Chương trình học được giảm tải, kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông theo phương án mới... là những điểm đặc biệt trong năm học 2024 - 2025.
- Trước thềm năm học mới, lại lo chất lượng bữa ăn học đường
- Hơn 50 địa phương công bố lịch, môn thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025
Phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực
Năm học 2024 - 2025 được xem là một năm học đặc biệt, bởi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai ở tất cả các khối lớp, cũng là năm có khối học sinh lớp 12 đầu tiên thi tốt nghiệp theo phương án mới.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có mục tiêu phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực. Cụ thể, giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) và định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông). Cụ thể, giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng, nhiều mặt của xã hội trong tương lai. Còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Nếu như chương trình giáo dục phổ thông trước đây được xây dựng theo định hướng nội dung, thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực mà nhà trường, xã hội kỳ vọng. Điểm khác biệt quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được thực hiện, đó là việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giữ vai trò như “nhạc trưởng” nhằm bảo đảm tính liên thông, tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học với nhau. Điều này giúp cho nội dung giáo dục không bị trùng lắp, chồng chéo giữa các môn học và hoạt động giáo dục.
|
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có mục tiêu phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực |
Đặc biệt, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”, gồm: Giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, thực hiện phương pháp dạy học mới và đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Chương trình cũng trao quyết định chủ động, trách nhiệm cho địa phương, các nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch với đối tượng giáo dục, điều kiện các địa phương, cơ sở giáo dục. Thực hiện chương trình, cấp tiểu học sẽ dạy 2 buổi/ngày, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện dạy 1 buổi/ngày.
Không còn tình trạng dạy tủ, học tủ
Điểm đáng chú ý của năm học 2024 - 2025 này là lần đầu tiên khối học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo phương án mới. Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong công văn hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng vừa ký gửi các địa phương mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trong việc thực hiện đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở môn ngữ văn cần tránh sử dụng văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa làm ngữ liệu đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các bài kiểm tra định kỳ ở môn học này.
Yêu cầu này được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên khối học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo phương án mới |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra nhằm chuẩn bị cho học sinh lớp 9 và lớp 12 làm quen với định hướng đề thi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có hai kỳ thi quan trọng là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Liên quan đến nội dung không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để ra đề văn, TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - cho rằng, việc sử dụng các văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu đọc hiểu và nghị luận là tất yếu để triệt tiêu tình trạng dạy và học theo văn mẫu, hay dạy tủ và học tủ. Tuy nhiên, văn hóa đọc của học sinh hiện nay chưa cao thì cấu trúc, định dạng của đề thi rất cần một lộ trình thích hợp, đảm bảo tính vừa sức, tính tích hợp, sự kế thừa, tính liền mạch của tư duy…. “Điều này vừa giảm áp lực cho học trò, vừa cũng làm tăng tính khoa học, tạo mối liên hữu cơ giữa các thành tố trong một chỉnh thể đề thi” - TS. Trịnh Thu Tuyết khẳng định.
Do vậy, cô Tuyết nêu ý kiến: Để giảm bớt áp lực cho học trò, để tạo tính liền mạch trong tư duy, tính liên kết của các thành tố trong một chỉnh thể, cô đề xuất phương án trước mắt: “Dù viết đoạn văn nghị luận xã hội hay nghị luận văn học, cũng nên yêu cầu luận về một vấn đề xã hội hoặc vấn đề văn học đã đặt ra trong văn bản đọc hiểu” - TS. Trịnh Thu Tuyết kiến nghị.
Theo các chuyên gia, với quy định mới này, giáo viên bắt buộc phải tìm hiểu, phải đọc để có được ngữ liệu dạy học sinh. Học sinh cũng không bị... học thuộc lòng các bài ở trong sách giáo khoa để đến lúc thi là làm theo nữa.
Từ khi áp dụng dạy chương trình mới, giáo viên dạy môn Ngữ văn sẽ bận hơn vì phải đọc nhiều, tích cóp tư liệu để làm các phiếu học tập cho học sinh. Cá nhân học sinh cũng phải tự học, tự đọc nhiều hơn, từ đó phát huy năng lực bản thân tốt hơn.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức các kì thi, người ra đề không còn bị bó hẹp phạm vi ngữ liệu, nội dung câu hỏi có thể đa dạng hơn. Người chấm thi sẽ khách quan hơn nữa khi không bị chi phối bởi những kết luận vốn đã quen về những tác phẩm trong sách giáo khoa.
“Đề thi lấy ngữ liệu ngoài thì có rất nhiều cái hay, nhưng mà khó. Điều này đòi hỏi cả người dạy và người học đều phải tích cực đọc sách. Tìm đến những tác phẩm văn học, những bài viết thuộc các thể loại được học để tìm hiểu, từ đó sẽ có thói quen không dựa dẫm vào văn mẫu” - một vị chuyên gia nhấn mạnh.