Trong 9 nàng dâu, chị Yến là người duy nhất ngủ với mẹ chồng đến cả nghìn ngày, đêm còn gọi bà dậy đưa đi vệ sinh vì sợ ma. 

nang dau xung chi em voi me chong kho tinh
hị Yến và mẹ chồng lúc bà còn sống. Theo chị, muốn dung hòa và yêu quý mẹ chồng, nàng dâu cần tìm hiểu lý do, chia sẻ và cảm thông.

Sắp tới giỗ 100 ngày của mẹ chồng, chị Đoàn Thị Yến ở Lào Cai bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm vui của mẹ con chị lúc bà còn sống qua bài viết trên trang cá nhân. Bài chia sẻ của chị Yến khiến nhiều người "cười ra nước mắt" bởi giọng văn hài hước, lối xưng hô "chị - em" giống như đang "kể tội". Nhưng thực chất đó là cảm xúc nhớ thương và quý trọng mà người con dâu dành cho mẹ. Bài viết làm hiện lên hình ảnh người mẹ chồng ngày xưa tần tảo, chắt chiu; kỹ tính, cẩn thận, lại khắt khe với con dâu nhưng ẩn sau đó là người phụ nữ tốt tính.

Thời tiết những ngày này se se lạnh làm chị Yến nhớ đến ngày xưa thường chuẩn bị chăn, quần áo ấm cho mẹ chồng mỗi khi trời trở gió. Mùa đông năm nay không còn được làm những công việc quen thuộc ấy cho mẹ nữa, chị Yến nhớ đến bà bằng kỷ niệm.

Bà Chung, mẹ chồng chị Yến, qua đời ở tuổi 96 cách đây vài tháng. Bà bị đưa đi từ nhỏ và được một gia đình hiếm muộn tại Hưng Yên nhận về làm con nuôi. Sau này con cái cất công lần lại nguồn cội cho mẹ nhưng không tìm được, chỉ đoán bà là người Nghệ An. 19 tuổi, bà Chung lấy chồng cùng quê ở Tiên Lữ. Năm 1962, vợ chồng bà lên Yên Bái khai hoang. Bà sinh được 12 người con nhưng mất ba và chồng chị Yến là con thứ 9 trong nhà.

Chồng bà Chung vốn có nghề cắt tóc và làm mộc nên dù đông con, kinh tế gia đình bà vẫn thuộc loại khá giả trong làng lúc bấy giờ. Thế nên, bà Chung chỉ việc ở nhà trông con, nấu rượu, nuôi lợn. Khi ông qua đời, bà mở quán bán hàng, phần để tìm niềm vui, phần để duy trì cuộc sống lo dựng vợ gả chồng cho 4 người con út.

Chị Yến nhớ như in lần đầu tiên về ra mắt nhà bạn trai, là chồng chị bây giờ, cách đây 28 năm. Bà Chung đưa cho người yêu của con chiếc liềm và bảo xuống vườn cắt rau ngót về nấu bát mỳ ăn sáng kẻo đói.

"Em ngoan ngoãn, lao động chăm chỉ để ghi điểm nên vèo một cái đã cắt xong luống rưỡi bàn giao cho chị. Chị ngớ ra rồi thoắt cái rút sợi dây thừng, dùng chân đạp mạnh, xiết chặt bó rau, cất lên gác bếp. Choáng đến một hồi sau em mới hiểu rằng: \'Chị chơi em\'", chị Yến viết.

Trong thử thách đầu tiên ấy, chị Yến đạt điểm 0 vì tính "láu cá", lại không biết nấu ăn. Thương con trai đã đứng tuổi, bà Chung đành lặn lội đi đón con dâu về nhà. Biết bà khó tính nhưng không hiểu sao chị Yến lại hay nhớ mẹ chồng, lo bà lạnh, bà buồn. Có chuyện gì vui hay lễ, Tết, dù bận mấy cô con dâu cũng không quên chạy về với mẹ.

"Em nhớ chị cũng phải thôi. Chị có những 9 nàng dâu nhưng em là dâu duy nhất xa chồng, ngủ chung với chị đến cả nghìn ngày, đêm còn gọi chị dậy đưa đi vệ sinh vì sợ ma", chị Yến nhớ lại.

Ngày ấy, chồng công tác ở huyện Bát Xát, Lào Cai, nên chị Yến sống cùng mẹ chồng. Hàng ngày, bà Chung giao cho con dâu nhiệm vụ kiếm một gánh củi và tráng bánh đa, phơi se se rồi cắt ra. Nhân lúc mẹ đi chợ, chị Yến ngủ quên nên bị bà cầm đòn càn đuổi đánh. Những ngày đầu mới về làm dâu, chị Yến khóc suốt vì tủi thân. Chị thường tâm sự với chồng qua thư hoặc chia sẻ với anh mỗi lần về thăm nhà. Nghe chồng kể về mẹ, chị tìm hiểu nguyên nhân tại sao bà lại khó tính như vậy, rồi đồng cảm và thương bà hơn.

nang dau xung chi em voi me chong kho tinh
Chị Yến từng là giáo viên nhưng hiện quản lý doanh nghiệp riêng tại Lào Cai. Chị có hai con gái và đã lên chức bà ngoại.

Theo chị Yến, mẹ chồng chị đi ở từ nhỏ nên có thói quen ăn giấu, chửi tục như một cách tự vệ với những người làm khác; luôn phòng thân và ít giao lưu bạn bè. Ngày còn trẻ, bà đẹp và trắng nõn nà. Cuộc sống khó khăn, có đồng nào cất đồng đó khiến bà rất sợ bị ăn trộm. Bà sống ngăn nắp, sạch sẽ tới mức nồi nấu cơm trên bếp củi luôn sạch bóng; đôi dép mỗi khi đi về phải được chải sạch rồi dựng lên.

Nhiều lúc cũng khó chịu và vùng vằng với mẹ nhưng sau đó, chị Yến nghĩ đến tình thương mà cảm thông cho bà. Mất mẹ đẻ từ sớm, chị Yến thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của một người mẹ. Mẹ chồng thích nói chuyện với chị, dù những vấn đề bà quan tâm đôi khi lạc nhịp với thời cuộc. Chị Yến tâm sự, để hòa hợp và yêu quý được mẹ chồng, con dâu phải bao dung, biết chia sẻ và thông cảm. Vì thế, mỗi khi bà Chung giận con dâu mà tiện chân đá chiếc thúng, thay vì phản ứng lại, chị biến chiếc thúng rách trở thành câu chuyện hài hước. Nếu lỡ bộc lộ phản ứng, sau đó chị sẽ quay lại quan tâm bà.

Nhờ khéo léo, chị Yến đã biến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu với bà Chung thành thứ tình cảm đặc biệt. Sự quan tâm của chị dành cho mẹ chồng xuất phát từ cái tâm, còn bà đối xử với chị bằng sự tin tưởng.

Bà xưng "chị" với con dâu, còn chị Yến gọi mẹ là "đại ca". Thỉnh thoảng, bà hài hước khen chị: "Mày đẹp gái đấy".

Trong số các con dâu, chỉ có chị Yến mới dám đề nghị mẹ chồng không bình luận chuyện trong nhà với hàng xóm và bỏ mấy cụm từ đệm.

Những năm cuối đời, bà không sống cố định một nơi mà luân phiên ở cùng các con. Trước đó, bà sống trong căn nhà gỗ lợp lá của chồng để lại và quyết không đi đâu với lý do sợ con mèo không ai cho ăn và cây hồng xiêm không ai tưới. Thương mẹ già yếu, các con của bà Chung thay nhau đón bà về phụng dưỡng. Đến giờ, vợ chồng chị Yến vẫn tiếc khi mới đón bà về ở được ba lần, lâu nhất là một năm, còn lại là vài tháng.

"Lần cuối ở Lào Cai trước khi đưa chị về Yên Bái, chị ngồi sau vòng tay ôm em thật chặt. Chị cười nói suốt dọc đường và chốt lúc xuống xe: \'Mày hay nói thẳng nhưng chị quý mày nhất đấy. Chị rất quý mày\'", chị Yến viết.

Bà Chung đã mất gần 100 ngày nhưng trong trong tâm trí của các con, bà như vẫn còn mãi. Với chị Yến, sự vắng mặt của mẹ chỉ là bà đang đi "du lịch". Trước khi về với tổ tiên, bà từng hai lần

chứng kiến hai người con qua đời. Một lần, ngắm bình tro cốt của con trai, bà kéo chị Yến ra và dặn "nhớ làm như thế này cho mẹ nhé".

Anh Phan Văn Phương, chồng chị Yến, hãnh diện và tự hào với các anh, chị, em trong gia đình khi có người vợ hòa hợp với mẹ chồng. Nhà đông con dâu nhưng cách chăm sóc, chia sẻ của chị Yến với mẹ luôn khiến anh Phương thấy yên tâm. Anh cho biết, ngày mẹ còn sống, những dịp lễ, Tết hay chuyển mùa, chị Yến luôn chủ động nhắc chồng cùng về thăm bà. "Bà xã hài hước lại tâm lý với mẹ chồng. Mẹ tôi chỉ nghe mỗi lời Yến nói, còn với người khác có khi lại xảy ra xích mích. Ngày mới về làm dâu, bà xã cũng bảo mẹ khó tính nhưng sau đó, cô ấy biết thông cảm và chia sẻ nên hai mẹ con dần hiểu nhau hơn", anh Phương nói.
nang dau xung chi em voi me chong kho tinh Mẹ chồng nàng dâu

Có một cặp vợ chồng mới cưới nhau và người vợ theo phong tục tập quán phải về nhà chồng. Chẳng may người chồng còn ...

nang dau xung chi em voi me chong kho tinh Sống chung với nàng dâu: Mẹ chồng cũng khóc

Con dâu tôi nghe xong liền nói: “Lần sau có chuyện gì không vừa ý mẹ nên nói trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn, ...

https://ngoisao.net/tin-tuc/gia-dinh/nang-dau-xung-chi-em-voi-me-chong-kho-tinh-3661662.html

/ ngoisao.net