đi lại lại trong nhà. Sớm hôm sau, bà nấu bữa sáng thịnh soạn với những món ăn yêu thích cho con trai và không quên dặn ăn nhiều hơn một chút để lên đường. Bà không cùng chồng tiễn con vì bản thân sợ sẽ chẳng thể kìm nổi nước mắt.
"Mẹ chỉ mong lúc con đi khỏe mạnh như nào thì trở về như vậy trả mẹ", bà nghẹn ngào nói.
Hành trang lên đường chống dịch của Thắng lần này ngoài tâm lý vững vàng cộng tinh thần chiến đấu quyết thắng, một vài đồ dùng cá nhân còn có một chiếc loa nhỏ. "Quãng thời gian ở bệnh viện dã chiến thực sự rất căng thẳng, ngày nào cũng nghe tiếng máy móc chạy đến ám ảnh. Những lúc về phòng tôi thường bật một bài nhạc nhẹ để cân bằng lại cảm xúc”, nam điều dưỡng nói.
Giấc ngủ vội của điều dưỡng Thắng trong tâm dịch ở TP HCM. (Ảnh: FBNV) |
Ám ảnh câu hỏi “Bao giờ đến lượt tôi?”
Trong đợt đại dịch bùng phát cuối năm 2021, tại TP.HCM, số người mắc COVID-19 không ngừng tăng lên, công việc của các bác sĩ càng vất vả hơn gấp bội. Trong bộ đồ bảo hộ chống dịch kín mít, nóng bức, nam điều dưỡng tất bật với quá trình chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Nhiều hôm cởi bỏ bộ đồ, người cậu ướt như tắm, đôi tay nhợt nhạt như bị ngâm lâu ngày.
Thắng sụt 3 kg. Lúc đó không chỉ nam điều dưỡng mà tất cả các đồng nghiệp không “thèm” gì hơn ngoài một giấc ngủ trọn vẹn.
Hai tháng làm việc trong bệnh viện dã chiến, Thắng chứng kiến biết bao hoàn cảnh, giây phút xúc động. Đó là khoảnh khắc người đàn ông bật khóc như một đứa trẻ sau 4 ngày điều trị COVID-19 được trò chuyện với vợ con qua màn hình điện thoại. Đó là một ngày đầu tháng 9/2021 khi đang trực, cậu liên tục nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia giọng người phụ nữ nghẹn ngào: “Tôi là vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Bình (tên bệnh nhân được thay đổi) mong anh cho tôi được nói chuyện với chồng một chút, mấy ngày nay không có tin tức của ông. Tôi lo lắm”.
Thế rồi Thắng cũng giúp cả gia đình bệnh nhân có cuộc gặp gỡ nhanh. Qua màn hình điện thoại cô con gái khoảng 5 - 7 tuổi liên tục gọi: “Bố ơi nhanh về với con nhé”. Câu nói khiến ông Bình chẳng thể kìm nổi nước mắt.
Những ngày tháng sau, bệnh tình của ông Bình chuyển biến tốt hẳn. Chỉ 1 tuần sau ông được xuất viện trở về cùng vợ con và gia đình. Cho đến tận bây giờ người nhà bệnh nhân vẫn thường xuyên gọi điện cảm ơn Thắng vì giúp đỡ gia đình anh được gặp nhau trong một dịp đặc biệt như vậy.
Đôi tay nhợt nhạt, ướt sũng do mặc đồ bảo hộ quá lâu trong thời tiết nắng nóng của nam điều dưỡng. (Ảnh: FBNV) |
Ở bệnh viện dã chiến, Thắng và đồng nghiệp cùng các bệnh nhân hiểu được những cảm xúc của nhau không phải bằng ngôn ngữ mà còn qua ánh mắt, cái nắm tay và nụ cười... Một phòng 10 bệnh nhân thì 3- 4 người mất. Nhìn người giường bên được đưa đi, không người thân bên cạnh, nhiều người lo lắng hỏi bác sĩ: “Bao giờ đến lượt tôi?", lòng Thắng như bị bóp nghẹn.
"Những lúc như vậy tôi chỉ biết nắm tay bệnh nhân động viên cô/chú yên tâm, đội ngũ y bác sĩ vẫn đang dùng những gì tốt nhất để điều trị chăm sóc cho cô, chú. Cô chú phải cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi, cùng chúng con chiến đấu nhé”, Thắng nói.
Nhiều chuyện buồn xảy ra nhưng cũng có những kỳ tích xuất hiện. Đó là một ngày cuối tháng 8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ tuổi ngoài 60 bị tràn dịch màng phổi, lúc tỉnh, lúc mê, có biểu hiện suy hô hấp, nồng độ oxy thấp, tiên lượng có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
Hơn một tháng, có những lúc tưởng chừng bệnh nhân không vượt qua được. Nhưng nhờ có sự chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, cùng các tình nguyện viên và tinh thần chiến đấu kiên cường của bệnh nhân, sức khỏe bà dần hồi phục và ra viện như một kỳ tích.
Các y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 16. (Ảnh: FBNV) |
"Tôi cảm thấy rất tự hào vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19", nam điều dưỡng chia sẻ.
Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh sẽ vẫn còn tiếp tục, điều dưỡng Trương Đình Thắng và các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch chắc chắn còn vất vả, nhưng họ luôn sẵn sàng chống dịch với niềm tin chiến thắng, dịch bệnh đẩy lùi.
VŨ VÂN