Nga - Mỹ bắt đầu cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân về chất lượng, thay vì số lượng như thời chiến tranh lạnh
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức cách đây 2 năm, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng gây sốc khi lập luận "chúng ta đang nhanh chóng bước vào giai đoạn chiến tranh lạnh mới". Giờ đây, nhiều người đồng tình với tuyên bố này khi cho rằng đó là phiên bản chiến tranh lạnh 2.0. Đi xa hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chia sẻ trên Twitter hồi tháng trước rằng quan hệ Mỹ - Nga hiện tệ hơn bao giờ hết, kể cả trong thời chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, nói về một phiên bản chiến tranh lạnh mới lúc này có lẽ không mấy chính xác. Cuộc đối đầu mới giữa phương Tây và Nga có một số khía cạnh tương đồng thời chiến tranh lạnh nhưng xuất hiện những yếu tố mới thậm chí còn nguy hiểm hơn. Vì thế, gọi đây là giai đoạn hòa bình nóng có lẽ hợp lý hơn.
Thời chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ là hai siêu cường quốc hạt nhân duy nhất trên thế giới. Có những thời điểm hai bên đều lo sợ khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân thực sự. Khi chiến tranh lạnh khép lại, các hiệp ước kiểm soát vũ khí được ký kết đã giúp giảm đáng kể số vũ khí hạt nhân ở hai quốc gia. Đó là sự tiến bộ nhưng cả hai bên vẫn có thể hủy diệt nhau chỉ trong vòng vài phút.
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng phát xít hôm 9-5 Ảnh: SPUTNIK
Trong giai đoạn hòa bình nóng, Nga - Mỹ đã bắt đầu cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân về chất lượng, thay vì về số lượng như chiến tranh lạnh, nhưng cũng đáng lo không kém. Hồi tháng 3-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ Moscow đang phát triển một số loại vũ khí hạt nhân tấn công mới, trong đó có ngư lôi tầm xa. Washington chắc chắn sẽ có động thái đáp trả. Ngoài ra, Nga và Mỹ đang chạy đua phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Nếu không có sự kiểm soát, những tiến bộ quân sự trong tương lai có thể khiến giai đoạn hòa bình nóng có thể ẩn chứa nhiều bất ổn hơn cả thời chiến tranh lạnh.
Trong vài thập kỷ qua, chi tiêu quân sự thường niên của Washington vượt trội Moscow. Tuy nhiên, Nga đang trỗi dậy thành một cường quốc quân sự mạnh mẽ ở châu Âu và tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông. Một số nhà phân tích quân sự nhìn nhận Nga ngày nay có khả năng quân sự truyền thống mạnh mẽ hơn - sở hữu xe tăng nhanh hơn và nhẹ hơn, tên lửa chính xác hơn, vũ khí tấn công mạng làm suy yếu đối phương.
Một loại tài sản quân sự mới là vũ khí mạng với khả năng phá hủy mạng lưới năng lượng, làm sụp đổ thị trường tài chính và suy yếu khả năng quân sự truyền thống. Những học thuyết, quy tắc và hiệp ước nhằm quản lý loại vũ khí mới này không theo kịp những tiến bộ của công nghệ.
Khác với kỷ nguyên chiến tranh lạnh, Nga hiện không gắn kết đặc biệt với một liên minh quân sự nào. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày nay được cho là đóng vai trò một liên minh phòng thủ chung giữa Nga và Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Thực tế là những mục đích và năng lực của liên minh vẫn chưa rõ ràng.
Dù vậy, hòa bình nóng cũng mang đến yếu tố bất lợi mới cho Mỹ: Nga và Trung Quốc nối lại quan hệ gần gũi. Sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Xô thời chiến tranh lạnh đánh dấu chiến thắng ngoại giao lớn của Mỹ và phương Tây. Giờ đây, ông Putin mô tả mối quan hệ của Nga với Trung Quốc là "đối tác chiến lược toàn diện". Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nồng nhiệt như thế khi nói về quan hệ với Nga nhưng mối quan hệ song phương này chắc chắn gần gũi hơn so với thời chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, nhờ những liên minh mạnh mẽ và trung thành, Mỹ vẫn duy trì lợi thế lớn so với Nga nhưng sức mạnh của các mối quan hệ quân sự này đang suy yếu, một phần do những chính sách và cách thức lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy công dân ở 9 quốc gia đồng minh của Mỹ (Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ) tin tưởng ông Putin nhiều hơn ông Donald Trump về khả năng đưa ra quyết định đúng đắn trong các vấn đề quốc tế. Các liên minh của Mỹ vẫn sẽ "sống sót" trong nhiệm kỳ của ông Trump nhưng có thể không mạnh như thời chiến tranh lạnh.
Một lợi thế khác của Mỹ và các đồng minh là kinh tế. Tuy nhiên, người dân Nga nhìn chung hiện giàu hơn và tiêu dùng những sản phẩm tốt hơn trước, đồng nghĩa sự ủng hộ dành cho ông Putin cũng cao hơn. Nền tảng kinh tế của Nga cũng đủ mạnh để hỗ trợ sự gia tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể trong hai thập kỷ qua.
Đáng chú ý, sức hút của mô hình Mỹ có dấu hiệu sụt giảm. Các cuộc thăm dò dư luận quốc tế tiến hành vào thời điểm Nhà Trắng có chủ mới được 6 tháng cho thấy chỉ 22% người được hỏi tại 37 quốc gia tin rằng ông Trump làm điều đúng trong các vấn đề quốc tế. Tỉ lệ này vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của người tiền nhiệm Barack Obama là 64%.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu thế giới thời hòa bình nóng có bớt căng thẳng hơn so với chiến tranh lạnh? Dường như chưa có câu trả lời chắc chắn.
Những thành phố "không tồn tại" Những thành phố này chính là bàn đạp trong cuộc đua chế tạo bom nguyên tử giữa Mỹ và trùm phát xít Đức Adolf Hitler |
\'Khủng hoảng Syria đã kéo Chiến tranh Lạnh trở lại\' Chiến tranh Lạnh đã trở lại với những đòn trả đũa nhưng ở một mức độ khác. Cơ chế kiểm soát nguy cơ leo thang ... |
Tên lửa Mỹ trở lại châu Âu, nguy cơ Chiến tranh Lạnh tái diễn Quân đội Mỹ đã triển khai trở lại lữ đoàn phòng không ở châu Âu giữa thời điểm căng thẳng gia tăng với Nga kéo ... |
XUÂN MAI (lược dịch theo Báo The Globe and Mail)