Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết Nga sẽ không bán khí đốt hoặc dầu mỏ cho các quốc gia áp giá trần.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ không bán lỗ hoặc thấp hơn giá thành. Điều đó là không thể. Đây là loại âm mưu tập thể chống lại chúng tôi. Chúng tôi chắc chắn sẽ không chấp nhận cách hành xử như vậy đối với mình", ông Novak nói trong cuộc phỏng vấn hôm 10/9 với kênh truyền hình Rossiya-1.

Nga quyết không bán dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần - 1

Nhấn mạnh việc áp giá trần với dầu Nga là hoàn toàn vô nghĩa, Bộ trưởng Năng lượng Nga khẳng định nước này sẽ không làm việc với các điều kiện phi thị trường.

"Sự can thiệp vào cơ chế thị trường của một ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ, điều cần thiết đối với an ninh năng lượng toàn cầu sẽ chỉ dẫn đến sự mất ổn định của ngành công nghiệp dầu mỏ", ông nói thêm.

Hôm 2/9, nhóm Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung, trong đó có kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. G7 muốn thiết lập một liên minh rộng lớn nhằm tối ưu hóa hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo tuyên bố chung, G7 đặt mục tiêu sẽ áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga theo cùng lộ trình với gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Tuyên bố không thông báo mức giá trần cụ thể mà chỉ cho biết mức giá trần ban đầu sẽ được tính dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và sẽ được điều chỉnh thường xuyên.

Trong tuyên bố đưa ra ngay sau đó, Điện Kremlin khẳng định quyết định người dân châu Âu sẽ là những người trực tiếp hứng chịu hậu quả từ quyết định trừng phạt của phương Tây, và Moskva đang nghiên cứu để đánh giá việc áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế quốc gia này.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, trước khi xung đột Ukraine bùng phát, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu xuất khẩu của Nga. Trong năm 2021, các nước EU mỗi ngày nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm hóa dầu và 0,5 triệu thùng dầu diesel, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.

https://vtc.vn/nga-quyet-khong-ban-dau-va-khi-dot-cho-cac-nuoc-ap-gia-tran-ar700075.html

SONG HY(Nguồn: TASS) / VTC News