Nga bỏ ra số tiền lên đến 300 triệu USD mỗi ngày cho chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh Moskva tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
- Nga nêu điều kiện chấm dứt khủng hoảng lương thực toàn cầu
- Nga tiết lộ danh sách khách hàng mua khí đốt bằng đồng rúp
Hôm 19/5, tờ Moscow Times dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết, nước này đã chi hơn 300 triệu USD mỗi ngày cho quốc phòng vào tháng 4. Con số này tăng hơn gấp đôi so với mức chi tiêu quốc phòng trước chiến tranh.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga cho hay, chi tiêu quốc phòng đã tăng lên hàng tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine từ cuối tháng 2. Theo đó, chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 2 đạt 369 tỷ rúp (5,4 tỷ USD), con số này đã lên đến 450 tỷ rúp (6,6 tỷ USD) vào tháng 3.
Nga chi tiêu quốc phòng lớn nhất với 628 tỷ rúp (9,2 tỷ USD) vào tháng 4. Con số này tương đương khoảng 21 tỷ rúp, tức 308 triệu USD mỗi ngày.
Chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 4 đã cao gấp đôi so với thời kỳ trước chiến tranh, với 233,7 tỷ rúp (3,4 tỷ USD) được chi vào tháng 1 năm nay. Tháng 4 năm ngoái, tổng chi tiêu quốc phòng của Nga là 275 tỷ rúp.
Tính từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, Nga phân bổ 1.681 nghìn tỷ rúp (24,6 tỷ USD) cho chi tiêu quân sự. Con số này cao gấp ba lần số tiền chi cho giáo dục, hơn gấp đôi ngân sách chi cho y tế và gấp 10 lần số tiền chi cho quản lý và bảo tồn môi trường.
Hôm 27/4, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo, theo ước tính sơ bộ, thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2022 sẽ lên tới 1,6 nghìn tỷ rúp (hơn 20 tỷ USD).
Theo ông Siluanov, chỉ số thâm hụt ngân sách cuối cùng “sẽ phụ thuộc vào phản ứng chống khủng hoảng của Chính phủ” và các biện pháp hỗ trợ dành cho nền kinh tế Nga. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt này xuất phát từ quyết định hoãn thuế.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Mikhail Mishustin dự báo thặng dư ngân sách năm 2022 của Liên bang Nga sẽ bằng “0.”
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Kể từ đó, Moskva hứng loạt đòn trừng phạt mạnh tay từ Mỹ và đồng minh phương Tây. Điều này khiến lạm phát ở Nga tăng mạnh, trong khi dòng vốn đầu tư từ bên ngoài rút dần khỏi Nga do nhiều lo ngại về rủi ro gia tăng.