Tôi nghĩ mãi về phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc mất bằng lái xe phải thi lại lý thuyết. Ông có lý một phần khi đưa ra phát biểu đó, bởi trên thực tế có nhiều người báo mất để được cấp lại và sở hữu hơn một chiếc bằng lái xe, nhằm vô hiệu hóa chế tài xử phạt vi phạm luật giao thông. 

Nếu đặt mình vào địa vị của Bộ trưởng Giao thông, nhìn thấy tình trạng nhờn luật, lách luật của người điều khiển phương tiện, hàng ngày phải nghe quá nhiều tin tức về tai nạn giao thông, có lẽ sẽ không ít người nghĩ đến các biện pháp cực đoan như thế. Nhưng không có nhiều hơn một người giữ chức Bộ trưởng Giao thông. Là người đứng đầu của ngành, lẽ ra Tiến sĩ Nguyễn Văn Thể phải nghĩ về việc quản lý bằng lái theo cách rộng hơn, sâu hơn, chứ không phải đơn thuần là tạo ra nhiều phiền toái hơn, chỉ để giảm bớt tình trạng lách luật của dân.

Rất may là người đứng đầu Bộ Giao thông đã nhanh chóng nhận ra ý tưởng của mình không ổn, và nó không còn nằm trong đề xuất chính sách. Nói dại, nếu như ý tưởng đó trở thành hiện thực, chưa nói đến khía cạnh gia tăng cơ hội tiêu cực, nhũng nhiễu, chỉ riêng nguồn lực xã hội bị hao tổn do việc thi lại của tài xế mất bằng thôi đã không thể đo đếm.

Bởi, thời gian phải ngừng làm việc của những người lái xe bị mất bằng sẽ kéo dài hơn, bởi việc xử lý hồ sơ quản lý bằng lái sẽ vất vả hơn. Việc hàng nghìn người buộc phải thi lại chỉ để đối phó với một số ít người có ý đồ gian lận nhằm sở hữu nhiều tấm bằng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội gian dối để trục lợi khác đối với những đường dây gian lận thi cử.

Nhưng nếu không đề xuất thi lại, chẳng nhẽ Bộ Giao thông lại phải bó tay với những kẻ báo mất bằng để ăn gian? Thực ra nếu không chỉ tư duy theo hướng nắng chỗ nào che ô chỗ đó, mà tư duy theo cách của một nhà khoa học, cần tập trung số hóa việc quản lý dữ liệu lái xe, để chỉ cần một cái điện thoại di động là bất cứ cảnh sát giao thông nào cũng ngay lập tức xác nhận được tình trạng bằng lái mà không cần phải in ra bất cứ tờ giấy hay tấm thẻ nào. Và cũng chẳng còn ai mất bằng để xin cấp bằng khác.

Nhưng cái thói quen giấy tờ tồn tại ở tất cả mọi khía cạnh của đời sống khiến người ta cứ mải miết chạy theo mà quên rằng nếu dừng lại, nhìn vào cái điện thoại trên tay để thấy rằng nó có thể thay thế mọi thứ giấy tờ mà mình đang sở hữu.

Mẹ tôi, một người đàn bà không có bằng lái xe, khi nghe con cái bàn tán chuyện mất bằng phải thi lại, bà bảo: "Thế đã ăn thua gì? Đời người mấy lần mất bằng đâu, mẹ mất chồng mỗi một lần mà năm nào cũng phải hai lần ra phường xin giấy chứng nhận độc thân".

Bố tôi mất hơn 10 năm nay, mẹ tôi có chút tiền để dành, thời gian cũng rảnh rỗi nên bà hay mua đi bán lại nay mảnh đất mai căn hộ, mỗi lần làm hợp đồng mua bán lại phải có giấy chứng nhận độc thân, mà mảnh giấy đó chỉ có giá trị tối đa là 6 tháng. Để xác nhận độc thân, thủ tục rất lằng nhằng, trong khi nếu dữ liệu tư pháp được số hóa, chỉ cần một cái nhấp chuột là biết được tình trạng hôn nhân của mỗi người.

Chi phí thời gian cho các loại giấy tờ quá nhiều chính là mảnh đất màu mỡ cho các loại cò dịch vụ, cho những lợi ích ký sinh trên một nền hành chính trì trệ. Thứ ký sinh đó, thoạt nhìn, có vẻ vô hại khi không trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu kinh tế.

Nhưng nếu nhìn vào quán tính tư duy của chính các nhà soạn thảo chính sách, sẽ thấy xung quanh nền hành chính giấy tờ là một hệ sinh thái sâu sắc thế nào trong xã hội ta.

Phạm Trung Tuyến

nen hanh chinh giay to Hành chính thời công nghệ: Người dân không còn tất tả ngược xuôi

Người dân Đồng Nai giờ đây đã có thể gửi hình ảnh giấy tờ qua Zalo để cán bộ trung tâm hành chính linh động ...

nen hanh chinh giay to "Thủ tục hành chính ở TP HCM nhanh hơn Hà Nội"

Viện trưởng CIEM cho rằng, dù môi trường đầu tư của Hà Nội đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số thủ tục "rất ...