Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng nắng nóng, hạn hán đã bắt đầu ảnh hưởng cục bộ tại một số địa phương.

Thống kê của Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện các hồ thủy lợi ở khu vực Bắc bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ có trữ lượng nước đạt trung bình khoảng 40-50% dung tích thiết kế, ở khu vực Trung bộ ở mức từ 50-70% dung tích thiết kế.

Với dung tích như vậy, Cục Thủy lợi dự báo đến cuối tháng 5, ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ về cơ bản đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Còn với các tỉnh Bắc Trung bộ, vào điểm cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới 7.500-10.000 ha canh tác.

Nắng nóng, hạn hán bắt đầu “tấn công” vào nông nghiệp, nhiều nơi thiếu nước ảnh 1

Hồ Trị An cạn nước từ nhiều ngày qua

Trong đó, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.000-3.000 ha, Nghệ An có khoảng 4.000-5.000 ha, Hà Tĩnh 300 ha; Quảng Bình 100-600 ha; Quảng Trị 1.000 ha; Thừa Thiên - Huế 100 ha.

“Với diễn biến thời tiết còn nhiều thay đổi, tác động của El Nino phải chờ đến cuối tháng 6 mới dự báo được chính xác. Tuy nhiên, trong tháng 7, tháng 8, tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra cục bộ tại một số khu vực và địa phương. Sang tháng 9, tình trạng này bắt đầu ảnh hưởng rõ hơn”, Cục Thủy lợi cho hay.

Trong khi đó, ở khu vực Nam Trung bộ, theo Cục Thủy lợi, hiện chỉ còn một số khu vực chưa thu hoạch nên nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất cho đến hết vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu, toàn vùng gieo trồng khoảng 350.000 ha cây trồng hằng năm, trong đó có khoảng 3.000-3.500 ha trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn.

Nắng nóng, hạn hán bắt đầu “tấn công” vào nông nghiệp, nhiều nơi thiếu nước ảnh 2

Người dân trên địa bàn xã Tú Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình do thiếu nước đã phải chuyển đổi trồng ngô sang cây sắn để tăng tính chịu hạn

Ở khu vực Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất cùng với thời kỳ mùa mưa nên nguồn nước cơ bản được đảm bảo.

Còn đại diện Cục Trồng trọt cho biết, tình trạng nắng nóng và hạn hán năm nay dự báo có thể tác động tiêu cực đến cây lúa, cây ăn quả và một số cây trồng khác. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm; và sử dụng các giống chịu hạn và giống ngắn ngày. Căn cứ vào nguồn nước và tình hình hạn hán, kế hoạch sản xuất phải linh động, cùng một vùng, cùng một cánh đồng phải tiết kiệm nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện tình hình hạn hán chưa vào đợt cao điểm. Dự báo khoảng tháng 7 đến tháng 10 mới xuất hiện hạn nặng.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ảnh hưởng của El Nino lần này được dự báo sẽ kéo dài như giai đoạn 2014-2016. Bộ đang tổng hợp đánh giá để đưa ra các giải pháp tổng thể không chỉ trong năm 2023 mà cho cả những năm tiếp theo vì những diễn biến đã có tính chu kỳ ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, tránh tình trạng bị động, chạy theo thời tiết gây ảnh hưởng đến sản xuất.

https://www.anninhthudo.vn/nang-nong-han-han-bat-dau-tan-cong-vao-nong-nghiep-nhieu-noi-thieu-nuoc-post540833.antd

Tuyết Nhung / ANTD