Súng đạn đã trở thành thứ văn hóa bạo lực - “Văn hóa súng đạn” với hàng trăm vụ xả súng mỗi năm, khiến hàng trăm người thương vong, song cuộc đấu tranh chống lại thứ bạo lực đổ máu này, đặc biệt là việc ban hành lệnh kiểm soát nghiêm ngặt hơn với việc sở hữu súng đạn, vẫn hết sức khó khăn và dai dẳng tại nước Mỹ.

Nan giải cuộc chiến chống bạo lực súng đạn tại Mỹ ảnh 1

Bạo lực súng đạn gây nên nỗi kinh hoàng và nỗi đau khôn nguôi cho hàng chục gia đình Mỹ mỗi năm

Cứ mỗi ngày lại có gần 1,7 vụ xả súng hàng loạt

Nước Mỹ khép lại tháng đầu tiên của năm mới 2023 với những thông tin buồn liên tiếp về bạo lực súng đạn khi chứng kiến tới 40 vụ xả súng kinh hoàng khiến hàng chục người chết và bị thương, trong đó có vụ xả súng hàng loạt ở Monterey Park (bang California) làm ít nhất 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Việc số vụ xả súng trong tháng 1 năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước khiến vấn nạn bạo lực súng đạn lại nổi lên như là vấn đề nhức nhối, chưa có lời giải tại quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng đạn nhiều nhất thế giới.

Tháng đầu năm 2023 này nối tiếp năm 2022 cũng như 2 năm liền kề trước đó với “khét lẹt” mùi thuốc súng bởi đây là 3 năm liên tiếp mà số vụ xả súng ở nước Mỹ đều trên 600 vụ mỗi năm. Theo tổ chức phi chính phủ Lưu trữ Bạo lực súng (Gun Violence Archive - GVA) chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn tại Mỹ, nước này đã ghi nhận hơn 650 vụ xả súng hàng loạt tính từ đầu năm đến nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Mỹ chứng kiến hơn 600 vụ xả súng hàng loạt xảy ra trong một năm.

Có nhiều nguyên nhân được nêu ra cho tình trạng bạo lực súng đạn dù được cảnh báo liên tục nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối lâu nay đối với nước Mỹ và người dân nước này. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng hàng đầu, theo nhiều giới chức và chuyên gia, là do nước Mỹ có luật và chính sách về súng đạn lỏng lẻo hơn nhiều so với các quốc gia khác. Quyền liên bang về sở hữu súng thậm chí còn được đưa vào Hiến pháp từ năm 1791 thông qua Tu chính án thứ hai. Theo đó, việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người ở Mỹ, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Hiện có khoảng một nửa trong số 51 bang ở Mỹ cho phép người sử dụng súng mang nó ra đường trong khi những bang còn lại bắt buộc phải để ở nhà.

Việc mua súng đạn cũng khá dễ dàng, người mua phải qua một lớp kiến thức cơ bản về sử dụng súng rồi hồ sơ cá nhân của họ sẽ được gửi tới Văn phòng quản lý các vấn đề liên quan đến rượu, thuốc lá, súng đạn và chất nổ. Nếu đạt yêu cầu thì sau 3 ngày, người mua sẽ nhận được “giấy phép vũ khí liên bang” và có thể mua súng ngắn, súng ổ quay, súng săn và cả súng trường quân sự, muốn mua mấy khẩu cũng được chỉ với điều kiện phải mua súng tại các cửa hàng do chính phủ quản lý. Bên cạnh thị trường hợp pháp còn có thị trường chợ đen với nhiều loại vũ khí, trong đó giá một khẩu AK-47 dao động từ 600 đến 1.500 USD tùy vào xuất xứ, còn AR-15 và M-16 thì cao hơn, từ 2.000 USD đến 3.000 USD…

Ước tính, hiện người Mỹ sử dụng khoảng 400 triệu khẩu súng, thế nên dù chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu nhưng nước Mỹ sở hữu 42% các loại súng có trên thế giới. Ông R. Thurman Barnes, Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực Súng New Jersey thuộc Đại học Rutgers, bày tỏ, ở một đất nước “có rất nhiều súng” như nước Mỹ với số súng nhiều hơn số người dân cả nước thì sẽ có nhiều bạo lực súng đạn hơn dưới mọi hình thức.

Bế tắc lối thoát cho vấn nạn “văn hóa súng đạn”

Bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng bậc nhất ở nước Mỹ đã diễn ra nhiều thập kỷ nay song lại vô cùng khó giải quyết. Hàng chục năm qua, nội bộ nước Mỹ luôn chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ các thành viên hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đạt được sự thống nhất. Một cuộc thăm dò gần đây đã ghi nhận 72% đảng viên Dân chủ nghĩ rằng nước Mỹ sẽ an toàn hơn nếu ít người hoặc không ai có súng. Ngược lại, 46% đảng viên Cộng hòa lại cho rằng, an ninh nước Mỹ sẽ được bảo đảm nếu nhiều người hoặc tất cả mọi người đều có súng nhưng cả hai phía đều đồng ý về độ tuổi.

 

Phần lớn đảng Cộng hòa phản đối mạnh việc hạn chế súng vì cho rằng, dự luật như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Đảng Cộng hòa, với quan điểm ủng hộ các giá trị về tư tưởng và lợi ích của các tập đoàn công nghiệp vũ khí, thường hậu thuẫn để bảo đảm quyền sử dụng súng của người dân Mỹ. Việc ngăn chặn các nỗ lực của chính quyền mới cũng như của phe Dân chủ trong vấn đề siết chặt kiểm soát súng có thể giúp ngành công nghiệp vũ khí, vốn đóng vai trò không nhỏ tại Mỹ, tránh được nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản, đồng thời, giúp các tập đoàn sản xuất vũ khí thu về nguồn lợi nhuận lớn.

Trong khi đó, đảng Dân chủ lại chủ trương kiểm soát chặt chẽ súng đạn để xóa bỏ “văn hóa bạo lực súng đạn” ở nước Mỹ. Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát. Tổng thống Joe Biden vào tháng 4-2022 đã ra sắc lệnh hành pháp bổ sung nhiều biện pháp giảm thiểu tình trạng tội phạm liên quan đến súng đạn và làm cho cộng đồng an toàn hơn. Đây cũng là một phần lý do mà Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (ARP) được chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ thúc đẩy, trong đó cung cấp mức tài trợ lịch sử nhằm tăng cường lực lượng cảnh sát và đầu tư vào các chương trình can thiệp, ngăn chặn bạo lực dựa vào cộng đồng.

Hạ viện Mỹ khi đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát vào tháng 6-2022 đã thông thông qua “Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn”, trong đó đưa ra những thay đổi đáng kể về quy định mua súng đối với các đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 21 cũng như nội dung chi hàng triệu USD cho vấn đề sức khỏe tâm thần, an toàn trường học, các chương trình can thiệp khủng hoảng và khuyến khích các bang đưa hồ sơ vị thành niên vào Hệ thống Kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia. Dự luật này là một nỗ lực mang tính liên bang mới quan trọng nhất nhằm giải quyết nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ kể từ khi lệnh cấm vũ khí tấn công có hiệu lực trong 10 năm hết hạn vào năm 1994.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố một loạt các hành động mới quan trọng nhằm ngăn chặn luồng súng được sử dụng để gây bạo lực và hỗ trợ thực thi pháp luật trong nỗ lực chống tội phạm súng đạn. DOJ cũng khởi động “Sáng kiến quốc gia ngăn chặn súng ma”, truy nã và xét xử những kẻ bán súng bất hợp pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn chưa giành được đủ phiếu tại Quốc hội để thông qua luật yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi mua súng cũng như các đề xuất khác liên quan.

Cuộc chiến pháp lý về việc siết chặt thêm việc sử hữu súng đạn ở Mỹ vì thế vẫn chưa thể ngã ngũ và “văn hóa súng đạn” ở quốc gia này vẫn là một vấn nạn nhức nhối kéo dài.

https://www.anninhthudo.vn/nan-giai-cuoc-chien-chong-bao-luc-sung-dan-tai-my-post529774.antd

Hoàng Hà / An ninh thủ đô