Những người trồng đào, quất tại Nam Định, Thái Bình phục vụ Tết cho cả vùng duyên hải phía Bắc năm nay đang lâm vào cảnh trắng tay vì cây chết hàng loạt.

nam dinh thai binh mat trang vu dao quat
Rất nhiều cây đào, quất tại huyện Nam Trực chết héo, phải đào bỏ đi ẢNH VĂN ĐÔNG

Thợ cây "treo" kéo đi làm phu hồ

2 xã Nam Toàn và Nam Mỹ của huyện Nam Trực (Nam Định) được xem là vùng trồng đào lớn nhất của tỉnh này và cung cấp đào cảnh cho cả tỉnh cùng nhiều tỉnh phía Bắc. Khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm, cả vùng này xanh mướt bóng đào, nông dân cặm cụi suốt ngày, đêm đến lại thắp đèn ra vườn để dặm lá, tỉa cành, tạo thế cho đào.

Tuy nhiên, hình ảnh năm nay ở vùng đào này là những thân đào trơ trụi, khẳng khiu, còn lơ thơ lại đám lá vàng chưa rụng hết. Chị Nguyễn Thị Tho (40 tuổi), một hộ trồng đào ở thôn Tiền Phong 1, xã Nam Mỹ, cho biết sau trận mưa lớn gây úng ngập cách đây hơn 1 tháng, toàn bộ 600 gốc đào của gia đình chị đều héo dần và chết hết. Ước tính, với mức giá đào vào dịp tết trung bình khoảng 250.000 - 300.000 đồng/gốc bán tại vườn, thì nhà chị mất trắng gần 200 triệu đồng.

“Đầu năm hì hụi san đất, đắp ụ, rồi mua cây giống, phân đạm chăm bón, chỉnh hoa, tỉa cành suốt nhiều tháng trời. Bây giờ có trồng lại cũng không kịp, tôi đành lên thành phố nấu cơn, dọn nhà thuê, chồng thì đi làm phu hồ để trả nợ tiền đầu tư vào vườn đào. Mỗi lần về nhà, nhìn vườn đào giờ đã thành củi khô, rồi nhìn đám con nheo nhóc vì thiếu bàn tay bố mẹ chăm sóc mà ứa nước mắt. Các hộ trồng đào khác cũng giống tôi, hầu hết đều phải lên thành phố phụ việc, làm phu hồ để kiếm tiền trả nợ”, chị Tho buồn bã cho biết.

Theo thống kê từ Ban Nông nghiệp xã Nam Mỹ, ước tính toàn xã mất 65 ha trong tổng số 97 ha diện tích trồng cây cảnh, chủ yếu là đào. Xã có 8 xóm, trong đó các xóm Tiền Phong 1, Tiền Phong 2, Tân Dân và Trung Thành, bị thiệt hại nặng nhất, mất hơn 90% đất trồng đào. Riêng xóm Trung Thành diện tích chuyển đổi trồng đào mất trắng toàn bộ. Những người trồng đào tại xã Nam Toàn cũng lâm vào cảnh khốn đốn không kém.

Theo ông Hoàng Trung Tích, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nam Toàn, toàn xã có khoảng 80 ha diện tích trồng cây cảnh, chủ yếu là đào, quất. Do trận mưa gây úng ngập cách đây hơn 1 tháng, trên 80% đào đã bị chết, ước tính xã mất khoảng hơn 20 tỉ đồng. Hơn 1.300 hộ trồng đào, trung bình mỗi hộ mất vài chục triệu đồng, cá biệt có nhà mất gần 300 triệu đồng. Mất đào đồng nghĩa với mất việc, các hộ cũng chỉ còn cách đi làm thuê, phụ việc để kiếm tiền.

Tại các xã chuyên trồng quất của Nam Định là Nam Phong (thành phố Nam Định), Điền Xá (huyện Nam Trực), sau trận mưa ngập kể trên, trên 100 ha diện tích trồng quất cũng bị ngập úng, cây quất đang trong thời kỳ đơm hoa bỗng héo rũ rồi chết. Ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Nam Phong, thông tin: “Do chỉ có nghề làm cây nên hầu hết khi treo kéo cũng chỉ còn biết đi làm phu hồ, phụ việc để mưu sinh, đợi vụ quất sang năm. Năm nay coi như mất tết từ bây giờ rồi”.

Theo ông Nguyễn Văn Cờ, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Nam Định, trận mưa ngập năm nay đã phá tan hoang toàn bộ các làng nghề truyền thống trồng đào, quất của Nam Định. “Do đây là vùng cung cấp quất, đào cho cả vùng nên giá đào, quất năm nay sẽ có biến động lớn, chắc chắn sẽ tăng cao”, ông Cờ dự báo.

Trồng rau thay đào chờ vụ mới

Cũng sau trận mưa lớn đầu tháng 10, làng đào Minh Tân (huyện Đông Hưng, Thái Bình) lâm vào cảnh tiêu điều. Toàn xã Minh Tân có trên 40 ha trồng chuyên trồng đào tại 2 thôn Duy Tân và Đình Phùng. Ông Nguyễn Đăng Lực ở thôn Đình Phùng cho biết, ngay sau trận mưa, đã có quá nửa trong số 700 gốc đào của gia đình chết, số còn lại đang chết tiếp tục héo lá, chết dần, thiệt hại khoảng trên 200 triệu.

“Giống đào kỵ nước, đã úng rễ là không cách nào cứu được. Sau đợt ngập úng này, tôi nghĩ huyện, xã cần xem xét, cải tạo lại hệ thống kênh mương để tránh xảy ra một lần nữa”, ông Nguyễn Minh Sơn, Bí thư chi bộ thôn Đình Phùng, nói và cho biết cả thôn có 230 hộ làm nghề trồng đào với tổng diện tích khoảng 10 ha, còn lại trên 30 ha là của thôn Duy Tân. “Thợ trồng đào ở xã Minh Tân nổi tiếng khéo tay, chăm chỉ nên dáng, thế hoa của cây đào Minh Tân rất được chuộng, phải đặt trước mới mua được. Hàng trăm hộ trong xã giàu lên nhờ cây đào. Năm nay thì mất cả vốn lẫn gốc rồi”, ông Sơn thở dài cho biết.

Cũng mất trắng vụ đào như Nam Định, nhưng người trồng đào tại Minh Tân không đi làm thuê như ở Nam Định, mà tự tìm cách mưu sinh ngay trên chân những gốc đào chết.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Minh Tân Trần Trung Đĩnh, do giá rau, quả năm nay cao nên xã đã vận động các hộ trồng đào tiếp tục trồng rau quả ngắn ngày, các loại hoa thay thế. “Đến nay, một số hộ đã chuẩn bị thu hoạch, dù không thể thay thế được thiệt hại do đào chết nhưng người dân vẫn có thu nhập, nhất là ổn định tâm lý để đợi đến vụ đào sang năm”, ông Đĩnh thông tin.

nam dinh thai binh mat trang vu dao quat Cải tạo chung cư cũ tại Hải Phòng: Hàng nghìn hộ dân có nguy cơ mất trắng quyền lợi

Trong khi hàng triệu cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) cả nước được sở hữu căn nhà tập thể được phân phối những năm ...

nam dinh thai binh mat trang vu dao quat Nhiều hộ dân trồng hoa màu ở Cà Mau mất trắng vì ngập úng

Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao nhấn chìm nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu của nông dân Cà Mau.

/ Thanh niên