Nếu Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Ukraine, Nga sẽ coi đó là hành vi vượt “lằn ranh đỏ” và cảnh báo sẽ đáp trả bằng mọi cách có thể.
- Mỹ viện trợ thêm 600 triệu USD vũ khí cho Ukraine
- Mỹ, Nhật cùng nghiên cứu công nghệ chống vũ khí siêu thanh
- Kho vũ khí của châu Âu cạn kiệt nghiêm trọng
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15-9-2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Ukraine, “động thái này sẽ vượt lằn ranh đỏ và trở thành một bên thực sự trong cuộc xung đột”.
Bà Zakharova nói rằng, động thái như vậy sẽ tương đương với việc triển khai các tên lửa mặt đất tầm trung tới châu Âu, đồng thời cho biết thêm, các vũ khí như vậy trước đây đã bị cấm bởi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Hiệp ước INF) mà Washington đã rút khỏi vào năm 2019 dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.
“Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng nếu kịch bản đó xảy ra”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ. Bà Zakharova khẳng định, Nga “có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi biện pháp có thể”.
Washington đã cung cấp cho Kiev các hệ thống pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS và M270 MLRS, cũng như các loại đạn thông thường có khả năng đánh trúng mục tiêu ở cự ly khoảng 70 km.
Giờ đây, Kiev cũng đang tìm cách sở hữu hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất. Tên lửa chiến thuật này có thể dùng cho các tổ hợp HIMARS và MLRS và có tầm bắn xa hơn nhiều, lên tới 300km. Khi đó, quân đội Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Hiện Mỹ chưa đưa ra bình luận gì về cảnh báo mới của Nga.
Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Vào tháng 9-2022, Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 675 triệu USD, bao gồm đạn pháo, xe bọc thép cùng các khí tài khác.