Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/10 (giờ địa phương) xác nhận bắn hạ nhiều chiến đấu cơ của Ukraine, trong đó có "hung thần" ATACMS và tên lửa HIMARS, đồng thời tiêu diệt 36 máy bay không người lái (UAV) của Kiev.

TASS dẫn tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/10 (giờ địa phương) cho biết: “Chúng tôi đã đánh chặn và bắn hạ thành công 4 tên lửa tầm xa ATACMS, 2 quả bom thông minh JDAM, 3 tên lửa HARM và 8 rocket được phóng từ hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ viện trợ”.

Trên thực tế, tên lửa AGM-88 HARM đóng vai trò quan trọng khi được sử dụng trong hoạt động chung với hệ thống ATACMS hoặc HIMARS. Bằng cách vô hiệu hóa radar của hệ thống phòng không đối phương, AGM-88 HARM giúp hệ thống ATACMS hoặc HIMARS hoạt động hiệu quả và tiếp cận các mục tiêu đã định.

3
Tên lửa AGM-88 HARM. Ảnh: BM

Theo các chuyên gia quân sự Nga, mối đe dọa đáng kể nhất trên chiến trường Ukraine không đến từ tên lửa ATACMS mà đến từ AGM-88 HARM. Bằng cách loại bỏ kịp thời những tên lửa này, lực lượng phòng không Nga sẽ dễ dàng phát hiện ra hướng di chuyển của ATACMS. Vì vậy, Moscow coi việc vô hiệu hóa các tên lửa HARM là ưu tiên hàng đầu, theo BM.

Trong một tuyên bố khác, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận: "Rạng sáng 29/10, hệ thống phòng không đã ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng UAV vào các cơ sở trên lãnh thổ". 

"Các hệ thống phòng không đang làm nhiệm vụ đã phá hủy 36 UAV của Ukraine trên Biển Đen và khu vực phía Tây Bắc bán đảo Crimea”, tuyên bố nêu rõ. 

4
Pháo phản lực HIMARS rời bệ phóng. Ảnh: 24hoursworld.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/10 (giờ địa phương) lên tiếng cáo buộc quân đội Ukraine đã cố tình tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk bằng 3 UAV. Một trong số này, vốn chứa đầy chất nổ, đã đâm vào kho chứa chất thải hạt nhân làm hư hại các bức tường của tòa nhà.

Cơ quan báo chí của nhà máy điện hạt nhân Kursk cũng xác nhận vụ tấn công trên, song cho biết không có thiệt hại hoặc thương vong đáng kể và các hoạt động vẫn tiếp tục diễn ra bình thường.

An Nhiên / CAND