Các chuyên gia dự báo phần lớn thành phố nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy trong khoảng 50 năm nữa.
Ngày 9/8, phát biểu tại hội nghị mời gọi đầu tư Các giải pháp chống ngập và xử lý nước thảitại TP HCM, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan Laurent Umans nói rằng, mặt đất thành phố bị sụt lún 7 cm mỗi năm và mức độ này đang tăng nhanh.
"Đây là hồi chuông báo động vì đó không đơn giản là một vấn đề. Sự tồn tại của TP HCM đang bị đe dọa. Theo dự báo khoảng 50 năm nữa, một phần lớn thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy", ông Laurent cảnh báo.
Biến đổi khí hậu làm dâng mực nước biển, chỉ vài mm mỗi năm nhưng về lâu dài là rất đáng kể. Tương tự, sụt lún mỗi năm chỉ vài cm tính trong một thập kỷ thì con số này là không nhỏ. "Không nên chờ đợi nghiên cứu mà thay vào đó chúng ta cần hành động ngay", quan chức ngoại giao Hà Lan nói.
Cơn mưa lớn giữa tháng 5 khiến hơn 30 tuyến đường, hàng quán và cả nghìn nhà dân ở TP HCM ngập nặng. Ảnh: Quỳnh Trần.
73.000 tỷ đồng chống ngập, xử lý nước thải trong 5 năm
Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn (trước 1975) cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người, tương ứng với quy mô hệ thống thoát nước thời điểm đó. Tuy nhiên, dân số của TP HCM hiện khoảng 10 triệu người, chưa kể khách vãng lai - tăng hơn quy hoạch cũ 5 lần nhưng hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo khiến xảy ra tình trạng ngập là tất yếu.
Ngoài ngập nước do mưa, TP HCM còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ biển Đông thông qua hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai - Vàm Cỏ Đông. 63% diện tích thành phố có độ cao tự nhiên dưới 1,5 m nên những vị trí thấp hơn đỉnh triều đều bị ngập.
"Biến đổi khí hậu khiến tình hình ngập nước của TP HCM ngày càng nghiêm trọng. Tần suất các trận mưa có vũ lượng lớn, vượt khả năng thoát của cống thoát nước xuất hiện ngày càng nhiều", ông Dũng nói về nguyên nhân khách quan khiến Sài Gòn ngập nặng.
Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020, khu vực trung tâm cần có 6.000 km cống các loại nhưng hiện nay hệ thống cống chỉ đạt gần 70% là 4.176 km.
Thành phố mới hoàn thành được cơ bản 2 nhà máy xử lý nước thải trên tổng số 12 nhà máy theo quy hoạch; thực hiện được khoảng 64km/149km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè), các hạng mục khác đang triển khai.
"Như vậy, thành phố cần một nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải", ông Dũng nói và cho biết giai đoạn 2016-2020 TP HCM cần gần 73.500 tỷ đồng để đầu tư lĩnh vực chống ngập và xử lý nước thải. Trong đó ngân sách thành phố là 16.388 tỷ, ngân sách trung ương 588 tỷ, huy động từ nguồn xã hội hóa 20.283 tỷ và vốn ODA là 36.152 tỷ.
Xây dựng bản đồ mô phỏng tình trạng ngập
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước ở Sài Gòn. Ngoài vấn đề hạ tầng xuống cấp thì việc phát triển không đúng cũng là nguyên nhân gây ngập. Chiến lược phát triển về hướng biển, về phía Nam nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây sụt lún, ngập lụt.
"TP HCM là đô thị chưa hoàn chỉnh. Vì vậy việc giải quyết ngập ở từng vị trí phải xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp cụ thể. Thành phố lắng nghe, tiếp thu và có chọn lựa các giải pháp trên cơ sở phải xác định được nguyên nhân gây ngập để giải quyết", ông Tuyến nói và cho biết trước mắt sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước của thành phố; cũng như có bản đồ mô phỏng tình hình ngập để nhận diện, đánh giá, tìm giải pháp.
Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp, công nghệ mới với hy vọng cùng thành phố chung tay chống ngập, xử lý nước thải như: phát triển không gian điều tiết nước mưa cho đô thị TP HCM; xây dựng hồ điều tiết ngầm; xây dựng hệ thống cống bao và xử lý nước thải tập trung; quản lý nước trong vùng đô thị mật độ cao...
Đại diện Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng chia sẻ với lãnh đạo TP HCM và các doanh nghiệp về những sửa đổi và điểm mới trong Nghị định 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức công - tư (PPP). Những bất cập liên quan tới chủ trương đầu tư dự án, nguồn lực tài chính và năng lực cán bộ thực hiện dự án PPP... sẽ được tháo gỡ khi Nghị định này được triển khai.
TP HCM kêu gọi đầu tư 16 dự án
7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải gồm: lưu vực Tây Sài Gòn (7.700 tỷ đồng), lưu vực Bình Tân (9.804 tỷ đồng), lưu vực Tân Hóa Lò Gốm (6.395 tỷ đồng), lưu vực Bắc Sài Gòn 1 (5.544 tỷ đồng), lưu vực Bắc Sài Gòn 2 (5.100 tỷ đồng), lưu vực Rạch Cầu Dừa (5.000 tỷ đồng), lưu vực Tây Bắc (6.000 tỷ đồng).
6 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch gồm: Xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Chợ Đệm (8.825 tỷ đồng), Xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm (1.097 tỷ đồng), nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào (522 tỷ đồng), nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé (1.250 tỷ đồng), cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình (6.184 tỷ đồng).
3 dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP HCM gồm: cống kiểm soát triều sông Kinh (1.200 tỷ đồng), cống kiểm soát triều rạch Tra (11.122 tỷ đồng), đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đoạn còn lại (3.400 tỷ đồng).
Hữu Nguyên
Cử tri TP.HCM bức xúc vì nạn kẹt xe, ngập nước không giảm Nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm và lo ngại trước việc TP.HCM đầu tư nhiều dự án lớn, tốn nhiều tiền của nhưng ... |
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM: \'Phải nói rõ giảm điểm ngập là điểm nào\' "Chẳng thà công khai sẽ giải quyết bao nhiêu điểm ngập, để đến thời điểm đó giải quyết được điểm nào thì dân sẽ tin ... |