Ngày 27/5, theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông cảm thấy không vui về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus.
- Nga nắm quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật triển khai ở Belarus
- Bộ Ngoại giao Mỹ: Không có dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus, Tổng thống Biden cho rằng đó là hành động “cực kỳ tiêu cực” nhưng không nói rõ phản ứng cụ thể của Washington về vấn đề này.
Bình luận của ông Biden được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo “việc triển khai vũ khí hạt nhân đã bắt đầu”.
Ông Lukashenko nói thêm rằng Moskva không nên lo lắng về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân đang được triển khai ở nước này bởi Minsk sẽ giữ chúng an toàn.
Tổng thống Biden trả lời phỏng vấn tại Nhà Trắng ngày 27/5. (Ảnh: Reuters)
Đại sứ quán Nga tại Washington đã đáp lại phản ứng từ Nhà Trắng nhắc lại rằng: “Nga và Belarus có quyền chủ quyền để đảm bảo an ninh của họ bằng các biện pháp mà chúng tôi cho là cần thiết trong bối cảnh phương Tây đang thực hiện một cuộc chiến hỗn hợp quy mô lớn chống lại Moskva và Minsk”.
Các hành động của Nga “hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của chúng tôi”, Đại sứ quán Nga cho biết trong thông báo trên Telegram ngày 27/5.
Tuyên bố của Đại sứ quán Nga cũng nhấn mạnh vũ khí hạt nhân chiến thuật không được chuyển giao cho Belarus, “quyền kiểm soát và quyết định sử dụng chúng vẫn thuộc về phía Nga”.
“Trước khi đổ lỗi cho người khác, Washington nên xem xét lại chính mình. Mỹ đã duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn ở châu Âu suốt nhiều thập kỷ”, Đại sứ quán Nga nhấn mạnh.
Hiện tại, Mỹ đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của 5 quốc gia thành viên NATO ở châu Âu gồm Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ sớm được triển khai tại Belarus. Ông cho biết động thái này được Moskva đưa ra sau khi Anh chuyển giao đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo cho Ukraine.
Về phần Belarus, nước này cũng từng yêu cầu đồng minh thân cận nhất là Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình với lý do phương Tây luôn duy trì chính sách ngoại giao chống lại Minsk. Belarus cũng cảm thấy bị đe dọa khi Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân gần biên giới nước này.
Moskva và Minsk đã ký thỏa thuận cho phép vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được triển khai tại Belarus vào ngày 25/5. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Nga đã cung cấp cho quân đội Belarus tên lửa đạn đạo Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đã giúp nước này sửa đổi một số máy bay chiến đấu để chúng có thể mang vũ khí hạt nhân.
https://vtc.vn/nga-chuyen-vu-khi-hat-nhan-toi-belarus-tong-thong-my-len-tieng-ar785673.html