Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga lần đầu tiên vỡ nợ nước ngoài kể từ năm 1918, theo Bloomberg.
- Kinh tế Nga đang dần hồi phục
- G7 tăng cường trừng phạt lên "huyết mạch kinh tế Nga"
- Nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ vì các lệnh trừng phạt
- Kinh tế Nga gồng mình trong cơn bão
Nga lẽ ra phải trả khoản lãi suất trị giá khoảng 100 triệu USD từ hôm 27/5 nhưng được ân hạn tới ngày 26/6. Việc Moskva chưa thể thanh toán khoản này dù đã qua hạn chót đồng nghĩa Nga bị coi vỡ nợ nước ngoài, theo Bloomberg.
"Đây là điều rất, rất hiếm khi một chính phủ có đủ khả năng trả nợ lại bị chính phủ nước ngoài đẩy vào tình trạng vỡ nợ", ông Hassan Malik, chuyên gia tại công ty Loomis Sayles cho hay.
Các biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga sau khi Moskva đưa quân sang Ukraine gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế nước này. Giao dịch bằng đồng euro của Nga trở nên khó khăn từ cuối tháng 3, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương đóng băng và các ngân hàng lớn của nước này bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga không thể thanh toán các khoản nợ bằng USD hoặc euro. (Ảnh: CNN)
Tuy nhiên, Nga bác bỏ việc sử dụng thuật ngữ "vỡ nợ", khẳng định nước này có đủ tiền để thanh toán bất cứ khoản nợ nào nhưng bị phương Tây từ chối.
Tuần trước, giới chức Nga thông báo họ sẽ trả khoản nợ trái phiếu trị giá 40 tỷ USD bằng đồng rúp, nói thêm rằng đây là tình huống bất khả kháng do phương Tây dàn xếp.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 23/6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov gọi tình hình hiện nay là “trò hề”.
"Bất cứ ai cũng có thể tuyên bố bất cứ thứ gì họ muốn. Nhưng bất cứ ai hiểu chuyện gì đang diễn ra đều hiểu đây không phải vỡ nợ”, ông Siluanov nói, nhấn mạnh Nga có đủ nguồn lực tài chính và ý chí để thanh toán nợ.
Bộ trưởng Tài chính Nga cũng cho biết Moskva có kế hoạch trả các chủ nợ bằng đồng rúp thay vì USD hoặc euro cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Thông thường, các tuyên bố vỡ nợ chính thức thường do các công ty xếp hạng tín dụng công bố, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các công ty này không xếp hạng với các thực thể Nga.
Theo ông Timothy Ash - chiến lược gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản BlueBay Asset Management (Anh), một vụ vỡ nợ sẽ là một thảm họa đối với Nga. Theo đó, kịch bản này có thể sẽ cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài của Nga trong nhiều năm, khiến một số ít các nhà đầu tư nước ngoài còn lại rời khỏi quốc gia này.