Việc Mỹ thông báo sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô và linh kiện Nhật Bản từ 27,5% xuống còn 15% khiến các nhà sản xuất ô tô Đảo quốc Mặt trời mọc hồ hởi, trong khi các đồng nghiệp khác không mấy vui vẻ.
- Bê bối khí thải gây chấn động ngành công nghiệp ô tô, 4 sếp lớn Volkswagen bị kết án
- Dấu ấn xe Việt trên bản đồ công nghiệp ô tô quốc tế

Đầu tuần này, nhiều hãng ô tô đã chính thức phản hồi trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần qua đã chính thức công bố thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, trong đó giảm mức thuế nhập khẩu ô tô và linh kiện từ Nhật từ 27,5% xuống còn 15%.
Phản ứng trước diễn biến mới, Toyota Motor cho biết chính sách thuế mới giúp họ tránh khoản lỗ khoảng 180 tỷ yên (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD) dự báo trước đó, và đang kêu gọi tiếp tục mở cửa thương mại hơn nữa.
Phát biểu ngày 27-7, Chủ tịch Toyota Akio Toyota còn bày tỏ sự cởi mở đối với ý tưởng phân phối xe Toyota sản xuất tại Mỹ ngay ở thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống hơn 4.000 đại lý nội địa để thể hiện thiện chí và hỗ trợ đàm phán thuế quan.
Đây cũng là tín hiệu tích cực với các nhà xuất khẩu ô tô Nhật Bản khác như Subaru, Honda, Mazda, trong bối cảnh thị trường Mỹ chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của Nhật Bản. Thực tế, cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô xứ sở Hoa anh đào đều tăng điểm mạnh trên thị trường chứng khoán do kỳ vọng giảm áp lực thuế.
Tuy nhiên, phía các nhà sản xuất ô tô Mỹ không hài lòng. Liên minh Detroit Three (GM, Ford, Stellantis) cho rằng thỏa thuận ưu đãi xe Nhật Bản trong khi giữ mức thuế cao với xe lắp ráp tại Bắc Mỹ (25%) khiến họ bị thiệt thòi cạnh tranh.
Lãnh đạo Hiệp hội người lao động trong ngành ô tô Mỹ (UAW) đồng thời cảnh báo điều này sẽ làm tổn hại đến người lao động Mỹ.
Về phần mình, các hãng ô tô châu Âu cũng chịu những ảnh hưởng nhất định. Theo giới chuyên môn, ảnh hưởng chủ yếu đến từ ba khía cạnh.
Thứ nhất, thỏa thuận hạ mức thuế từ 27,5% xuống 15% cho xe nhập khẩu từ Nhật Bản vào thị trường Mỹ, trong khi các hãng châu Âu duy trì mức thuế 25%. Điều này khiến giá xe Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt ở các phân khúc sedan và SUV cỡ trung – vốn là thế mạnh của các hãng Đức như BMW và Audi.
Thứ hai, để duy trì vị thế cạnh tranh, các hãng châu Âu sẽ phải tăng tỷ lệ xe sản xuất tại Bắc Mỹ (các nước như Mỹ, Mexico, Canada) để né thuế cao. Hiện nay, BMW đang xem xét mở rộng nhà máy ở Spartanburg (bang South Carolina, Mỹ) nơi sản xuất SUV X3 đến X7. Mercedes-Benz cũng tìm cách tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện cho dòng EQE SUV tại Alabama (Mỹ). Điều này đồng nghĩa chi phí đầu tư sẽ phải tăng, ngược lại với lợi thế sắp tới của xe Nhật Bản nhập khẩu trực tiếp.
Thứ ba, các hãng châu Âu hiện lo ngại rằng Washington đang chọn cách đàm phán song phương với một vài nước (như Nhật Bản, Hàn Quốc), thay vì tiếp tục duy trì các cơ chế thương mại đa phương như WTO. Điều này khiến họ phải “chạy đua từng thỏa thuận riêng” để không bị bỏ lại.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho biết: “Những gì diễn ra với Nhật Bản khiến các hãng châu Âu cảm thấy bị cô lập khỏi vòng ưu đãi". Nhiều ý kiến phân tích dự báo, Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ thúc đẩy một vòng đàm phán mới với chính quyền Tổng thống Donald Trump để cân bằng cán cân thuế quan trong thời gian tới.
Những gì các hãng ô tô châu Âu đối mặt cũng tương tự với các nhà sản xuất Hàn Quốc - dù Xứ Kim chi là đồng minh của Mỹ. Điều này khiến Hyundai và Kia có nguy cơ mất lợi thế giá tại Mỹ – đặc biệt ở phân khúc xe điện (EV) và SUV cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, các hãng ô tô Hàn Quốc đã đi trước một bước. Hyundai và Kia đang đầu tư hơn 13 tỷ USD vào các nhà máy tại Georgia và Alabama, bao gồm cả sản xuất pin và xe điện liên doanh với LG Energy Solution. Điều này cho phép ô tô điện như Hyundai IONIQ 5, Kia EV6 sản xuất tại Mỹ đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế xe điện của Mỹ.
Thỏa thuận thuế mới giữa Mỹ và Nhật Bản khiến tình cảnh các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ảm đạm hơn bao giờ hết, khi vẫn bị áp thuế 100%.
Điều này buộc nhiều hãng như BYD, Chery... phải tạm ngưng kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ, thay vào đó tìm kiếm các "đường vòng", như qua Mexico - một quốc gia thành viên của hiệp định USMCA (Mỹ–Mexico–Canada).
Ví dụ, BYD hiện đang xây nhà máy tại Jalisco (Mexico), dự kiến vận hành cuối năm 2025. Điều này có thể giúp họ tiếp cận Mỹ dễ dàng hơn.