Dịch vụ ngân hàng đa phần được thực hiện tự động, đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh. Điều đặc biệt quan trọng là phải có đội ngũ vừa am hiểu về nghiệp vụ vừa nắm vững công nghệ thông tin... Việc thiếu nhân lực về lĩnh vực này đang là bài toán cần sớm có lời giải.

Vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa phải thạo kỹ năng số

anh-bank.jpg
Nhân viên Vietcombank hướng dẫn khách hàng giao dịch. Ảnh: Quang Thái

Theo các chuyên gia, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain) và điện toán đám mây (cloud) đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng.

Trong đó, AI và big data giúp ngân hàng hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng, đưa ra dự báo chính xác và thiết kế sản phẩm phù hợp từng cá nhân; blockchain làm thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành; tự động hóa (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng...

Từ đó, cấu trúc nhân sự trong các ngân hàng đang được tái định hình, với việc một số vị trí cũ dần biến mất, thay vào đó là nhu cầu cao về chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ tài chính, chuyên viên quản lý rủi ro số, chuyên gia về trải nghiệm người dùng.

Mặt khác, hệ sinh thái số thông minh trong ngành Ngân hàng không chỉ là ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành, mà còn là một mô hình tích hợp toàn diện giữa ngân hàng và các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, dịch vụ công. Do vậy, ngành Ngân hàng đang “khát” nhân lực vừa thông thạo nghiệp vụ ngân hàng vừa am hiểu về công nghệ thông tin.

Thực tế, trong thời gian qua, một số ngân hàng đã cắt giảm nhân sự, cho thấy các ngân hàng đang tái cơ cấu nhân lực để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đổi số.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, nếu trước đây các vị trí tuyển dụng chú trọng vào kinh nghiệm ngành, thì hiện nay, bên cạnh chuyên môn, khả năng sử dụng công nghệ số là yêu cầu bắt buộc.

Trong 5 năm trở lại đây, VPBank đã thay đổi mạnh mẽ trong cách sử dụng và phát triển nhân sự có năng lực công nghệ. Thay vì cần đến 10 người, giờ đây, 1 người làm chủ công cụ cũng có thể đảm đương khối lượng công việc lớn hơn.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (AB Bank), ông Phạm Hà Duy cho biết, trong thời gian qua đơn vị cần các vị trí làm việc mới như trải nghiệm khách hàng, kinh doanh số, marketing số... Điều này đòi hỏi nhân viên có kỹ năng công nghệ, chỉ cần 5 người làm việc thay cho 10 người trước đây.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, các trường đào tạo chuyên ngành, như Học viện Ngân hàng nên tăng cường đào tạo về công nghệ AI, big data bên cạnh nghiệp vụ ngân hàng. Như vậy mới có thể kết hợp, cho ra một đội ngũ nhân sự đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.

Giải bài toán đào tạo và đào tạo lại

Khách hàng đang thực hiện xác thực khuôn mặt hoàn tất cài đăt sinh trắc học trong ứng dụng ngân hàng. Ảnh Thanh Hà
Khách hàng xác thực khuôn mặt, hoàn tất cài đăt sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Ảnh Thanh Hà

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mặc dù có nhiều thay đổi, song các ngân hàng vẫn còn hạn chế về nhân lực am hiểu công nghệ. Trong khi đó, các chương trình đào tạo đại học chưa thay đổi kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Sự khan hiếm nhân lực ngân hàng có trình độ công nghệ cũng đã ít nhiều có ảnh hưởng đến tiến trình ứng dụng và giải pháp ở trình độ cao...

Đồng tình với nhận định nhân viên ngân hàng vừa phải tinh thông nghiệp vụ, vừa thạo công nghệ, Tiến sĩ Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, có nhiều giải pháp tăng cung nhân lực, trong đó phải tập trung làm ngay đào tạo và đào tạo lại nhân sự ngành Ngân hàng về những kiến thức mới, kỹ năng số, công nghệ...

Thừa nhận nhân lực am hiểu công nghệ trong các ngân hàng thiếu trầm trọng về số lượng, chất lượng, ông Đặng Ngọc Đức - đại diện Trường Đại học Đại Nam cho rằng, Nhà nước triển khai các chính sách ưu tiên có trọng điểm, theo hướng cấp 100% học bổng cho sinh viên ngành công nghệ tài chính (Fintech) là giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành Ngân hàng.

"Cơ quan quản lý nên tính tới việc đào tạo lại cán bộ công nghệ thông tin về nghiệp vụ ngân hàng. Khi đó chỉ sau 9 tháng, có thể giải quyết được số lượng, chất lượng nhân lực mà không làm phát sinh chi phí tuyển dụng mới, xáo trộn, cắt giảm nhân sự", ông Đức nêu.

Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng Phạm Thị Hoàng Anh thông tin, nhu cầu tuyển dụng nhân lực số của ngành Ngân hàng luôn ở mức cao và đòi hỏi đáp ứng ngay là thách thức lớn. Do đó, Học viện Ngân hàng xác định tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dạy học số, nâng cấp hạ tầng công nghệ, tăng cường năng lực số và mở rộng hợp tác; xây dựng môi trường học tập số hóa toàn diện, phát triển các chương trình đào tạo liên ngành về Fintech, AI và khoa học dữ liệu…

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngày càng được chú trọng, đào tạo, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã đào tạo gần 2.500 lượt cán bộ tham gia tập huấn về chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, sự dịch chuyển trong xã hội là vô cùng lớn, do vậy, trong chương trình đào tạo sinh viên, thì các môn học và các ngành nghề đều phải tích hợp kỹ năng số, kỹ năng phân tích dữ liệu, kể cả kỹ năng lập trình. Yêu cầu về kỹ năng số càng trở nên cấp thiết, không hiểu về hệ thống số, an ninh bảo mật thì không tư vấn được cho khách hàng...

https://hanoimoi.vn/ngan-hang-khat-nhan-luc-am-hieu-cong-nghe-so-710324.html

Việt Nga • / Hà Nội Mới