Các cơ quan quản lý vừa đóng cửa Republic First Bank, một ngân hàng cho vay khu vực hoạt động ở Pennsylvania, New Jersey và New York.
Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cho biết hôm 26/4 rằng họ đã tịch thu ngân hàng Republic Bank có trụ sở tại Philadelphia, với tài sản trị giá khoảng 6 tỷ USD và tiền gửi trị giá 4 tỷ USD tính đến ngày 31/1.
Cơ quan này cho biết Ngân hàng Fulton, có trụ sở tại Pennsylvania, đã đồng ý tiếp quản phần lớn toàn bộ số tiền gửi của ngân hàng bị sụp đổ và mua về cơ bản toàn bộ tài sản của ngân hàng này.
Fulton Bank đã đồng ý mua lại và tiếp quản ngân hàng này. (Ảnh: Crain)
32 chi nhánh của Republic Bank sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của Ngân hàng Fulton sớm nhất vào 27/4. FDIC cho biết những người gửi tiền tại Republic First Bank có thể truy cập tiền của họ thông qua séc hoặc ATM sớm nhất vào tối 26/4.
Vụ sụp đổ ngân hàng này dự kiến khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi thiệt hại 667 triệu USD.
Ngân hàng này là tổ chức được FDIC bảo hiểm đầu tiên phá sản ở Mỹ trong năm nay. Vụ phá sản ngân hàng gần đây nhất - Citizens Bank, có trụ sở tại Sac City, Iowa - vào tháng 11 năm ngoái.
Theo ABC News nhận định, trong một nền kinh tế mạnh, trung bình chỉ có 4 hoặc 5 ngân hàng đóng cửa mỗi năm.
Lãi suất tăng và giá trị bất động sản thương mại giảm, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng đang gặp khó với tỷ lệ trống tăng cao sau đại dịch, đã làm tăng rủi ro tài chính cho nhiều ngân hàng khu vực và cộng đồng. Các khoản nợ tồn đọng được đảm bảo bằng tài sản bị mất giá trị khiến việc tái cấp vốn càng thêm khó khăn.
Tháng trước, một nhóm nhà đầu tư bao gồm Steven Mnuchin, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump, đã đồng ý bơm hơn 1 tỷ USD để giải cứu New York Community Bancorp, vốn đang bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém của bất động sản thương mại và những khó khăn ngày càng tăng do việc mua lại một ngân hàng đang gặp khó khăn.
Vụ sụp đổ ngân hàng Republic First là vụ thứ tư chỉ trong hơn 1 năm vừa qua, sau sự thất bại đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3 năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của các ngân hàng khu vực.
Chỉ hai ngày sau vụ sụp đổ của SVB, Ngân hàng Signature có trụ sở tại New York, ngân hàng dẫn đầu về cho vay tiền điện tử, cũng đóng cửa, cùng với 110 tỷ USD tài sản và 88 tỷ USD tiền gửi.
https://vtcnews.vn/ngan-hang-my-dau-tien-sup-do-nam-2024-thiet-hai-gan-670-trieu-usd-ar867849.html