Kính thiên văn SPHEREx của NASA sẽ được dùng để lập bản đồ của hơn 450 triệu thiên hà, 100 triệu ngôi sao với độ chi tiết chưa từng có.

Theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, trong hai năm kính SPHEREx sẽ lập bản đồ của hơn 450 triệu thiên hà và 100 triệu ngôi sao trong thiên hà Milky Way, cứ mỗi năm nó tạo ra một bản đồ.

SPHEREx sẽ tìm kiếm bằng chứng về nước, các phân tử quan trọng như carbon monoxide trong các vành đĩa bọc quanh các ngôi sao trong thiên hà Milky Way.

Kính cũng sẽ nghiên cứu thời điểm bắt đầu hình thành sao, kỷ nguyên tái ion hóa trong thiên hà Milky Way, nghiên cứu cách các thiên hà phát triển thông qua sự thay đổi cường độ ánh sáng theo thời gian.

Cuối cùng, SPHEREx cũng sẽ nghiên cứu cách vũ trụ giãn nở theo cấp số nhân.

nasa-06112036
Kính thiên văn SPHEREx của NASA sẽ lập bản đồ của hơn 450 triệu thiên hà, 100 triệu ngôi sao với độ chi tiết chưa từng có. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech)

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chiếc kính thiên văn này trông hơi kỳ quặc, giống thiết kế hình nón của cái vòng chụp bảo vệ đeo cổ thú y.

Beth Fabinsky, Phó Giám đốc Dự án SPHEREx tự hào nói rằng: "Đây không phải là chiếc nón chụp đáng xấu hổ, nó sẽ trở nên nổi tiếng đúng với tên gọi của nó, SPHEREx!".

Kính thiên văn SPHEREx có kích cỡ dài 2,6m, rộng 3,2m, gồm ba tấm chắn photon hình nón. Những tấm chắn này được làm bằng nhôm. Chúng lồng vào nhau với các khoảng trống ở giữa, cùng bộ tản nhiệt rãnh chữ V dùng che chắn, bảo vệ kính khỏi bị nhiệt, bức xạ hồng ngoại từ Mặt trời hay Trái Đất chiếu vào.

Bản thân kính cũng cần được làm lạnh xuống mức -210 độ C liên tục để chống chọi với các bức xạ nhiệt không gian trong khi hoạt động.

Sau khi hoàn thành việc lắp ráp và thử nghiệm sức chịu, kính SPHEREx sẽ được phóng lên không gian bằng tên lửa SpaceX Falcon 9, thời gian không sớm hơn tháng 6 năm 2024.

Huỳnh Dũng / VTC News