Nga có thể đảo ngược quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước START nếu Mỹ thực hiện bước đi phù hợp để giảm leo thang căng thẳng chung và đảm bảo thực thi thỏa thuận một cách công bằng.
"Quyết định đình chỉ START có thể đảo ngược", Interfax hôm nay (22/2) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn. "Để điều đó diễn ra, Mỹ phải thể hiện ý chí chính trị, nỗ lực hết sức vì mục đích giảm leo thang căng thẳng chung và tạo điều kiện nối lại việc thực thi đầy đủ nội dung của hiệp ước".
Phía Nga cho hay, Hiệp ước START Mới "có tiềm năng đóng góp vào việc củng cố an ninh quốc tế và ổn định chiến lược". "Tuy nhiên, tiềm năng đó chỉ mở ra khi hai bên cùng thực hiện hiệp ước một cách cân xứng, bình đẳng và triệt để", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Nga cũng khẳng định họ sẽ theo dõi chặt chẽ các bước đi tiếp theo của Mỹ và đồng minh, nhất là trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược, để có kế sách hành động phù hợp.
Hiệp ước START Mới, hay START III được ký kết tại Praha, Cộng hòa Czech năm 2010, có hiệu lực 10 năm từ năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Sau khi Mỹ năm 2018 đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), START Mới trở thành thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược cuối cùng giữa Nga và Mỹ, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà mỗi nước được triển khai ở mức 1.550 trên 700 phương tiện phóng.
Ngoài ra, hiệp ước bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn, phương tiện phóng ít nhất 2 lần mỗi năm; đồng thời yêu cầu các bên cho phép đối phương thanh sát các cơ sở liên quan tới vũ khí hạt nhân.
Khi đọc Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ đình chỉ tham gia START Mới. "Phương Tây tìm cách gây thất bại chiến lược cho chúng tôi và len lỏi vào các cơ sở hạt nhân của chúng tôi. Hôm nay tôi buộc phải thông báo rằng Nga sẽ ngừng tham gia", ông nêu rõ.
Nga và Mỹ từ lâu đã có những khúc mắc trong việc thực hiện New START. Tháng 8 năm ngoái, Moscow thông báo với Mỹ về việc tạm thời rút khỏi các hoạt động thanh sát theo khuôn khổ hiệp ước, trong bối cảnh các biện pháp cấm vận khắt khe do Mỹ cùng đồng minh áp đặt chống Nga đã khiến máy bay cũng như các đoàn thanh tra của Moscow không thể ra vào lãnh thổ Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây.
"Các thanh tra Mỹ tới Nga không gặp trở ngại nào tương tự. Bộ Ngoại giao Nga đã nêu vấn đề trên với các quốc gia liên quan, nhưng không nhận được câu trả lời", thông cáo của Nga khi đó nêu rõ, đồng thời chỉ trích Washington luôn cố "tạo ra lợi thế đơn phương".
Ngay sau khi Nga quyết định đình chỉ hiệp ước, Mỹ, khối NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chỉ trích, đồng thời cảnh báo động thái của Nga có thể đánh dấu sự kết thúc của cấu trúc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nga-co-the-dao-nguoc-quyet-dinh-dinh-chi-hiep-uoc-start--i684274/