Các hãng mỳ ăn liền tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia đều 'bội thu' trong nửa năm nay nhờ Covid-19.

Covid-19 đã tấn công hàng loạt công ty và ngành công nghiệp trên toàn cầu, nhưng các nhà sản xuất mỳ ăn liền lại được hưởng lợi từ các đợt phong tỏa. Với việc châu Á là thị trường tiêu thụ lớn nhất, các nhà sản xuất mỳ trong khu vực đang nổi lên trong một mùa thu nhập chung không mấy khả quan.

Với Tingyi Holding, nhà sản xuất sở hữu thương hiệu mỳ ăn liền Master Kong bán chạy nhất Trung Quốc thì đây là một năm bội thu. Doanh thu nửa đầu năm của doanh nghiệp này tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, lên 32,93 tỷ nhân dân tệ (4,76 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 58,4%, lên mức kỷ lục 2,38 tỷ nhân dân tệ.

Chủ tịch Wei Hong-ming của Tingyi đã mô tả hiệu suất trong nửa đầu năm của công ty là sự "trở lại vinh quang" trong một tuyên bố tuần này. Và điều mang lại "vinh quang" cho công ty chính là mảng kinh doanh mỳ ăn liền. Trong khi mảng đồ uống có doanh thu giảm 4,1% và lợi nhuận ròng tăng 9,9%, thì mảng mỳ lại ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cả về doanh thu và lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 29,2% và 93,7 %.

3810 httpss3 ap northeast 1 amazona 6898 6669 1598351019

Mỳ ăn liền của Tingyi được bày bán ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo ông Wei, chìa khóa chính là nhu cầu tăng cao đối với mỳ ăn liền trong thời kỳ đại dịch. Khi ngày càng có nhiều người ở nhà vì các quy tắc giãn cách xã hội, mỳ ăn liền tạo được sức hút mới ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Lượng người đi lại giảm cho thấy tầm quan trọng của thị trường ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn. Cùng với đó là xu hướng tăng tích trữ của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch và sở thích ăn uống tại nhà", ông nói.

Tingyi đã nắm bắt thành công nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp Trung Quốc, với sự phổ biến của thương hiệu và phạm vi tiếp cận rộng rãi trên toàn quốc. Nửa đầu năm, doanh số mỳ ăn liền của Tingyi tỏ ra vượt trội, tăng 11,5% ở Trung Quốc đại lục, theo dữ liệu của Nielsen.

Anne Ling, Nhà phân tích hàng tiêu dùng tại Jefferies Hong Kong, đã nâng ước tính lợi nhuận ròng cả năm của Tingyi lên 4,244 tỷ nhân dân tệ từ mức 3,441 tỷ nhân dân tệ dự báo trước đó. Bà cho rằng, lý do cho quyết định này là "khả năng công ty giành được thị phần trong tương lai, hưởng lợi từ việc đại dịch giúp công ty có thể giới thiệu các sản phẩm cao cấp cho khách hàng trong giai đoạn này".

Các cơ quan xếp hạng lớn cũng đã nâng triển vọng của công ty lên tích cực từ trung lập, phản ánh "sự cải thiện trong hồ sơ tín dụng của công ty và kỳ vọng của chúng tôi rằng vị thế cạnh tranh của công ty trong ngành mỳ ăn liền và đồ uống đóng sẵn sẽ vẫn mạnh mẽ", S&P Global Ratings cho biết.

Ying Wang, nhà phân tích cấp cao của Moody's Investors Service, kỳ vọng Tingyi sẽ duy trì tình hình tài chính vững chắc trong vòng 2-3 năm tới. S&P và Moody's đã ấn định mức xếp hạng có thể đầu tư tương ứng là BBB-plus và Baa1.

Uni-President China Holdings (Đài Loan), đối thủ của Tingyi, cũng hưởng lợi từ các biện pháp cách ly tại nhà. "Nửa đầu năm 2020, ngành kinh doanh mỳ ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng bệnh toàn cầu", Chủ tịch Lo Chih-Hsien cho biết.

Chi nhánh tại Hong Kong của Uni-President là một trong những nhà sản xuất mỳ ăn liền hàng đầu ở Trung Quốc đại lục. Mảng kinh doanh thực phẩm của công ty - với cốt lõi là mỳ - đã tăng doanh thu 22% lên 5,21 tỷ nhân dân tệ, trong khi lợi nhuận tăng 30% lên 448,09 triệu nhân dân tệ.

"Người tiêu dùng đã có được sự hiểu biết mới về độ an toàn và độ ngon của mỳ ăn liền và ngành này đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, tương tự như Tingyi, mảng đồ uống của Uni-President tương đối bết bát, với doanh thu giảm 7,4% trong khi lợi nhuận chỉ tăng 2,1%", ông Lo nói.

Trung Quốc đại lục cho đến nay là nước tiêu thụ mỳ ăn liền lớn nhất thế giới. Nhu cầu ở nước này, bao gồm Hong Kong, đạt 41,45 tỷ gói vào năm ngoái, gần 40% tổng số toàn cầu, theo số liệu tính từ Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới.

Người châu Á nói chung rất thèm ăn mỳ gói. Bảy quốc gia khác trong khu vực gồm Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam nằm trong danh sách Top 10 tính theo sản lượng tiêu thụ.

3852 httpss3 ap northeast 1 amazona 7895 9354 1598351019

Top 10 nước iêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất năm 2019 tính theo số lượng. Đồ họa: Nikkei

Indofood CBP Sukses Makmur (Indonesia) cho biết, mảng mỳ là động lực chính trong tăng trưởng doanh thu 4,1%. Doanh số bán mỳ của hãng tăng 6,3% lên 15,492 nghìn tỷ rupiah (1,05 tỷ USD), trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện 1,1 điểm phần trăm, lên 22,6%, nhờ giá bán cao hơn và giá lúa mỳ giảm. Hoạt động kinh doanh mỳ của công ty tập trung vào thương hiệu Indomie, bán ra ngoài Indonesia, bao gồm cả khu vực khác của châu Á và châu Phi.

Jennifer Widjaja, Nhà phân tích cổ phiếu tại Sucor Sekuritas, đã nâng đánh giá cổ phiếu công ty này thành "mua" sau khi có kết quả kinh doanh sơ bộ. Mặc dù mảng đồ uống vẫn còn yếu, Widjaja hy vọng nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất trong nhà (mỳ, gia vị thực phẩm) sẽ tiếp tục vượt trội, bù đắp cho các sản phẩm mua ngoài.

Các nhà sản xuất mỳ lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Nissin Foods Holdings (Nhật Bản), chủ sở hữu của thương hiệu Cup Noodle, đã ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý II/2020 cao hơn gấp đôi, lên 12,09 tỷ yên (114,2 triệu USD) so với một năm trước đó.

Đối thủ công ty này, Toyo Suisan, cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 76%, lên 8,4 tỷ yên trong cùng kỳ. Cả hai công ty đều tăng trưởng doanh số bán hàng trong nước cũng như nước ngoài. Đối với Nissin, thị trường chủ yếu ở châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hong Kong, còn Toyo Suisan thì có thị trường Mỹ và Mexico.

Bộ đôi mỳ Nhật Bản đã dẫn đầu sự phục hồi của thị trường chứng khoán nước này. Cả hai đều tăng hơn 35% kể từ khi chỉ số Nikkei Average chuẩn chạm mức thấp nhất trong năm vào giữa tháng 3. Họ là hai trong số 10 công ty tăng giá cổ phiếu hàng đầu trên sàn Tokyo, với vốn hóa thị trường trên 50 tỷ yên.

Nhà phân tích Satoshi Fujiwara của Nomura Securities đã nhắc lại đánh giá "mua" đối với cổ phiếu Nissin vào tuần trước. Ông hy vọng "mức lợi nhuận cao sẽ tiếp tục trong trung hạn" khi công ty được hưởng lợi từ nhu cầu tăng trưởng do đại dịch ở nước ngoài.

3929 httpss3 ap northeast 1 amazona 8075 9453 1598351019

Người Hong Kong mua mỳ ăn liền tích trữ vào tháng 1/2020 khi Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters

Câu chuyện tương tự với Nongshim (Hàn Quốc) khi doanh thu nửa đầu năm nay tăng 17,2% so với cùng kỳ, lên 1,35 nghìn tỷ won (1,13 tỷ USD). Nhà sản xuất mì cay Shin Ramyun đã tăng doanh số bán hàng trong nước lên 12% trong khi doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 34%, chủ yếu được thúc đẩy bởi hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.

"Covid-19 là một bước ngoặt, sự công nhận của Nongshim ở nước ngoài đã được mở rộng", Shim Eun-joo, một nhà phân tích tại Hana Financial Investment đánh giá. Giống như các công ty cùng ngành tại Nhật Bản, giá cổ phiếu của Nongshim đã tăng hơn 50% trong năm nay, đạt 361.000 won vào cuối ngày 24/8. Shim đặt mục tiêu giá cổ phiếu của mình đạt 500.000 won trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất mỳ ăn liền tại Ấn Độ chưa nắm bắt được hết cơ hội. Nestle Ấn Độ, sở hữu thương hiệu Maggi, chỉ tăng doanh thu 2% trong quý vừa rồi. Công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn sản xuất vào tháng 4 - giai đoạn đỉnh điểm của việc phong tỏa ở Ấn Độ.

"Một trong những xu hướng rõ ràng trong bốn tháng qua là nhu cầu về thực phẩm tiện lợi ngày càng tăng", cụ thể là mỳ ăn liền, theo Sanjay Manyal, nhà phân tích tại ICICI Securities. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, công ty không thể cung cấp các sản phẩm trong tháng 4 do hầu hết cơ sở sản xuất vẫn đóng cửa hoặc đang hoạt động với hiệu suất sử dụng rất thấp. Vì vậy, ông đánh giá cổ phiếu Nestle Ấn Độ ở mức "giữ".

Thời trang Thời trang "mỳ ăn liền" đổ đến, kiếm triệu USD từ Việt Nam
Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mỳ Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mỳ
Mỳ ăn liền Hảo Hảo xác lập kỷ lục Mỳ Gói được tiêu thụ nhiều nhất trong 18 năm qua tại Việt Nam Mỳ ăn liền Hảo Hảo xác lập kỷ lục Mỳ Gói được tiêu thụ nhiều nhất trong 18 năm qua tại Việt Nam

/ vnexpress.net