Nhật tìm cách cứu lấy ngành săn bắt cá voi thương mại khi người dân ngày càng thờ ơ với loại thịt này.

nganh cong nghiep san bat ca voi gay tranh cai cua nguoi nhat

Một con cá voi được đưa về cảng biển Kushiro, Hokkaido, Nhật Bản hồi tháng 9/2017 phục vụ nghiên cứu khoa học. Ảnh: Kyodo News.

Với những người dân Nhật Bản làm nghề săn bắt cá voi, ngày 1/7 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là ngày Nhật dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt thương mại cá voi sau 31 năm. Ngay sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, 5 tàu cá Nhật Bản đã ra khơi và mang về hai con cá voi đầu tiên kể từ năm 1986. Chúng sau đó bị xẻ thịt bán đấu giá ở chợ.

Trong buổi lễ trước khi đoàn tàu đánh bắt cá voi ra khơi, ông Yoshifumi Kai, chủ tịch Hiệp hội Cá voi Nhật Bản, cho biết: "Tôi vô cùng xúc động. Trái tim tôi đang run rẩy".

Nhật Bản ngày 30/6 rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC), tổ chức thông qua lệnh cấm đánh bắt thương mại cá voi vào năm 1986. Từ đó tới nay, Nhật Bản vẫn đánh bắt hơn 300 con cá voi mỗi năm, nhưng để "phục vụ nghiên cứu khoa học".

Nhiều ngư dân Nhật Bản tỏ ra đồng tình với việc chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm săn bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại. Ông Mitsuhiko Maeda, người từng có thâm niên hàng chục năm săn bắt cá voi, cho biết: "Săn cá voi là một phần cuộc sống của tôi. Nghề này nên được khởi động lại. Nhật Bản có văn hóa ẩm thực về cá voi".

Tuy vậy, ngành đánh bắt cá voi chỉ là ngành công nghiệp nhỏ tại Nhật Bản, với khoảng 300 người tham gia. Ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí tăng cao và đặc biệt là nhu cầu thịt cá voi ngày càng giảm của người dân Nhật. Cơ quan Thủy sản Nhật Bản đã phân bổ ngân sách khoảng 463 triệu USD trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá voi trong năm tài khóa 2019.

Việc săn bắt và ăn thịt cá voi là một phần văn hóa truyền thống Nhật Bản, được hình thành và duy trì ở một số vùng duyên hải trong nhiều thập kỷ qua. Người Nhật tiêu thụ thịt cá voi nhiều nhất vào thời kỳ Thế chiến II, khi các nguồn thực phẩm khác trở nên khan hiếm.

Từ cuối những năm 1940 cho tới giữa những năm 1960, cá voi là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Nhật Bản. Năm 1964, Nhật Bản tiêu thụ tới 154.000 tấn thịt cá voi.

Tuy nhiên, con số này gần đây đã sụt giảm đi nhiều, khi người dân Nhật tiếp cận dễ dàng hơn với các loại thực phẩm khác và ngày càng ít mặn mà với thịt cá voi. Năm 2017, Nhật Bản tiêu thụ 5.000 tấn thịt cá voi, tức mỗi người dân nước này trung bình chỉ ăn hai thìa thịt cá voi mỗi năm.

Người Nhật cũng hứng chỉ trích dữ dội từ các tổ chức bảo vệ môi trường và quyền động vật quốc tế, khi họ chứng kiến thịt cá voi được bày bán công khai ở chợ trong thời gian nước này chưa rút khỏi IWC. Nhiều người cho rằng Nhật đang lấy cớ đánh bắt cá voi cho mục đích nghiên cứu khoa học để duy trì ngành công nghiệp săn bắt, giết mổ loài vật này.

nganh cong nghiep san bat ca voi gay tranh cai cua nguoi nhat

Thịt cá voi được bày bán trong một khu chợ ở Nhật. Ảnh: Japan Times.

Shintaro Sato, chủ một nhà hàng chuyên phục vụ món thịt cá voi tại Tokyo, hy vọng việc tái khởi động hoạt động đánh bắt thương mại cá voi sẽ giúp nhiều người trẻ tìm tới loại thịt này.

"Tôi không nghĩ nhiều người trẻ hiện nay biết cách nấu và ăn thịt cá voi. Tôi muốn ngày càng có nhiều người thử loại thịt này một lần trong đời", ngư dân đánh bắt cá voi Hideki Abe nói trước khi ra khơi. Nhiều quan chức ngư nghiệp của Nhật cũng hy vọng việc nối lại hoạt động đánh bắt thương mại sẽ khiến người tiêu dùng nước này hứng thú hơn với thịt cá voi.

Tuy nhiên, Patrick Ramage, giám đốc bộ phận bảo tồn biển thuộc Quỹ Phúc lợi Động vật Quốc tế, cho rằng động thái này của chính phủ Nhật không phải là "cây đũa thần" làm sống lại ngành công nghiệp đánh bắt cá voi và nhu cầu thị trường.

"Khẩu vị của người Nhật đã thay đổi", Ramage nói. "Họ không mặn mà với thịt cá voi nữa, dù chính phủ đã chi hàng tỷ yên ngân sách để dựng dậy ngành công nghiệp thảm bại này. Những gì chúng ta đang thấy chỉ là sự khởi đầu cho cái kết của ngành đánh bắt cá voi ở Nhật".

nganh cong nghiep san bat ca voi gay tranh cai cua nguoi nhat Cách Trung Quốc vượt Mỹ để thống trị ngành công nghiệp đất hiếm

Trung Quốc coi đất hiếm là tài nguyên chiến lược từ gần 30 năm trước và hiện chiếm 70% sản xuất toàn cầu.

nganh cong nghiep san bat ca voi gay tranh cai cua nguoi nhat Ngành công nghiệp giao đồ ăn trị giá hàng chục tỷ USD tại Trung Quốc

Giới trẻ Trung Quốc giờ không còn mặn mà với việc tới nhà hàng. Thay vào đó, họ gọi đồ ăn qua mạng với mức ...

Thu Hương (Theo BBC, CNN)

/ https://vnexpress.net