Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, với sự vào cuộc kịp thời và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh cũng như tham mưu của ngành Ngân hàng tỉnh, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh sẽ chung sức nỗ lực thực hiện xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống TCTD, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tái cơ cấu nền kinh tế.

Chưa đầy 2 tháng sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chỉ thị và kế hoạch hành động để các ban, ngành trong toàn tỉnh quán triệt và tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết.

Xin ông cho biết về các chính sách mà tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành để chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xử lý nợ xấu trên địa bàn toàn tỉnh?

Ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành các chính sách về xử lý nợ xấu, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện chủ trương xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống TCTD. Đó là Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, và Kế hoạch số 7800/KH-UBND thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, các TCTD trên địa bàn; UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh quán triệt và tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định tại Nghị quyết để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của từng TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

Các nhiệm vụ cụ thể mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện là gì, thưa ông?

UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc xử lý nợ xấu đòi hỏi sự vào cuộc của cả bộ máy để đảm bảo thực hiện nhanh, gọn, triệt để. Vì vậy qua việc tiếp thu quan điểm chỉ đạo của cấp trên cũng như tham khảo các kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đã phân công công việc rất cụ thể.

Về phía Cục Thi hành án dân sự tỉnh, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án các cấp văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án thực hiện các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của TCTD, VAMC theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội; phối hợp, hỗ trợ các TCTD, VAMC trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản bảo đảm; chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp phối hợp với TCTD rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang được thi hành dở dang, đẩy nhanh thi hành án các vụ án còn tồn đọng.

Công an tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo công an các huyện, thành phố, thị xã và công an xã, phường, thị trấn văn bản chỉ đạo của Bộ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, VAMC thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xử lý.

Tòa án Nhân dân tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo tòa án nhân dân các huyện, thành phố, thị xã áp dụng thống nhất pháp luật về giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo văn bản hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội theo chỉ đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản các huyện, thành phố, thị xã thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội. Cục Thuế tỉnh hướng dẫn văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế đến các cơ quan thuế huyện, thành phố, thị xã về chính sách liên quan đến thuế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc nguồn chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách địa phương. Đồng thời, theo dõi đôn đốc các ngành, UBND các cấp và các chủ đầu tư trong công tác bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong nguồn vốn kế hoạch được giao hàng năm.

Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn nơi thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của TCTD, VAMC. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo, đại diện UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.

Tất cả các cơ quan, đơn vị này thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc nói chung cũng như các TCTD trên địa bàn tỉnh nói riêng. Ở đây rất cần đến vai trò của ngành Ngân hàng tỉnh làm đầu mối thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đối với hệ thống QTDND trên địa bàn

Vậy ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện vai trò đầu mối, phối hợp như thế nào với các cấp, các ngành trong toàn tỉnh để thực hiện xử lý nợ xấu, thưa ông?

Trước hết, UBND tỉnh đã chỉ đạo NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các biện pháp triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Bên cạnh đó, tổng hợp kết quả xử lý nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và NHNN Việt Nam theo quy định; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, NHNN Việt Nam những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị xử lý trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, nhất là các biện pháp trong việc nắm giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.

Đối với các TCTD, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức quán triệt nội dung và chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 tới toàn thể cán bộ trong chi nhánh. TCTD, VAMC khi thu giữ tài sản bảo đảm phải thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị quyết. Đối với tài sản bảo đảm là bất động sản thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản, TCTD phải thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản được thu giữ, lý do thu giữ.

Trong đó cần lưu ý, TCTD cần hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin như đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình; gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan công an nơi có tài sản bảo đảm; niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm; và thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm.

Ngoài ra, các TCTD cũng cần thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng về kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết và đề xuất giải pháp xử lý để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và NHNN Việt Nam.

Cùng với xử lý nợ xấu thì tái cơ cấu hệ thống TCTD được xác định sẽ là một quá trình và cần được tiến hành song song. Thời gian qua ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện chủ trương quan trọng này như thế nào, thưa ông?

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá rất cao các giải pháp đồng bộ, quyết liệt mà ngành Ngân hàng tỉnh đã thực hiện để tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Trong đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo, đôn đốc các TCTD trên địa bàn chủ động xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, thương mại, tiêu dùng và phát triển thị trường.

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như thúc đẩy xuất khẩu, các ngành công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế.

NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chủ động rà soát, đánh giá phân loại các QTDND, nhận diện QTDND yếu kém để áp dụng các biện pháp cơ cấu lại hợp lý, an toàn, hiệu quả; chỉ đạo các QTDND xây dựng phương án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trình NHNN tỉnh, giám sát, triển khai thực hiện; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý, giám sát và xử lý những tồn tại yếu kém của QTDND; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với QTDND, giúp các QTDND trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững.

Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh Vĩnh Phúc cũng tổ chức thanh kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện kế hoạch hành động cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; chủ động đề xuất với NHNN Việt Nam, UBND tỉnh xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện trong quá trình triển khai kế hoạch.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

http://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-vinh-phuc-di-dau-trong-tai-co-cau-xu-ly-no-xau-69557.html

/ Theo Thời báo Ngân hàng