Chính sách cải cách về tuổi nghỉ hưu của chính quyền của Tổng thống Putin đã không nhận được sự đồng thuận của người dân Nga.
Gió mạnh từ bên ngoài
Hồi đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ tung ra gói trừng phạt mới nhất chống Nga với cái cớ là vụ đầu độc điệp viên hai mang Sergey Skripal và con gái Yulia tại Salisbury (Anh) hồi tháng 3. Đầu tiên, từ ngày 22/8, Chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu sang Nga các loại công nghệ có thể sử dụng cho mục đích dân sự và quân sự, trừ các công nghệ phục vụ cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Sau đó, trong vòng 90 ngày, Chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu Nga chứng minh rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí hóa học và sinh học nữa, cho phép các thanh sát viên vào Nga để xác minh. Nếu Nga không đồng ý, mà gần như chắc chắn là như vậy, Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể thực thi đợt hai của gói trừng phạt trên, cụ thể là cấm giao dịch với các ngân hàng của nhà nước Nga và hạ cấp quan hệ ngoại giao.
Trong khi đó, một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đã trình một dự luật, đề xuất các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay, bao gồm cấm mọi giao dịch bằng đồng USD với 7 ngân hàng lớn của Nga, cấm giao dịch liên quan đến các món nợ công mới của Nga, và trừng phạt các dự án năng lượng được các thực thể nhà nước và bán công của Nga hỗ trợ.
Viễn cảnh trên đã lập tức kéo tụt đồng ruble xuống mức giá trị thấp nhất kể từ mùa Thu năm 2016, trong khi các thị trường chứng khoán Nga đã ghi nhận những biến động lớn.
Bão lớn từ bên trong
Trước đó không lâu, ngày 19/7, Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện) đã thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên trong gần 90 năm qua lên mức 65 tuổi đối với nam và 63 tuổi đối với nữ, tức là tăng 5 tuổi đối với nam và 8 tuổi đối với nữ. Mặc dù vấp phải sự phản đối của người dân, nhưng dự luật trên được thông qua ngay thời điểm bắt đầu World Cup 2018.
Người cao tuổi tại Nga. Ảnh: RT
Theo Trung tâm Levada, khi được hỏi thẳng vào chính sách nâng tuổi nghỉ hưu, có tới 90% người dân Nga phản đối. Họ cho rằng do tuổi thọ trung bình của người Nga thấp, nhiều người sẽ không sống được đến lúc nhận được khoản tiền hưu trí từ chính phủ.
Dù ghi điểm rất nhiều trong lĩnh vực đối ngoại, song ông Putin đang gặp khó trên “địa hạt” kinh tế. Những khó khăn từ trong và ngoài dường như đang góp thành một trận “cuồng phong” đổ lên đầu chính quyền của Tổng thống Putin vào thời điểm này.
Đau tức thời nhưng khỏe bền vững?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết dù chưa được người dân ủng hộ, nhưng chính sách nâng tuổi nghỉ hưu sẽ giảm bớt gánh nặng của một dân số già và sự thiếu hụt lực lượng lao động ở Nga thời gian tới.
Thực vậy, tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành một thành phần cốt yếu trong kế hoạch của Điện Kremlin nhằm giải quyết tình trạng kinh tế đang “căng như dây đàn” sau nhiều năm chịu sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu, cũng như ảnh ưởng của tình trạng giá dầu giảm.
Theo số liệu chính thức, Quỹ lương hưu của Nga hiện chỉ đủ để chi trả cho 60% số người đang nghỉ hưu hiện nay. Theo một nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Tài chính, nâng tuổi nghỉ hưu có thể giúp giảm “sức ép” đối với ngân sách với 1.700 tỷ ruble (27,3 tỷ USD) mỗi năm. Vì vậy, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép chính phủ vừa tăng quỹ lương hưu vừa chống lạm phát.
Bộ trưởng Lao động Maxim Topilin cho biết nếu giảm số người hưởng lương hưu, thì tiền lương hưu cho từng người sẽ tăng tới 10% trong vài năm. Về phần mình, ông Alexei Kudrin, Chủ tịch Phòng Kế toán Liên bang thuộc quốc hội Nga, cho biết nếu kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu được thực thi đầy đủ, lương hưu có thể tăng tới 30%.
Tại một cuộc họp của Ủy ban về chính sách lao động, xã hội và cựu binh của Hạ viện, Bộ trưởng Topilin khẳng định hiện tại là thời điểm tốt nhất để thay đổi thông số của hệ thống hưu trí, xét về cả mặt thị trường lao động, dân số học và kinh tế. Theo ông, thị trường lao động hiện đang giảm mạnh trong khi số người về hưu tăng nhanh.
Nếu không tiến hành cải cách tuổi về hưu, số người về hưu trong 5 năm tới sẽ lên tới 42,1 triệu người. Bộ trưởng Topilin nhấn mạnh cứ theo đà hiện nay, thì tình trạng bất cân bằng giữa người đi làm và người nghỉ hưu sẽ chỉ có thể gia tăng. Cho nên nếu thực hiện cải cách trên, ngân khố quốc gia sẽ có thể dành ra 3.000 tỷ ruble (47,2 tỷ USD) để tăng lương hưu trong 6 năm tới.
Trong bối cảnh các cuộc bầu cử cấp vùng quan trọng sắp diễn ra vào tháng 9 này, ông Putin đã lên tiếng rằng hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc nâng độ tuổi nghỉ hưu và cam kết sẽ lắng nghe mọi ý kiến liên quan đến kế hoạch này.
Nhưng giới quan sát cho rằng, nếu Điện Kremlin sửa đổi dự luật trên nhằm giảm sự bất bình trong công chúng, họ sẽ để tuột khỏi tay hàng tỷ USD mỗi năm mà kế hoạch này được cho là có thể đem lại. Điều này có thể đặt ra những thách thức kinh tế lớn hơn đối với chính phủ trong khi mối bất hòa với các nước phương Tây vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, ông Putin sẽ phải cân nhắc giữa cái giá về kinh tế với với cái giá về chính trị của việc cải cách lương hưu.
Theo Liên hợp quốc và PricewaterhouseCoopers, cứ theo cái đà hiện nay ở Nga, tỷ lệ số người Nga trong dân số thế giới sẽ giảm 30% vào năm 2050, trong khi phần đóng góp của họ trong GDP toàn cầu sẽ giảm 23%. Giới lãnh đạo Nga sẽ cần vạch kế hoạch thực thi các cải cách cơ cấu để đối phó với các thách thức này nhưng vẫn phải đảm bảo sự hài lòng của người dân.
Cuộc tập trận giúp Nga sẵn sàng cho "thế chiến tương lai" Vostok-2018 là đợt tập trận trận lớn nhất lịch sử Nga, bị NATO coi là hành động luyện tập cho một cuộc chiến tổng lực ... |
Dự án chống ngập 10.000 tỷ thay thép Nhật Bản thành thép Trung Quốc Dự án chống ngập 10.000 tỷ thay đổi vật tư từ thép từ Nhật Bản sang Trung Quốc nhưng chưa được UBND TP.HCM xem xét, ... |
Ông Kim Jong-un có thể tới Nga hội đàm cùng Tổng thống Putin trong năm nay Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đến thăm Nga trước khi hết năm 2018, ngày cụ thể cho chuyến đi phụ thuộc vào lịch ... |