Xác định mức độ cần thiết của việc quan tâm tới chính sách lương cho giáo viên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để nhà giáo trông ngóng, đợi chờ mãi một quan điểm hết sức nhân văn của Đảng nằm trong Nghị quyết, cần được đưa vào đời sống. Lộ trình thực hiện xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp có thể bắt đầu từ năm 2025.
Đại biểu QH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất tăng lương cho giáo viên. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Phải luôn đặt GDĐT là quốc sách hàng đầu
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng: Rất cần thiết thể chế hoá nội dung “xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp” trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này. Quan điểm này đã được Đảng xác định hơn 20 năm và gần đây lại tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8, khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là thông lệ của các nước trên thế giới.
Hiện tại, lương giáo viên của nước ta, nhất là ở bậc mầm non và phổ thông, còn rất thấp, không đảm bảo đời sống tối thiểu của họ. Điều này tác động trực tiếp đến chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng giáo dục và đương nhiên kéo theo chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng tiến bộ xã hội.
“Tôi cũng chia sẻ băn khoăn của rất nhiều người về nguồn lực, tính khả thi và lộ trình. Đất nước còn khó khăn nhưng tôi nghĩ không có nghĩa là không có lối thoát đối với vấn đề này. Trước hết, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức phân bổ nguồn lực, đặc biệt là phải luôn đặt GDĐT là quốc sách hàng đầu, phải ưu tiên trong mọi chương trình, kế hoạch, thực hiện tiết kiệm toàn xã hội, tích cực chống tham nhũng, lãng phí, nhất là lãng phí trong đầu tư để có nguồn lực; tích cực xã hội hoá trong GDĐT; tăng tỉ lệ các trường tư thục, giảm các trường công lập; giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ của cán bộ các cấp, các ngành. Bằng các giải pháp quyết liệt, khoa học của Đảng, Quốc hội, Chính phủ gắn với Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội của Trung ương đang nghiên cứu, khảo sát, tôi tin là chúng ta sẽ có nguồn lực để giải quyết vấn đề này” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Về lộ trình, ông Hiểu cho rằng phải có lộ trình cụ thể, đảm bảo tính khả thi, không để nhà giáo trông ngóng, đợi chờ mãi một quan điểm hết sức nhân văn của Đảng nằm trong Nghị quyết, cần được đưa vào đời sống. Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị nên quy định “xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp từ năm 2025”. Ngay sau khi luật ban hành, chúng ta tập trung nâng lương cho các nhà giáo bậc mầm non và phổ thông - hai bậc học đang có mức lương rất thấp, nhất là nhà giáo có thâm niên ít - với mức cần thiết đảm bảo đời sống của họ. Hiện có nhiều giáo viên có mức lương thấp hơn cả lương tối thiểu vùng ở khu vực doanh nghiệp dành cho lao động giản đơn.
“Quyết tâm cao, với lộ trình thích hợp, tôi tin là quy định này sẽ đi vào đời sống, tạo nên cú hích cho ngành giáo dục và đào tạo. Từ đó, tạo đột phá về chất lượng nguồn lực để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Hiểu nhấn mạnh.
Không cần chi thêm kinh phí
Cùng quan điểm nên đưa nội dung xếp lương cho giáo viên vào Luật Giáo dục sửa đổi, TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Giáo dục sửa đổi - cho biết: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Ban soạn thảo của Chính phủ (gồm nhiều bộ, ngành tham gia, trong đó Bộ GDĐT được giao là cơ quan chủ trì) đã thống nhất đưa 2 nội dung về lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS vào dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của xã hội và vấn đề này đã được xã hội rất quan tâm.
Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ gần đây để thông qua dự án Luật để trình sang Quốc hội, một số bộ còn băn khoăn về chính sách này, trong đó có Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
Trước ý kiến cho rằng, nếu không đưa 2 nội dung này vào luật thì sẽ khó khả thi, ông Thạch nhận định điều này cũng có cơ sở. Vì luật là văn bản chính sách có hiệu lực pháp lý cao nhất và buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu Đảng và Chính phủ thực sự quan tâm chăm lo cho giáo dục thì các văn bản dưới luật như nghị định, nghị quyết của Chính phủ cũng có thể thực hiện được những chính sách lớn, được coi như là các chính sách mở đường, thí điểm để sau này luật hóa khi đủ các điều kiện.
Ông Thạch bày tỏ: “Trong quá trình nghiên cứu để đưa vào Luật Giáo dục chính sách ưu tiên về lương của nhà giáo chúng tôi cũng đã có những tính toán nhất định. Tại thời điểm này vẫn có thể thực hiện được. Vì có thể thu xếp được ở trong khoản ngân sách 20% chi cho giáo dục mà không cần lấy sang ngân sách của lĩnh vực khác. Bởi vì, khi chúng ta thực hiện tốt xã hội hóa trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, có nghĩa là không sử dụng ngân sách nhà nước, hoặc sử dụng rất ít ngân sách nhà nước chi cho lương nhà giáo và các hoạt động chi khác trong khu vực này, thì phần ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng cường cho giáo dục phổ thông”.
Bỏ tăng lương cho giáo viên: Ngành giáo dục có mất nhân tài? Việc bác bỏ tăng lương cho giáo viên có thể khiến người giỏi không hứng thú đến những vùng khó khăn và không đăng ký ... |
Đắk Lắk: Một hiệu trưởng bị tố nhận 300 triệu đồng “chạy” việc Theo lãnh đạo Công an huyện Krông Pắk, quá trình triệu tập lên làm việc, ông Huỳnh Bê đã thừa nhận có nhận khoản tiền ... |