Trong năm 2023, trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Do đó, đòi hỏi hai bên phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống ma túy.

Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.137km gồm 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia; có 12 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu chính, 26 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở qua lại hai bên biên giới. Trên tuyến có hệ thống giao thông liên kết giữa 2 nước bằng đường biển, đường sông và đường bộ là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, thương mại, du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, song lợi dụng những điều kiện này, các đối tượng phạm tội đã và đang gia tăng các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nguồn ma túy chủ yếu từ khu vực “Tam giác vàng” qua Campuchia thẩm lậu qua tuyến biên giới Tây Nam vào Việt Nam tiêu thụ một phần tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam còn lại chủ yếu vận chuyển đi nước thứ ba.

Ngăn chặn ma túy thâm nhập qua biên giới Việt Nam – Campuchia -0
Đối tượng và tang vật trong một chuyên án ma túy do cơ quan chức năng hai nước Việt Nam - Campuchia phối hợp bắt giữ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động hết sức tinh vi, khép kín sử dụng các ứng dụng Internet như Wechat, zalo, Viber, Telegram... Bên cạnh đó, để thống nhất loại ma tuý, khối lượng, giá cả và địa điểm giao nhận sau đó thành lập đường dây để vận chuyển theo từng công đoạn với nhiều mắt xích từ Campuchia qua tuyến biên giới về TP Hồ Chí Minh. Mỗi mắt xích trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý sẽ phụ trách vận chuyển một quãng đường nhất định, chúng không biết mặt nhau, sử dụng tên giả để che giấu nhân thân, chỉ nhận diện qua ám, tín hiệu đã được thống nhất từ trước như tờ tiền hoặc mật khẩu; có rất nhiều đối tượng khác được thuê để đi trước dò đường, cảnh giới, khi nhận thấy an toàn thì mới thông báo cho đồng bọn để vận chuyển ma túy trên phương tiện khác. Thủ đoạn cất giấu cũng thường xuyên được thay đổi nhằm che mắt các lực lượng chức năng. Ma tuý được cất giấu trong người, khoảng trống tự nhiên hoặc tự tạo của các phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ, giấu lẫn trong hàng hoá cồng kềnh như kiện hàng, máy móc, các mặt hàng phổ thông như thùng thuốc lá điếu, nông sản, hải sản... Gần đây đã xuất hiện xu hướng các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp (MTTH) từ Campuchia qua tuyến biên giới về Việt Nam, kể cả bột ma túy thành phẩm, bao bì sau đó pha trộn, dập thành viên nén...

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý cho hay, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, những năm qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng Campuchia đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, trong đó có việc triển khai cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới hai nước với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp, triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ; điều tra, khám phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia, đặc biệt là MTTH; bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, trong đó có những đối tượng truy nã lâu năm đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn trên lãnh thổ của hai nước; củng cố, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO); tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phòng ngừa ma túy đặc biệt là địa bàn biên giới. Những kết quả đó đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự thâm nhập của ma túy qua biên giới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an 10 tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát hiện 1.902 vụ, bắt giữ: 3.595 đối tượng, thu giữ: 65,6kg heroin, 8kg cần sa, 591,9kg + 99.176 viên MTTH. Trong thời gian thực hiện cao điểm, Công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam đã bắt giữ 413 vụ/754 đối tượng, thu giữ 406,420kg MTTH, 6,015kg Ketamine, 42,472kg heroin, 0.033kg MDMA, 0.047kg cần sa, 300 gói “nước vui” cùng nhiều vật chứng khác có liên quan.

Một số chuyên án phối hợp điển hình như: Ngày 9/4, tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, cùng các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Thuận và Campuchia, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý đã chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia đấu tranh chuyên án bắt giữ 12 đối tượng, thu giữ 44kg MTTH các loại, 19kg heroin cùng nhiều đồ vật, tài sản khác có liên quan. Đồng thời, trao đổi lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ 11kg MTTH.

Ngày 5/6, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý chủ trì, phối hợp các đơn vị, lực lượng chức năng phá chuyên án tại TP Hồ Chí Minh. Đây là đường dây sản xuất, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy do Nguyễn Thị Hoài cầm đầu. Lực lượng chức năng bắt quả tang 2 đối tượng đang vận chuyển ma túy, thu giữ: 14.796 gói MTTH là “nước vui” có tổng khối lượng 75,5kg; 139,5kg MTTH dạng bột; 2,02kg MTTH các loại dạng viên, tinh thể; 208kg vỏ bao bì (đóng được khoảng 1 tấn ma túy). Vật chứng chuyên án thu giữ tổng cộng 217kg MTTH. Hiện Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang thụ lý, điều tra vụ án.

Ngày 12/6, tại TP Hồ Chí Minh, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Công an TP Hồ Chí Minh phá thành công chuyên án bắt 2 đối tượng, thu giữ hơn 19kg MTTH các loại.

Ngoài ra, trong công tác bắt giữ các đối tượng truy nã về ma tuý, lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi, xác minh thông tin, phối hợp bắt giữ các đối tượng truy nã phạm tội về ma tuý tại nước này lẩn trốn sang nước kia, kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng địa bàn để hoạt động phạm tội về ma tuý. Trên toàn tuyến biên giới, Công an 10 tỉnh giáp Campuchia và TP Hồ Chí Minh đã vận động đầu thú, bắt giữ 21 đối tượng.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh, trước những thời cơ và thách thức đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, trong thời gian tới, hai nước tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng công tác trao đổi thông tin về tình hình kiểm soát ma túy và tiền chất thông qua đầu mối (đường dây nóng) giữa hai nước. Tiếp tục phối hợp điều tra, xác minh, bóc gỡ các đường dây ma túy, bắt giữ các đối tượng tội phạm và đối tượng truy nã về ma túy; tăng cường triển khai kiểm soát công khai các khu vực trọng điểm về ma túy như các tuyến đường bộ, đường thủy, sân bay, bến cảng thuộc địa bàn biên giới hoặc các địa bàn nhạy cảm như khu vực kinh doanh sòng bài nhằm phát hiện và kịp thời bắt giữ các loại tội phạm về ma túy; tăng cường công tác quản lý trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh biên giới của hai nước; phối hợp triển khai, mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy trên địa bàn biên giới hai nước; duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng BLO trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy qua biên giới Việt Nam - Campuchia...

https://cand.com.vn/phap-luat/ngan-chan-ma-tuy-tham-nhap-qua-bien-gioi-viet-nam--campuchia-i715969/