Nắng nóng chưa từng có trải rộng khắp các lục địa quanh đường xích đạo, trong đó có Việt Nam, cho thấy biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng tới đời sống con người.
Vừa mới đầu những ngày hè, Việt Nam ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan cho biết, trong ngày lập hạ, kỷ lục nhiệt độ cao nhất Việt Nam được xác lập vào lúc 16h là 44,1 độ C tại xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Nhiệt độ thực tế được đo tại Bến xe Mỹ Đình lúc 11h00 ngày 6/5 là 52 độ C. Người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cảm thấy sốc trước mức nóng oi bức này.
Không chỉ ở Việt Nam, hiện tượng nóng lên toàn cầu cao bất thường đã xảy ra nhiều năm qua, với những biểu hiện cho thấy Trái đất đang đứng trước nhiều nguy cơ đầy nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Châu Âu đã có một mùa đông 2022 ít tuyết chưa từng thấy. Mức nhiệt cao duy trì trải dài từ Đông Âu sang Tây Âu. Tuyết đã không rơi ở nhiều nơi. Moskva của Nga không còn chìm trong màu trắng xóa huyền diệu đầy thu hút như vẫn thường xuyên thấy trong lịch sử.
Theo Washington Post, trong thời khắc chuyển giao giữa năm 2022 và năm 2023, hiện tượng “vòm nhiệt” mạnh bất thường giữa mùa đông đã ập đến phần lớn châu Âu, tạo ra nhiệt độ ấm chưa từng có trong tháng Giêng của cựu lục địa.
Trên diện tích trải dài từ vùng duyên hải nước Pháp đến biên giới phía tây nước Nga, nhiệt độ đã tăng vọt trong ngưỡng 10 đến 20 độ C trên mức trung bình, xô đổ hàng nghìn kỷ lục thời tiết.
Cụ thể, ngay trong ngày đầu năm mới, ít nhất 7 quốc gia đã chứng kiến thời tiết tháng Giêng ấm nhất được ghi nhận khi nhiệt độ tăng lên mức mùa xuân: Latvia ghi nhận 11,10 độ C, Đan Mạch chứng kiến mức nhiệt 12,60 độ C, Litva trải qua nhiệt độ 14,60 độ C, Belarus đạt được 16,40 độ C, Hà Lan chạm ngưỡng 16,90 độ C, Ba Lan lên tới 19 độ C, và Cộng hòa Séc ghi nhận kỷ lục 19,60 độ C.
Trong khi đó, bỗng dưng xuất hiện một Siberia giữa lòng Bắc Mỹ khi ở Canada và Hoa Kỳ ghi nhận nền nhiệt thấp kỷ lục trong mùa đông, có nơi lên tới - 50 độ C, mức nhiệt tưởng chừng chỉ có ở những vùng Bắc Cực xa xôi.
Còn hai cực Trái Đất? Băng đang tan nhanh chưa từng thấy. Theo Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia thuộc Đại học Colorado Boulder, diện tích băng ở Nam Cực đã giảm xuống còn 1,79 triệu km2 vào ngày 21/2, ít hơn 136.000km2 so với mức thấp kỷ lục năm 2022.
Những khối băng nguyên thủy cả triệu năm đang bị sức nóng của mặt trời đốt cháy. Mực nước biển dâng, lũ lụt xuất hiện với cường độ gấp nhiều lần so với lịch sử 100 năm qua. Những hạ lưu sông lớn ở Trung Quốc ghi nhận mức lụt cao hàng năm, dẫn đến nhiều thảm họa thiên nhiên. Nhà cửa, thành phố, tàu điện ngầm ở quốc gia đông dân nhất thế giới thường xuyên chứng kiến cảnh chìm trong biển nước.
Bên kia bán cầu, nước Mỹ cũng thường xuyên ghi nhận lụt lội, thiệt hại đáng kể về người. Tại châu Âu, nước Đức cũng không thoát cảnh mênh mông biển nước tại các thành phố lớn trong năm 2022.
Thiên nhiên ngày càng bức bối và tệ với con người. Nhưng chúng ta chưa thể làm gì để ngăn chặn đà diệt vong trước những biến đổi của Trái Đất.
Hành động của con người hiện nay còn quá ít. Con người mỗi ngày vẫn chặt phá hàng ngàn héc ta rừng. Đến nay, không còn tồn tại cái gọi là rừng nguyên sinh nữa. Tất cả đã biến mất. Những đại ngàn Tây Nguyên từng giúp ngăn bước quân thù, che chở và bảo vệ người dân vùng cao giờ chỉ còn thưa thớt những cây cổ thụ sót lại, thay thế chỉ là những loài cây kinh tế giá trị thấp.
Rừng mưa Amazon cũng bị khai thác triệt để. Các nhà khoa học đã xem xét những tác động của các vụ cháy rừng, hoạt động khai thác gỗ, hạn hán và thay đổi môi trường sống dọc theo ranh giới rừng. Nghiên cứu cho thấy diện tích rừng Amazon đã suy giảm ít nhất 5,5%, tương đương 364.748 km2, từ năm 2001 đến 2018. Nếu tính cả tác động của hạn hán, diện tích rừng Amazon bị suy thoái tăng lên 2,5 triệu km2, tương đương 38% diện tích rừng Amazon còn lại.
Con người thường xuyên đốt rừng, khai thác rừng nhưng không có đủ biện pháp thay rừng bền vững. Mỗi năm, hàng chục ngàn đám cháy âm ỉ thiêu rụi hàng triệu héc ta rừng mưa, gây ảnh hưởng nặng nề tới tầng sinh quyển ở châu Mỹ.
Ở những lưu vực sông khổng lồ với phù sa phì nhiêu như Hoàng Hà, Cửu Long ở châu Á, thuyền khai thác cát tấp nập, làm biến đổi cả dòng chảy của sông. Không chỉ vậy, các công trình thủy điện khổng lồ ngăn dòng chảy, đẩy các dòng hạ lưu thành nơi hứng chịu hậu quả, mùa khô dòng cạn trơ đáy và bị xâm nhập mặn; mùa mưa lũ lụt, cuốn trôi tất cả sinh kế của con người.
Mức phá hoại đó mỗi năm tăng lên một cấp độ, đến nay, đã hoàn toàn phá hủy Trái Đất.
Con người nhận ra hậu quả đó, nhưng làm quá ít để ngăn Trái Đất diệt vong.
Một trong những hành động được cho là quyết liệt nhất của các quốc gia trên thế giới để chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu chính là Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP). Thế nhưng, 27 kỳ họp của COP vẫn chưa giúp thế giới ngăn được lượng phát khí thải cao ngất ngưởng.
Cam kết tới năm 2050, các quốc gia phải đưa mức phát thải khí CO2 về 0 gần như là vô tưởng. Con người càng đặt ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì mức phát thải khí carbon càng tăng. Việc quốc gia này bán định mức phát thải cho nước kia chỉ là cách để các cường quốc trốn tránh trách nhiệm với môi trường một cách "trong sạch", nhưng nó không giúp môi trường tốt lên.
Trong khi đó, năng lực trồng rừng ngày càng yếu. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho phủ xanh đồi trọc. Tuy nhiên, nỗ lực này còn không kịp với cả mức độ mở rộng các nhà máy điện mặt trời ở quốc gia này. Các tấm pin năng lượng mặt trời càng nhiều, hiệu ứng nhà kính càng tăng, tầng ozone càng có nguy cơ bào mỏng, càng đẩy những hiện tượng thời tiết cực đoan tăng cường mức độ hơn.
Sẽ không kịp nữa, nếu con người vẫn hời hợt trước sự biến đổi của khí hậu, cơn cuồng nộ của Trái Đất. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ diệt vong, nhưng chúng ta vẫn quá thờ ơ với tương lai nguy hiểm đó. Cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, thậm chí là cực đoan hơn để ngăn tốc độ diệt vong của con người trước sự thay đổi của Trái Đất.