Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị “xẻ thịt” rồi chia thành từng lô để bán trong sự “bất lực“ của chính quyền địa phương.
“Xẻ thịt” đất lâm nghiệp xây nhà trái phép
Thời gian qua, phóng viên Dân Việt nhận được phản ánh của người dân nhiều khu vực đất lâm nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) bị “xé” nhỏ, mua đi bán lại. Với giá đất giao động từ 15 – 35 triệu đồng/m dài (mét chạy), tùy thuộc vào từng vị trí. Sau khi mua được đất, nhiều hộ dân đã tiến hành xây dựng nhà ở kiên cố. Dù biết việc xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp là trái phép tuy nhiên những người dân tại đây vẫn xây dựng để hi vọng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hầu hết những căn nhà xây dựng trên đất lâm nghiệp ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vẫn ngang nhiên tồn tai trước sự "bất lực" của chính quyền. Ảnh: CT
Sau khi tiếp nhận thông tin, trong vai một người cần một lô đất diện tích khá rộng để dựng nhà xưởng, phóng viên tiếp cận với một số hộ dân tại địa bàn xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn liền được giới thiệu nhiều lô đất khác nhau. Đồng thời họ cho biết đây đều là đất lâm nghiệp và việc mua bán cũng là mua bán đất lâm nghiệp. Sau đó sẽ “xin” để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thậm chí một số người còn “hướng dẫn” phóng viên gặp một số “nhân vật” trong thôn, xã để “tiện” cho quá trình mua bán và “xin” chuyển đổi...
Theo ghi nhận, tại địa bàn xóm Khe Xài, xã Nghĩa Lộc có nhiều hộ dân đang tiến hành xây dựng nhà trong diện tích đất lâm nghiệp được mua lại. Những hộ dân tại đây đều thừa nhận việc mình xây dựng nhà ở trên diện tích đất lâm nghiệp là sai với quy định của pháp luật. Tuy nhiên do nhu cầu về nhà ở nên dù biết sai họ vẫn làm.
Những căn nhà trái phép mọc trên đất lâm nghiệp. Ảnh: CT
“Khi mua cũng chỉ là mua lại đất lâm nghiệp thôi, tôi mua 6.000m2. Mình làm nhà cũng ở trong hành lang an toàn giao thông cách mặt lề đường khoảng 50m là được. Diện tích phía trước sau này thì làm đất vườn. Còn khi "làm bìa" thì chỉ được công nhận 300m2 đất là đất ở thôi...” - anh Tuấn một hộ dân đang tiến hành xây dựng nhà trái phép ở tại khu vực trên nói kiểu chắc "như đinh đóng cột".
Chính quyền "lờ" đi?
Khi được đề nghị cho xem các giấy tờ liên quan để tiện cho quá trình mua bán đất, ông Tuấn cho biết hiện tại đang trong quá trình "làm bìa" nên mọi giấy tờ vẫn đang "ở trên huyện". Mặc dù đang trong quá trình “làm bìa” nhưng một ngôi nhà lớn được xây dựng theo lối kiến trúc biệt thự vườn đã được gia chủ xây dựng xong phần thô và đang trong quá trình hoàn thiện.
Cũng tại xóm Khe Xài, căn nhà kiên cố của anh Hoa cũng đã hoàn thành phần thô, cá nhân anh này cũng ý thức rõ việc xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp là sai: “Mình xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp là sai, xã họ cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 5 triệu đồng, đang xây dựng hết tiền nên tôi không nộp. Việc làm bìa cũng khó nên mình chưa làm”...
Hầu hết những căn nhà trái phép đều xây dựng rất kiến cố. Ảnh: CT
Dọc theo tuyến đường này, hàng loạt những ngôi nhà khác cũng được xây dựng kiên cố, hoặc đang hoàn thiện hoặc đã đưa vào sử dụng. Những ngôi nhà này vẫn nằm hoàn toàn trong diện tích đất lâm nghiệp. Được biết trước đây, diện tích đất trên được cấp cho 1 hộ gia đình sử dụng và ghi rõ mục đích sử dụng đất là đất lâm nghiệp. Tuy nhiên khi tuyến đường Hồ Chí Minh được mở, cùng với nhu cầu đất ở tăng cao, giá đất được đẩy lên. Quá trình mua bán diễn ra, những thửa đất lâm nghiệp được “xẻ” ngầm và mua đi bán lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Quảng – cán bộ địa chính xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn xã có hơn 60 trường hợp vi phạm trong đó phổ biến như xây dựng ki ốt kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông, xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp... Những trường hợp xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp địa phương cũng đã phát hiện và tiến hành xử phạt hành chính vi phạm. Việc mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp để xây dựng nhà ở là sai với quy định của pháp luật. Tuy nhiên thẩm quyền của địa phương chỉ xử phạt hành chính. UBND xã cũng không xác nhận các hồ sơ mua bán, tách thửa đất lâm nghiệp... Sắp tới địa phương sẽ thống kê đầy đủ các trường hợp vi phạm báo cáo để huyện có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Người dân ngang nhiên xé đất nông nghiệp nhưng chính quyền huyện Nghĩa Đàn không hề hay biết. Ảnh: CT
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Phú - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: Trong năm 2018, huyện chưa nhận được báo cáo của xã Nghĩa Lộc về những vi phạm xây dựng nhà ở, công trình trên đất lâm nghiệp... UBND huyện sẽ yêu cầu xã báo cáo đầy đủ, sau đó sẽ tham mưu UBND huyện để thành lập đoàn kiểm tra xử lý những vi phạm nếu có.
Xẻ thịt rừng Sóc Sơn: Chủ yếu kiểm điểm, rút kinh nghiệm Nhiều cán bộ thôn, xã ở huyện Sóc Sơn bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì liên quan đến vấn đề quản lý đất rừng ... |
Xẻ thịt rừng Sóc Sơn: Bí thư Hà Nội nói thẳng "Huyện xử lý cả cán bộ, xử lý cả hành chính xong, công trình vẫn còn nguyên. Thế là hôm sau công trình lại nhúc ... |