Ngày 7/7, các nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết Nga đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm giảm bớt bất đồng giữa Saudi Arabia và UAE (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất ) nhằm giúp đạt được một thỏa thuận tăng sản lượng dầu trong những tháng tới.
Trong khi đó, OPEC và nhà sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, chưa ấn định thời gian cho cuộc họp tiếp theo.
Theo các nguồn tin, Nga đang hành động nhằm đưa cả Riyadh và Abu Dhabi trở lại bàn đàm phán và tìm ra cách thức đạt được thỏa thuận. Một trong những nguồn tin từ phía Moskva cho biết hai nước trên có thời gian để đưa ra quyết định, hy vọng các bên sẽ gặp nhau vào tuần tới và ký kết thỏa thuận.
Hai nguồn tin khác cho biết Kuwait , thành viên vùng Vịnh của OPEC, cũng đang nỗ lực để hòa giải những bất đồng giữa Saudi Arabia và UAE. Về phía Mỹ, Nhà Trắng cho biết đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán của OPEC+ và đã có các cuộc đối thoại cấp cao với các quan chức ở Saudi Arabia và UAE.
Ngày 2/7, OPEC+ đã không đạt được thỏa thuận về hạn ngạch khai thác bắt đầu từ tháng Tám tới, theo đó nhóm này cho biết cuộc thương lượng được hoãn sang ngày 5/7. Nguyên nhân là do UAE chỉ trích thỏa thuận hiện nay của OPEC+ là "không công bằng" và cho biết nước này sẵn sàng gia hạn thỏa thuận chỉ khi hạn ngạch khai thác dầu của họ được cân nhắc lại.
Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: "OPEC+ đã trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến giá giữa Ả Rập Xê-út và Nga vào năm ngoái. Các cuộc đàm phán được cho là đang tiếp tục, nhưng các câu hỏi về cam kết của UAE trong việc tiếp tục ở lại OPEC có thể sẽ tăng lên trong những ngày tới".
Theo ông Croft, tranh chấp giữa UAE và Saudi Arabia dường như không chỉ liên quan đến chính sách dầu mỏ. Theo chuyên gia, Abu Dhabi "dường như có ý định bước ra ngoài cái bóng của Saudi Arania và vạch ra hướng đi của riêng mình trong các vấn đề toàn cầu".
OPEC+, tổ chức được thống trị bởi các nhà sản xuất dầu thô Trung Đông, đã đồng ý thực hiện cắt giảm sản lượng dầu thô vào năm 2020 trong nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Kể từ đó, nhóm đã từ từ tăng sản lượng trở lại thị trường, đồng thời tổ chức các phiên họp hàng tháng để thảo luận về chính sách đầu ra.
Hạn ngạch được phân bổ hiện nay cho UAE là 3,17 triệu thùng/ngày, được đưa ra từ tháng 10/2018, thấp hơn so với mức 3,8 triệu thùng/ngày được đưa ra vào 4/2020, thời điểm phải cắt giảm vì đại dịch COVID-19.
Tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, OPEC+ đã phải cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày và sau đó đã đưa ra kế hoạch tăng dần sản lượng cho đến tháng 4/2022. Quyết định này có tác dụng khá hiệu quả, đẩy giá dầu tăng 50% kể từ đầu năm nay, lên mức 75 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có 6 tuần tăng liên tiếp, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc có chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp.
Giới chuyên gia cho rằng trước khả năng thỏa thuận có thể tiếp tục bị trì hoãn, các nước có ảnh hưởng lớn với OPEC+ cần có động thái cần thiết để tránh kịch bản đổ vỡ lặp lại, điều này sẽ khiến giá dầu tiếp tục tăng.
PV (t/h)
OPEC+ sẽ tăng sản xuất để ghìm giá dầu |
Saudi Arabia và Iraq cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận OPEC+ |