Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai Đề án số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.
- Khách chật vật vay vốn để đảo nợ, ngân hàng khó chữa bệnh 'thừa tiền'?
- Hoàng Anh Gia Lai trả thêm 2.000 tỷ đồng nợ ngân hàng
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, NHNN đã quán triệt, chủ động phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Đề án 06; hiện thực hóa qua Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 giữa Bộ Công an và NHNN (Kế hoạch 01).
Về cơ bản các đầu mục nhiệm vụ tại Kế hoạch 01 đều đã được triển khai theo tinh thần, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an và NHNN, tập trung vào các nội dung như: làm sạch thông tin dữ liệu khách hàng, ứng dụng CCCD chip, tài khoản VneID trong xác minh, nhận biết thông tin khách hàng…
Đặc biệt, Ngân hàng là ngành đầu tiên thực hiện kết nối tới hệ thống định danh và xác thực điện tử để ứng dụng tài khoản VneID ngay khi các quy định tại Luật Căn cước và Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Ngành ngân hàng đã phối hợp với C06, Bộ Công an thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC); đồng thời đã kết nối kỹ thuật và hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc quản lý Nhà nước về phòng chống rửa tiền...
Quang cảnh Hội nghị |
Đến hết ngày 22/7/2024, đã có 26,3 triệu HSKH được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip; có 22 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 03 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đã golive với hơn 600.000 hồ sơ tài khoản.
Hiện nay có 06 tổ chức tín dụng (VietinBank, Vietcombank, BIDV, LPBank, NamAbank, MB) đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả an sinh xã hội, trong đó đã liên kết được 173.716 tài khoản an sinh xã hội. Có 3 tổ chức tín dụng (Coopbank, TPBank, PVCombank) đang thử nghiệm tài khoản an sinh xã hội…
Việc tích hợp tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID giúp người dân có thể nhận trợ cấp từ Chính phủ một cách nhanh chóng, phục vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ người dân.
Ngoài ra, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD, chi nhánh NHNN nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ CSDLQGDC trong hoạt động cho vay, thực hiện có hiệu quả Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” gắn với Đề án 06.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, thực tiễn triển khai Đề án 06 và Kế hoạch 01 phối hợp giữa hai đơn vị đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ đã chủ động phối hợp làm sạch, tạo lập kho dữ liệu sạch để giảm thiểu rủi ro tài chính, giao dịch, phòng chống tội phạm, tạo dựng niềm tin với người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính số trên môi trường điện tử.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng các giải pháp xác thực thẻ CCCD gắn chip, cập nhật xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng…
Theo NHNN, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thực tiễn công tác triển khai Đề án 06 còn phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt liên quan đến công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn, bảo mật hệ thống, khi ngày càng nhiều thủ đoạn giả mạo tinh vi, khó lường được thực hiện.
Đối với ngành Ngân hàng hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, các hoạt động, dịch vụ được thực hiện trên môi trường điện tử, cần có sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong việc giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ dữ liệu khách hàng, người dân, doanh nghiệp.