Nếu học sinh có khả năng tự học ở nhà một cách đàng hoàng và có hướng dẫn cần được xem xét công nhận và được vào học chương trình THCS
Nên tiếp tục hay bỏ thi THPT?
Sáng 28/12, tại Trường ĐH Luật TPHCM đã diễn ra Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều ý kiến tiếp tục tranh luận về việc nên bỏ hay tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) tại một ngày hội hướng nghiệp. Ảnh: SGGP
TS. Nguyễn Đức Cường, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã trình hai kỳ họp Quốc hội khóa 5 và khóa 6.
Về nội dung, dự thảo luật được bổ sung thêm 5 chính sách mới gồm: Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên đại học, thạc sĩ; học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển; chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Ông Cường cho biết, Bộ mong muốn tiếp tục lấy thêm ý kiến góp ý cho nhiều nội dung khác, trong đó có đề cập tới nội dung nên bỏ hay tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, giáo dục là cả một quá trình gồm nhiều yếu tố đánh giá chứ không nên đánh giá người học chỉ qua một bài thi hay một kỳ thi gồm 4-5 môn học.
"Nếu lấy kết quả thi cử để đánh giá năng lực người học, chúng ta đã vô tình đánh giá thấp những yếu tố khác của giáo dục, tạo cơ hội cho tâm lý học chỉ để thi trong học sinh", TS Phạm Thị Ly bày tỏ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH sư phạm TPHCM cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay không đánh giá học sinh cuối cấp để giảm áp lực thi cử cho học sinh. Thay vào đó, họ chọn đánh giá học sinh vào những năm giữa cấp như lớp 4, lớp 8, lớp 11.
Trong khi đó, ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM), thì lại cho rằng nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên cần điều chỉnh lại theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho HS, trong đó quan trọng nhất là thay đổi quy mô và cách thức tổ chức.
Nên công nhận kết quả tự học tại nhà
Tham gia phát biểu, luật gia Dương Minh Kiều, Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Gò Vấp (TP.HCM) ủng hộ quan điểm giữ nguyên kỳ thi nhưng cho rằng, nên chú ý nhiều đến những người tự học, cần phải giải quyết nhu cầu của người tự học ở nhà, vì có những người tự học rất nghiêm túc thì kết quả của họ cũng nên có cách để công nhận.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng phong trào tự học (homeschooling) hiện nay đang rất phổ biến ở Việt Nam. Việc đánh giá học sinh tiểu học cũng đã thay đổi, các em không có bằng tốt nghiệp tiểu học nữa mà chỉ có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.
"Nếu học sinh có khả năng tự học ở nhà một cách đàng hoàng và có hướng dẫn cần được xem xét công nhận và được vào học chương trình THCS. Nếu không, việc này sẽ ngược với quy định học sinh có quyền tự học nêu trong dự thảo luật, chưa thực sự khuyến khích việc tự học" - bà Dung nói.
PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, bất cập hiện nay của kỳ thi THPT quốc gia là ngoài mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh còn là cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển khiến kỳ thi trở nên nặng nề, tạo thêm áp lực cho cả cơ sở giáo dục lẫn người học.
Dự kiến Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được trình và thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 diễn ra giữa năm 2019.
Thái An (tổng hợp)
Đà Nẵng chấm lại thi công chức: Kết quả khác do... Kỳ thi không có tiêu cực, "vấn đề" do khâu chấm thi chưa khớp |
Nhiều bài thi công chức ở Đà Nẵng thay đổi kết quả khi chấm lại Cơ quan chức năng không phát hiện tiêu cực trong kỳ thi công chức nhưng nhiều bài thi đã thay đổi kết quả sau khi ... |
\'Rất nhiều người buồn sau kết quả phiếu tín nhiệm\' Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, sau khi có kết quả phiếu tín nhiệm, rất nhiều người vui nhưng cũng có ... |