Từ những loại trái cây đơn thuần là bưởi và dừa, vốn hay lâm vào tình trạng được mùa rớt giá, 2 nhà vườn ở miền Tây hô biến thành những sản phẩm độc, lạ trong dịp Tết
Nói đến "cha đẻ" của bưởi hồ lô ở miền Tây, ai cũng biết đến ông Võ Trung Thành (ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Nhắc về ý tưởng làm bưởi hồ lô từ năm 2007, ông Thành nhớ lại: "Hồi xưa làm giáo viên lương ba cọc ba đồng không đủ nuôi gia đình nên tui nghỉ dạy về trồng bưởi Năm Roi nhưng giá cả cũng bấp bênh, không khấm khá lên được. Trong một lần xem phim "Tây Du Ký", thấy nhân vật trong phim đeo cái bình hồ lô chứa rượu để uống, tôi liền nghĩ nếu trái bưởi cũng có hình dạng hồ lô thì sao".
Thất bại là mẹ thành công
Nghĩ vậy thôi chứ ông Thành chưa dự tính làm gì. Tình cờ một lần đi thăm vườn bưởi, ông phát hiện một trái bưởi bị kẹt giữa 2 nhánh cây có hình dạng khá giống bình hồ lô. Từ đây, ông Thành quyết tâm phải tạo hình dáng hồ lô cho trái bưởi. "Lúc mới làm chưa có khuôn như bây giờ, ban đầu dùng ống hút buộc ngang 1/3 thân bưởi nhưng khi bưởi lớn lại không ra dáng hồ lô, chỉ có 5 trái nhìn hơi giống hồ lô. Tôi tiếp tục dùng dây kẽm buộc ngang cũng không thành công" - ông Thành kể.
Ông Thành nâng niu từng quả bưởi hồ lô để bán trong dịp Tết Ảnh: Ca Linh
Anh Huỳnh Thanh Tâm với sản phẩm dừa hồ lô in chữ Ảnh: Lê Khánh
Liên tiếp những năm sau đó, ông Thành dùng nhiều loại vật liệu để làm khuôn và hầu hết đều thất bại. Dù vậy, ông không hề nản chí. Sau khi tìm tòi, suy nghĩ, ông Thành nhận ra rằng muốn trái bưởi thành hình hồ lô phải có khuôn tạo kiểu dáng chứ không thể dùng dây buộc đơn thuần. Và để tăng giá trị sản phẩm, trên khuôn phải có 2 chữ "tài lộc".
Nhờ người quen giới thiệu, năm 2009, ông Thành lên TP HCM đặt khuôn bằng thép với chi phí ban đầu là 25 triệu đồng. "Cha đẻ" bưởi hồ lô tâm sự: "Có khuôn rồi phải tuyển những trái bưởi đẹp, nằm dưới thấp để thuận tiện chăm sóc. Thường mỗi cây chỉ cho vài trái đẹp, khi bưởi được 2 tháng cho vào khuôn. Vào dịp Tết năm 2009, tôi tung 148 trái bưởi hồ lô có in chữ "tài lộc" và được thị trường đón nhận dù giá từ 2-3 triệu đồng/cặp".
Liên tiếp cho đến nay, ông Thành còn tạo hình ra nhiều hình dáng cho bưởi Năm Roi như: Bưởi bàn tay Phật, bưởi in bản đồ có quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, bưởi hồ lô thỏi vàng đồng tiền, bưởi hồ lô thư pháp.
Thấy thị trường đón nhận, ông Thành cùng nhiều nông dân trong ấp thành lập hẳn CLB Khuyến nông Phú Trí A chuyên tạo hình trên bưởi.
Nâng giá trị cho trái dừa
Dịp Tết năm nay, trên thị trường xuất hiện loại trái cây "độc, lạ" mới toanh là dừa hồ lô in chữ nổi. Người sáng tạo ra sản phẩm này là anh Huỳnh Thanh Tâm (32 tuổi; ngụ ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Cũng như ông Thành, chàng trai này khởi nghiệp rất gian nan.
Anh Tâm kể: "Khoảng năm 2012, tôi tình cờ đọc một bài báo viết ở Nhật Bản họ tạo hình trái dưa tròn thành dưa vuông, tôi liền nghĩ ngay sẽ áp dụng lên trái dừa. Ban đầu, tôi dùng lon sữa bò cắt bỏ phần đáy rồi trùm lên trái dừa. Nhưng sau 1 tháng, trái dừa này bị phình to đầu trông rất xấu". Người đàn ông 8X này lại tiếp tục thử nghiệm nhiều loại khuôn như gáo dừa vẫn không thành công do trái dừa cứng, độ tương thích với khuôn không đồng đều.
Năm 2015, anh Tâm đang làm cho một công ty ở TP HCM nhưng ấp ủ ước mơ nâng cao giá trị cho trái dừa, nên cứ chủ nhật bắt xe về Bến Tre, đến chiều lại bắt xe lên TP HCM. Trong suốt 3 năm, tự làm, tự thiết kế khuôn tuy không thành công nhưng đã cho anh Tâm nhiều kinh nghiệm quý báu. Cuối cùng, anh sáng chế ra khuôn bằng nhựa vừa khít với trái dừa nhưng khi thành phẩm mặt chữ lại không đẹp. "Qua nhiều lần thất bại, bằng kinh nghiệm, tôi thấy rằng cần phải làm giảm bớt độ láng của trái dừa, nếu đưa khuôn cứng thì dừa bị trầy, khi có mưa gió chữ sẽ bị thâm đen. Tôi đã dùng công nghệ nghiên cứu ra mặt khuôn mới và in chữ chìm lên trái dừa. Kết quả, vào dịp Tết năm 2016, 300 trái dừa in chữ chìm được thị trường đón nhận" - anh Tâm chia sẻ.
Sau thành công này, anh Tâm nghỉ việc ở TP HCM và về hẳn ở quê để chuyên tâm tạo hình dừa. Không dừng lại ở đó, anh Tâm lại có ý tưởng làm dừa hồ lô in chữ nổi. Để có những trái dừa "chiến" tạo hình, anh Tâm phải đi chọn lọc từng vườn dừa ở Bến Tre với giá mua cao hơn bên ngoài.
Về quy trình tạo hình dừa hồ lô, anh Tâm kể: "Mình mua vườn dừa thì chọn quả non cắt bớt, chỉ để những trái đẹp. Khi dừa được khoảng 300 g thì lên vòng eo cho dừa đúng kỹ thuật. Dừa thành hình hồ lô thì cắt xuống cho vào khuôn chữ nổi sẽ ra được sản phẩm".
Dịp Tết năm 2017, ngoài sản phẩm dừa in chữ chìm, anh Tâm chỉ đi chào hàng 100 trái dừa hồ lô in chữ nổi để "thử" thị trường nhưng không ngờ được khách hàng đón nhận. Vì vậy, trong dịp Tết năm nay, ông chủ trẻ này làm số lượng nhiều hơn để cung ứng. Ngoài ra, anh Tâm còn có nhiều ý tưởng để tạo dáng, khắc chữ nghệ thuật lên các loại quả khác không chỉ phục vụ trong dịp Tết mà còn trong mâm quả thờ cúng của các gia đình trong dịp rằm, lễ...
Giá cao nhưng đắt khách Trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các thành viên trong CLB Khuyến nông Phú Trí A cung ứng khoảng 6.000 trái bưởi hồ lô tạo hình. Riêng sản lượng do hộ ông Thành làm ra khoảng 500 trái. "Về giá cả bằng mọi năm, từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái tùy loại. Tuy giá cao nhưng có khách đặt hàng hết rồi" - ông Thành phấn khởi. Riêng anh Tâm thì cung cấp sản phẩm mới là dừa hồ lô in chữ nổi "phúc - lộc - thọ" và dừa hồ lô "tài - lộc" với 5.000 trái và dừa in chữ chìm 2.000 trái với giá bán 500.000 đồng/trái. |
Hà Nội: Giáp tết, "đặc sản" tắc đường tái diễn mọi nơi Không kể giờ cao điểm, những ngày này, giao thông của Hà Nội luôn trong tình trạng tê liệt. Dịp tết, lượng phương tiện tham ... |
Bưởi Diễn mất giá, người trồng vẫn thu lãi cao sát Tết So với mọi năm, sản lượng bưởi Diễn ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cung ứng cho thị trường Tết Mậu Tuất tăng hơn ... |