Theo thông tin mới nhất, vào đầu tháng 8, dự thảo Luật Đường bộ đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định. Điểm đáng chú ý trong hồ sơ dự thảo là đề xuất dùng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe đã được loại bỏ. Điều này cũng thu hút sự chú ý của dư luận, khi mà trước đó vào tháng 7, quy định dùng gầm cầu cạn làm nơi giữ xe vẫn được Bộ GTVT bảo lưu.

Không luật hoá quy định dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo cho biết, có thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không luật hóa quy định dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe. Ý kiến khác thì đề nghị cân nhắc bởi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân, công trình và phương tiện khu vực này. Hơn nữa, nếu cho phép dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe còn gián tiếp làm phát triển phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố, không đúng với chính sách hạn chế xe cá nhân của Nhà nước.

Nên hay không dùng gầm cầu cạn làm bãi trông xe? -0
Đề xuất dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe đã được đơn vị soạn thảo đưa ra khỏi dự thảo luật.

Trước đó, từ năm 2011, Bộ GTVT quy định gầm cầu vượt đường bộ không được sử dụng làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe. Trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý; Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh. Năm 2019, UBND TP Hà Nội đề xuất duy trì một số điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt nhưng bị Bộ GTVT bác. Tuy nhiên, do thiếu bãi gửi xe nên thành phố nhiều lần kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận.

Từ năm 2020, gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch, Vĩnh Tuy được dùng làm nơi trông giữ xe. Theo một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, thành phố có gần 8 triệu phương tiện, trong khi diện tích giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe và rất ít dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Do vậy, Hà Nội phải tận dụng mọi vị trí có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân.

Sang đến năm 2022, quy định của Bộ GTVT đã cụ thể hơn, gầm cầu đã được cấp phép làm bãi trông xe tạm thời, khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân phải hoàn trả hiện trạng ban đầu. Nếu đơn vị tổ chức trông xe không bàn giao hiện trạng sẽ bị cưỡng chế giải tỏa. Chưa dừng lại, đề xuất dùng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe tạm thời đã được Bộ GTVT nêu trong dự thảo Luật Đường bộ hồi tháng 7/2023. Cơ quan soạn thảo đề xuất khi dùng gầm cầu trông xe phải thiết kế giao thông đấu nối đường bộ trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Điểm cao nhất của xe dưới gầm cầu cách điểm thấp nhất của dầm cầu từ 1,5m. Các xe có khoảng cách với trụ cầu từ 1,5m, để bảo trì công trình.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn

Liên quan đến việc dùng gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện, nhiều chuyên gia giao thông lo ngại việc này dễ dẫn đến cháy nổ và gây áp lực giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Thay vào đó, các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần quy hoạch xây bãi đỗ xe trên cao, dưới đất để phục vụ người dân. Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh lo ngại, việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây áp lực giao thông trên tuyến đường, nhất là giờ cao điểm. Đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thiếu chỗ đỗ xe, thay vì tận dụng gầm cầu, chính quyền thành phố cần quy hoạch, xây dựng bãi đỗ trên cao, dưới mặt đất để phục vụ người dân và sử dụng đúng mục đích công trình. Các đô thị đang có không ít dự án treo nhiều năm nay, chính quyền có thể thu hồi hoặc cấp phép để làm bãi xe tạm. Việc này vừa giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, vừa tránh lãng phí.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, không gian dưới gầm cầu cạn nên sử dụng trồng cây xanh, vốn đang rất thiếu tại đô thị lớn. Các cầu vượt thường nằm ở các tuyến giao thông huyết mạch, khi xe ra vào điểm trông giữ cần quay đầu, gây cản trở phương tiện khác trên đường. Ông Chủng dẫn kinh nghiệm nhiều thành phố trên thế giới, gầm cầu cạn thường là không gian xanh để người dân thụ hưởng. Trong khi ở Việt Nam, diện tích giao thông tĩnh rất thiếu song chính quyền "ít chú ý phát triển giao thông tĩnh hoặc không gian xanh phục vụ người dân". "Chính quyền đô thị cần xây dựng bãi đỗ xe tĩnh hơn là tận dụng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe kiểu chắp vá", ông Chủng nói.

Trong khi các chuyên gia lo ngại, một số người dân lại tỏ ra đồng tình. Anh Thái Sơn (Thanh Trì-Hà Nội) chia sẻ: Anh từng có thời gian sống ở Đức thì thấy ở dưới gầm cầu cạn hay tàu điện trên cao đều được đỗ xe cá nhân, trừ các loại xe trọng tải lớn, có nơi còn họp chợ cuối tuần. Song ở đó đều được lắp đặt và trang bị hệ thống chống cháy tự động. Điều này cho thấy, ở Việt Nam cũng nên tận dụng không gian này, tuy nhiên phải đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

Cùng ý kiến, cô Kim Dung (phố Đại La - Hà Nội) cho biết, khu vực nhà cô ở đối diện một gầm cầu. Trong khi gầm cầu thì để không mà cô phải đi khá xa để gửi xe. Thế nên để tạo điều kiện cho người dân, cơ quan chức năng nên cần nhắc, có thể tùy từng cấu trúc, vị trí, tình hình giao thông cụ thể mà quyết định khai thác giữ xe hay không. Còn bên được thuê mặt bằng để giữ xe, phải biết cách quản lý sao cho tốt nhất, bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên thuê không thực hiện đúng các nghĩa vụ/cam kết trong hợp đồng như: an ninh trật tự, PCCC, mỹ quan, vệ sinh môi trường... tất cả cần chi tiết hóa trong hợp đồng cho thuê mặt bằng.

Chiều 8/8, trao đổi nhanh với phóng viên, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, trong tháng 9, dự thảo Luật Đường bộ sẽ được trình Chính phủ thẩm định. Sau đó vào tháng 10 dự thảo Luật sẽ được trình lên Quốc hội. Hiện dự thảo Luật vừa được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

https://cand.com.vn/Giao-thong/nen-hay-khong-dung-gam-cau-can-lam-bai-trong-xe--i703419/

Đặng Nhật / VTC News