Ngày 1/6, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Tiểu ban Hóa – Chế biến dầu khí thuộc Hội đồng Khoa học Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị tổ chức kỳ họp lần thứ 3 về vấn đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà máy lọc dầu/hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.
Kỳ họp thu hút sự tham dự của nhiều nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị và chuyên gia trong ngành. Về phía lãnh đạo PVN có Phó Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng. Về phía Hội đồng Khoa học Công nghệ có Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí, Phó Chủ tịch Hội đồng; Tiến sĩ Lê Xuân Huyên, Trưởng Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí. Ngoài ra còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Công Thương và lãnh đạo một số đơn vị khâu sau của tập đoàn.
Tại kỳ họp, đại diện Ban Chế biến Dầu khí đã trình bày tham luận về việc “Ảnh hưởng của xu thế phát triển chất lượng nhiên liệu đến quá trình đầu tư và xây dựng nhà máy lọc hóa dầu”. Báo cáo tham luận đã phân tích xu thế chất lượng nhiên liệu trên thế giới. Cụ thể, do môi trường ô nhiễm nên yêu cầu chất lượng nhiên liệu ngày càng cao để giảm ô nhiễm môi trường cho khí thải; quy định về tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu ngày càng cao; công nghệ NMLD ngày càng phát triển có thể sản xuất ra nhiên liệu chất lượng cao, giảm hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu xuống gần như bằng không...
Toàn cảnh kỳ họp. |
Sau những số liệu của thế giới, tham luận đi vào phân tích chất lượng nhiên liệu tại Việt Nam và đưa ra những kết luận, kiến nghị. Cụ thể, Ban Chế biến Dầu khí nhận định, ở những nước đang phát triển có thu nhập thấp, trung bình thì gặp khó khăn trong việc chuyển đổi do chi phí đầu tư nâng cấp lớn và không có hiệu quả nếu Chính phủ không có chương trình hỗ trợ. Đối với các NMLD hiện hữu như NMLD Dung Quất, NMLD Nghi Sơn thì Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét, có chương trình hỗ trợ phù hợp để triển khai nâng cấp chất lượng nhiên liệu đáp ứng lộ trình quốc gia và xu thế chung của thế giới.
Đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng đã trình bày những nhận định về thách thức và cơ hội của NMLD Dung Quất trước xu thế nâng cao chất lượng sản phẩm nhiên liệu theo các tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Theo đại diện BSR, những thách thức và cơ hội của đơn vị đều đến từ cơ chế, chính sách; nguyên liệu đầu vào và cấu hình nhà máy; thách thức về thị trường...
Đồng thời, để nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, BSR đưa ra giải pháp đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến nhằm tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm chi phí vận hành, giảm tiêu hao năng lượng... nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Ngoài ra còn triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Xây dựng trạm điện 110/22kV nối lưới nhập điện từ EVN; Vận hành 2 Boilers/2 STG; Giảm 1 Bơm nước biển; Nâng cấp và mở rộng trạm xuất xe bồn, LPG; Nhập sản phẩm trung gian về chế biến...
Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại kỳ họp. |
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng đưa ra ý kiến, để tăng tính chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, các nhà máy Bioethanol có phần góp vốn của PVN có thể xem xét các phương án theo các hướng sau: Đó là sử dụng Bioethanol để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hóa dầu Ethyl Acetate và ETBE; cải hoán 1 phần nhà máy để sản xuất PLA... Ngoài ra, cần tận dụng tối đa khả năng tích hợp giữa nguyên liệu và sản phẩm vào các nhà máy chế biến dầu khí của PVN để tăng hiệu quả và tính đảm bảo của các dự án. Đồng thời cần thực hiện các nghiên cứu cập nhật và chi tiết hơn để đánh giá khả năng đầu tư các dự án nói trên.
Ngoài các tham luận trên, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo)... cũng đã có những tham luận đóng góp cho kỳ họp.
Kết luận kỳ họp, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, PVN đã hoàn thành vượt tất cả các chỉ tiêu về sản xuất, kinh tế. Trong đó, khai thác dầu đạt khoảng 6,6 triệu tấn, khai thác khí đạt 4 tỷ m3, sản xuất đạm đạt 64,6 ngàn tấn. Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu toàn tập đoàn đạt 234.000 tỷ, nộp ngân sách đạt 40.800 tỷ, tương đương hơn 10% với thu nội địa của nhà nước; lợi nhuận đạt 9.800 tỷ.
Toàn cảnh NMLD Dung Quất. |
"Các đơn vị khâu sau có sự đóng góp to lớn vào tổng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn. Ngoài ra còn góp phần to lớn, nếu không muốn nói là quyết định tới sự phát triển trực tiếp cho công nghiệp, kinh tế và xã hội tại các địa phương. Để duy trì điều đó, cần thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà máy lọc dầu, hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam", Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tính đến hết tháng 5/2018, toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nộp ngân sách Nhà nước đạt 40,8 ngàn tỷ đồng, vượt 32% ... |
BSR được vinh danh Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2018 Ngày 2/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam tổ chức lễ tổng kết chương trình "Truyền thông Xây ... |