Mấy hôm trước thấy bạn bè trích dẫn và bình luận về nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền, tôi còn thấy mừng cho thầy giáo cũ của mình. 

Giới làm khoa học như chúng tôi, nếu được nhiều người quan tâm tới công trình nghiên cứu của mình, sẽ thường lấy làm mừng lắm. Các phản biện trái chiều trong học thuật thậm chí còn được trông đợi, bởi chính sự phản biện sẽ giúp nhà khoa học nhìn nhận lại nghiên cứu để hoàn thiện nó một cách thuyết phục hơn.

Tuy nhiên, khi nhiều người, trong đó có cả những trí thức, dồn dập "ném đá" nghiên cứu của ông, lăng mạ ông bằng những từ ngữ xấu xí nhất, tôi thấy xót xa và nhận ra một điều gì đó rất không ổn.

Việc phản ứng lại cái mới là một hiệu ứng thường thấy. Nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp Pierre Bourdieu đã giải thích hiện tượng phổ biến này bằng khái niệm "Habitus" - là tập hợp kết quả của quá trình học tập, trải nghiệm, tiếp xúc… Các quá trình ấy hình thành, đan xen và khắc sâu vào trí não con người thành những mô hình hành vi, những phương thức nhìn nhận, ứng xử và đánh giá, phản ứng trước các sự vật, hiện tượng xã hội. Khái niệm "Habitus" của Bourdieu cũng giúp ta hiểu rằng khi các thói quen và tâm thế đã được khắc sâu vào trí não con người như một kiểu vô thức thì những tác động nhằm thay đổi thói quen và tâm thế đó luôn nhận được những phản ứng ngược chiều gay gắt. Đây chính là lý do các luận điểm mới thường khó được chấp nhận ngay từ đầu.

Một ví dụ điển hình là sự khám phá của Galileo về việc Trái đất quay xung quanh Mặt trời - ngày nay được coi là một sự thật hiển nhiên, nhưng vào ngày đưa lý thuyết này ra, ông suýt bị đưa lên giàn thiêu.

Vấn đề cải cách chữ viết cũng vậy. Trung Quốc, khi quyết định thay chữ phồn thể bằng chữ giản thể, đã vấp phải rất nhiều phản ứng; và Đài Loan - nơi dùng chung hệ thống chữ phồn thể đã cự tuyệt việc chuyển đổi sang hệ thống chữ mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc dùng chữ giản thể đã giúp chữ Hán phổ biến rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế và giảm nhẹ gánh nặng học chữ cho trẻ ở trong nước.

Việc cải cách chữ Quốc ngữ ở Việt Nam cũng không phải là vấn đề mới, trước đây Hồ chủ tịch cũng đã dùng "kách mệnh" hay "zân tộc" thay cho "cách mệnh" và "dân tộc". Nhiều văn sĩ và nhà khoa học trước như ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Nguiễn Ngu Í, ông Nguyễn Vĩ… cũng đã đề xuất và cổ động việc cải cách chữ quốc ngữ nhưng đều không thành. Các văn sĩ này đều xuất phát từ một luận điểm chung là chữ quốc ngữ, theo thời gian, đã bộc lộ nhiều bất hợp lý như việc dùng hai tới ba chữ cái để biểu đạt một âm vị (ví dụ: C, Q, K hay GI, D, R) hoặc việc phải dùng hai chữ cái để biểu đạt một phụ âm (ví dụ: CH, NG, TH). Đây là những hiện tượng bất quy tắc, và bởi chữ viết mang tính ước lệ, nên với nhiều trường hợp, ví dụ như tại sao dùng GI mà không dùng D, giáo viên cũng không thể giải thích một cách logic cho học sinh. Điều này gây khó khăn cho người học, đặc biệt cho trẻ em hay người nước ngoài học tiếng Việt.

Điều này cho thấy nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền là có căn cứ khoa học và đáng được trân trọng, dù kết quả của ông có được áp dụng hay không. Cá nhân tôi thấy việc thay đổi hoàn toàn hệ thống hiện thời sang hệ thống chữ của ông là điều khó có thể thực hiện, nhưng việc đơn giản hóa chữ viết mà ông hướng tới không phải không thể ứng dụng ở một khuôn khổ nào đó. Những đề xuất cải cách ký âm tiếng Việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh trước đây cũng đã không được ủng hộ, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó các quy ước về việc bỏ dấu và mũ của ông (như dấu huyền = f, dấu sắc = s, chữ â = aa, ô = oo…) đã được ứng dụng trong điện tín và giờ trở thành cách gõ telex thông dụng và quen thuộc của người dùng điện thoại hay máy vi tính.

PGS TS Bùi Hiền, với tôi, người học trò của ông ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ - ĐH QGHN), luôn là một hình mẫu về đạo đức, trí tuệ và sự cống hiến hết mình cho khoa học. Lần này, những gì ông đã làm - nghiên cứu khoa học nghiêm túc, thầm lặng trong suốt 40 năm; không tiêu tốn một đồng tiền thuế nào của nhân dân - tiếp tục là một lao động chân chính, đáng trọng.

Với tinh thần đó của một nhà khoa học, những phản ứng và tranh luận trái chiều, tôi tin, sẽ không làm ông gục ngã. Nhưng những chỉ trích và mạt sát cá nhân với ông là điều không thể chấp nhận được.

Thói quen bảo thủ, co rúm lại trước những gì mới mẻ; tệ hơn là bài bác, chối bỏ cái mới sẽ khiến nhiều ý tưởng không có cơ hội để xuất hiện và sống sót. Xã hội nào, theo tôi, cũng cần có càng nhiều càng tốt những con người không chấp nhận lối mòn, luôn loay hoay đổi mới, sáng tạo. Họ sẽ tạo động lực phát triển cho cả cộng đồng.

Ai cũng có quyền đưa ra ý kiến của mình. Ai cũng có quyền tham gia tranh luận về học thuật, miễn là bằng một thái độ có văn hóa; bằng những luận điểm rõ ràng và hơn hết, bằng tinh thần tôn trọng cái mới, cái khác biệt.

nem da khoa hoc Phó giáo sư 40 năm nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ

Dù dư luận cười chê, gia đình ngăn cản, PGS Bùi Hiền vẫn quyết tâm nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ, đến khi nào ...

nem da khoa hoc Bộ GDĐT nói gì về đề xuất cải cách tiếng Việt gây sốc?

Bộ GDĐT trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, Bộ không ...

/ VnExpress