Với 30 đoàn thanh tra được triển khai từ đầu năm 2022, đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cùng với cơ quan chức năng của các địa phương đã phát hiện không ít vụ kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm được quảng cáo hàng “xách tay”, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử… Để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua các loại mỹ phẩm trôi nổi rao bán trên “chợ mạng”.
- Thu hồi nhiều sản phẩm mỹ phẩm trên Shopee chứa thủy ngân, chất cấm
- Giấu ma túy vào bánh kẹo, mỹ phẩm rồi vận chuyển từ Đức về Việt Nam
Nhập viện do dùng mỹ phẩm trôi nổi
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý dược đã thu hồi 27 phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu, đồng thời kiến nghị thu hồi 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, 38 phiếu công bố sản phẩm. Cũng trong thời gian này, các sở y tế và doanh nghiệp thu hồi 158 phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu, 16 sản phẩm mỹ phẩm trên toàn quốc. Đặc biệt, qua rà soát các website, sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại mỹ phẩm kém chất lượng, chưa được cấp phép.
Mới đây, qua tra cứu dữ liệu tại Hệ thống tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trực tuyến, cơ quan chức năng phát hiện 3 sản phẩm mỹ phẩm, gồm: Dr Therapy Melasma - Best for spa Night cream (ngày sản xuất: 16-5-2022; hạn sử dụng: 16-5-2025); Dr Therapy Melasma - Best for spa Day cream (ngày sản xuất: 16-5-2022; hạn sử dụng: 16-5-2025) và Dr Therapy Melasma - Cream Perfect for spa (ngày sản xuất: 5-1-2021; hạn sử dụng: 4-1-2024) chưa được Cục Quản lý dược cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm đối với mỹ phẩm nhập khẩu, không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam. Thế nhưng, 3 sản phẩm này lại được rao bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee.
Kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy, 3 sản phẩm trên có chứa hàm lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép, không đáp ứng yêu cầu về giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm. Ngoài ra, thành phần công thức sản phẩm ghi trên nhãn có chứa chất hydroquinone 2%, là chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định… Cục Quản lý dược đã yêu cầu Công ty TNHH Shopee ngừng bán và gỡ bỏ thông tin về 3 sản phẩm nêu trên, đồng thời tiến hành thu hồi các sản phẩm đã giao cho khách hàng.
Cùng với tình trạng quảng cáo, kinh doanh mỹ phẩm tràn lan trên các "chợ mạng" (website, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội), thời gian qua, tại Bệnh viện Da liễu trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các trường hợp là nạn nhân của mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đơn cử như trường hợp của chị L.H.L (23 tuổi ở Hà Tĩnh) đến khám trong tình trạng da mặt bị “cháy” đen, tổn thương phù nề, ngứa rát. Trước đó, khi thấy da mặt xuất hiện nám, trứng cá, chị L đã mua một loại mỹ phẩm bán trên Facebook với giá 100.000 đồng/hộp, được quảng cáo là giúp thay da sinh học. Sau 2 lần sử dụng, chị L cảm thấy da bị thâm sạm, đổi màu và kích ứng như ong đốt. Tiếp tục làm theo hướng dẫn của người bán, da chị L bị sạm đen…
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì những chất độc hại cho da có trong mỹ phẩm. Việc điều trị cho các trường hợp này là vô cùng khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng...
Tăng cường rà soát, kiểm tra
Bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, Cục Quản lý dược đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) rà soát các website, sàn thương mại điện tử, nhằm phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm về chất lượng…
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, trong đó tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trực tuyến.
“Sở Y tế các địa phương cần tiếp tục rà soát việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm; kiểm tra lại toàn bộ nội dung trong các phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận thời gian qua; cập nhật thường xuyên danh mục các chất sử dụng trong mỹ phẩm, phổ biến đến các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm chỉ đưa ra lưu thông, phân phối và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm theo quy định. Nếu phát hiện tổ chức hoặc cá nhân vi phạm cần xử lý nghiêm, đồng thời thu hồi và tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm nghi ngờ giả, không đạt chất lượng”, ông Tạ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, bác sĩ Vũ Thái Hà khuyến cáo, người dân nên mua mỹ phẩm tại các nhà thuốc hoặc các đại lý chính thức. Ngoài ra, không nên dùng sản phẩm mượn của người khác khi chưa có chỉ định của các chuyên gia chăm sóc da.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1039460/ngan-chan-my-pham-gia-tren-cho%C2%A0-mang