Nắng nóng khắc nghiệt lên tới hơn 40°C những ngày qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu được cảnh báo sẽ ngày càng phổ biến do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và sự thiếu vắng hành động làm chậm lại tiến trình này từ nhiều quốc gia. Thực trạng đáng lo ngại đòi hỏi những giải pháp ứng phó toàn diện.
- Bắc-Trung Bộ nắng nóng diện rộng vào tuần tới, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng cao
- Gần 2.000 người thiệt mạng vì nắng nóng ở châu Âu
Tại châu Âu, Bộ Y tế Italia ngày 22-7 đã ban bố cảnh báo đỏ do nắng nóng gay gắt tại 16 thành phố. Trong khi đó, tại Anh, nhiệt độ tại sân bay Heathrow (London) ngày 19-7 đã lên đến 40,2 độ C, phá vỡ kỷ lục 38,7 độ C của năm 2019, trong khi thị trấn Coningsby (Lincolnshire) đạt mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 40,3 độ C. Còn ở Pháp, cơ quan khí tượng đo được nhiệt độ kỷ lục tại 64 khu vực trên toàn quốc... Các cộng đồng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng oằn mình chống chọi với nhiệt độ cao, trong đó nhiệt độ phía Nam Tây Ban Nha được dự báo vượt mức 44 độ C.
Bên kia Đại Tây Dương, hơn 50% số bang của Mỹ đã phát cảnh báo về nền nhiệt cao trong sáng 21-7, với nhiệt độ cao nhất là 46 độ C tại Texas và Oklahoma. Tại châu Á, nhiều thành phố của Trung Quốc ban bố cảnh báo đỏ cao nhất, khi nền nhiệt nhiều khu vực đã vọt lên trên 44 độ C. Ở Nhật Bản, nhiệt độ tại Isesaki (cách Tokyo 85km về phía Tây Bắc) đã lên tới 40,2 độ C, phá vỡ kỷ lục tháng 6 nóng nhất của Nhật Bản là 39,8 độ C vào năm 2011.
Nhiệt độ cao gây ra các ca tử vong ở nhiều khu vực bất chấp những cảnh báo kiểm tra thiết bị làm mát, chủ động uống nhiều nước, tránh xa ánh nắng mặt trời… được các chính phủ và cơ quan y tế đưa ra. Vì nắng nóng nên từ ngày 9-7 đến 23-7, ít nhất 44 người đã thiệt mạng tại Nhật Bản, trong khi hơn 12.000 người phải nhập viện trong hai tuần đầu tháng 7. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy, đã có hơn 1.700 người ở bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tử vong vì nắng nóng. Một số quốc gia hiện vất vả ứng phó tình trạng lao động làm việc ngoài trời thiệt mạng do thời tiết cực đoan.
Cùng với đó, hàng trăm vụ cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt nghiêm trọng tại Italia. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nắng nóng đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ điện tăng, trở thành quan ngại trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, nhất là với châu Âu vốn đang thiếu khí đốt nghiêm trọng kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng phát. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng phát đi cảnh báo, nắng nóng sẽ tạo ra thách thức cho hệ thống y tế do nhu cầu điều trị tăng cao.
Quan ngại trước những hệ lụy của nắng nóng cực đoan, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục kêu gọi chung tay chống biến đổi khí hậu. Các chuyên gia chỉ ra, đợt nắng nóng gần đây cho thấy sự cần thiết của hành động phối hợp trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh các chính phủ cần thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các quốc gia cần giảm phát thải bằng cách loại bỏ than đá, hướng tới các nguồn năng lượng sạch; song song tập trung hơn vào việc thích ứng an toàn với các rủi ro. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nêu rõ, các quốc gia phát triển, giàu có cần thực hiện tốt cam kết giúp các quốc gia kém phát triển tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.
Những đợt nắng nóng mới không chỉ là sự cảnh báo mà còn là động lực để nhân loại thúc đẩy các giải pháp ứng phó thách thức khí hậu. Nỗ lực này cần có sự phối hợp, tăng cường hợp tác của tất cả quốc gia trên thế giới, qua đó biến những cam kết mạnh mẽ trở thành hành động với kết quả cụ thể.