Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng nước này tăng gấp đôi sản lượng vũ khí dẫn đường, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine chưa hạ nhiệt.
- Những vũ khí thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine
- Bước đi tiếp theo của Nga nếu giành quyền kiểm soát toàn bộ Bakhmut
RiaNovosti hôm nay (14/3) cho biết, chỉ thị được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra trong một chuyến thị sát dây chuyền sản xuất vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao tại tổ hợp công nghiệp quân sự thuộc tập đoàn tên lửa chiến thuật KTRV của Nga ở ngoại ô Moscow.
Theo ông Shoigu, việc tăng sản lượng cần được thực hiện khẩn trương. Ông cho rằng, ngành công nghiệp quân sự của Nga có đủ "nguồn dự trữ cần thiết", nhân sự chất lượng và năng lực sản xuất. "Mệnh lệnh này là khó khăn nhưng khả thi", ông nêu rõ.
Yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga với ngành công nghiệp quốc phòng được đưa ra trong bối cảnh tình hình chiến sự ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt ngày đêm dọc chiến tuyến kéo dài khoảng 1.000km.
Hơn một năm qua, Nga đã phóng hàng ngàn tên lửa có độ chính xác cao vào các mục tiêu tại Ukraine. Phương Tây khẳng định kho dự trữ tên lửa dẫn đường của Nga đã cạn kiệt, song Moscow nhiều lần tuyên bố họ có đủ nguồn lực để đạt các mục tiêu đề ra.
Ở bên kia chiến tuyến, Ukraine đang nhận được sự hậu thuẫn khổng lồ từ Mỹ và đồng minh NATO. Dữ liệu do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cho thấy, Ukraine đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới trong năm 2022.
Trong số 29 quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Ukraine trong năm 2022, các nhà cung cấp lớn nhất có thể kể tới là Mỹ (chiếm 35% tổng số vũ khí nhập khẩu của Ukraine trong năm), Ba Lan (17%), Đức (11%), Vương quốc Anh (10%) và Cộng hòa Czech (4,4%).
Để đảm bảo nguồn cung đạn dược cho Ukraine, phương Tây đã tăng công suất của các nhà máy vũ khí. Tháng trước, các quan chức Mỹ nói rằng Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng 500% sản lượng đạn pháo sản xuất tại Mỹ từ khoảng 15.000 quả mỗi tháng lên 70.000 quả.
Tại châu Âu, 12 công ty sản xuất đạn pháo 155mm cũng liên tục vận hành để tăng sản lượng. Ngoài tự sản xuất, EU còn tìm cách mua đạn pháo, vũ khí từ nước ngoài để đảm bảo vừa cung cấp cho Ukraine, vừa lấp đầy kho dự trữ cần thiết.
Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU, tiết lộ, khối đang lên kế hoạch sử dụng 500 triệu Euro ngân sách để mở rộng các nhà máy vũ khí. "Tôi tin rằng đã đến lúc ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến", ông Breton nói.