Có chuyện rằng cách đây 3 năm, vào một đêm trăng sáng, anh X đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa. Anh chồm dậy mở cửa ngó ra nhưng không thấy gì lại quay vào ngủ tiếp. Nhưng chưa kịp chợp mắt lại thấy có tiếng động. Bực mình, anh mở hẳn cửa sổ mặc cho gió lạnh ùa vào. Anh nhìn qua cửa sổ và bỗng toát mồ hôi khi thấy có bóng người mặc áo trắng đứng ngoài cửa nói: “Anh cho xin điếu thuốc, rét quá!”. Người xin thuốc có hình dạng giống người bị bắn 3 ngày trước. Sợ quá, anh X ù té chạy vào trại và kể lại chuyện. Nhiều anh em cho rằng do X thần hồn nát thần tính nhìn gà hóa cuốc… Nhưng các cán bộ quản giáo lâu năm thì lại thông cảm với anh.

Từ xưa đến nay, công việc của những người quản giáo tại trại tạm giam hầu như không mấy người biết. Một phần là do đặc thù công việc của họ rất ít được tiếp xúc với bên ngoài, và thứ nữa là hầu như không mấy ai thích thú, “yêu” nghề coi tù ở trại tạm giam.

Thời Mới xin giới thiệu với bạn đọc phóng sự về “nghề coi tù” của nhà văn Nguyễn Như Phong. Phóng sự này đăng năm 1998 trên báo An ninh Thế giới và đã được giải thưởng báo chí của Bộ Công an viết về đề tài bảo vệ an ninh tổ quốc.

I - Những người coi mả tù

Đêm. Mưa phùn bay mờ trời đất, ánh trăng suông tỏa nhợ nhạt trên khu trường bắn. Nếu không có tiếng ì ầm của xe chở rác thì ta dễ nghĩ nơi này là ở vùng rừng núi nào đó.

Chúng tôi ngồi trong căn nhà nhỏ nằm cách nơi tử tù phải đứng dựa cột chỉ vài chục bước chân với chai rượu “cuốc lủi” nồng hơi cồn và đĩa lạc rang.

- Uống đi anh. Thú thật bọn tôi ở đây thỉnh thoảng cũng làm vài chén rượu cho vui và cũng là dùng rượu để chống lại sự ô nhiễm ở đây - Đại úy Hòa một người có gương mặt khắc khổ nói.

Và như để chứng minh cho lời anh, một cơn gió thốc tới hắt vào mũi, vào miệng chúng tôi cái mùi… cái mùi… không thể tả được. Đó là mùi xú uế bốc lên từ hàng trăm ngàn tấn rác đang chất lên như núi phía bên kia trường bắn. Đống rác đó đang bốc hơi ngùn ngụt như sương mù miền núi và bị rách ra bởi những luồng đèn pha của các xe chở rác đang nối đuôi nhau vào bãi.

Tợp vội một hớp rượu để chặn lại cái mùi khủng khiếp kia, tôi nhăn nhó hỏi anh:

- Ngày nào cũng thế này à?

- Hôm nào có gió đông nam thì đỡ. Khổ nhất là khi có giáo tây hay trời im gió. Những khi ấy, dù có phi hành mỡ cho cháy cạnh đổ vào bát cơm cũng không át được mùi rác. Về nhà tắm kỹ rồi mà vợ còn khiếp không dám nằm gần… Anh tính, ngày nào cũng coi như được “ướp hương” còn gì là người nữa!

Ngừng một lát, anh thở dài:

- Vậy mà hằng ngày vẫn có một trăm năm chục con người đang lặn ngụp trong đống rác đó để bới từng cái vỏ lon bia, từng mảnh nilon. Ờ mà lạ thật, bọn trẻ con được sinh ra và lớn lên ở bãi rác cứ phải lăn vào đời để mà sống, mà tồn tại, đứa nào cũng béo trùng trục. Nói thực với anh, nhiều lúc chán nản quá, tính xin bỏ về quê nuôi gà những nghĩ đến hai mươi mấy năm ăn cơm gạo của Nhà nước lại thấy tiếc. Vả lại, vợ con ở nhà còn lấy lon đại úy của mình để mở mày mở mặt với hàng xóm, với họ hàng vì mình là người của Nhà nước, là cán bộ công an hẳn hoi. Nay bỏ về hay nhỡ bị kỷ luật phải rẽ ngang, nhục thân mình đã đành nhưng còn khổ vợ con nữa. Trông lên thì chẳng bằng ai nhưng ngó ra xã hội còn hơn nhiều cảnh ngộ… Cứ như vậy mà làm thôi anh ạ!

Một anh đứng dậy lấy trên nóc tủ xuống một túi cam, quýt và mấy phẩm oản rồi bày ra đĩa:

- Lộc đấy!

- Lộc gì? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

- Chiều nay chắc có gia đình nào ra thắp hương cho người thân mới bị bắn, khi về họ gửi lại cho anh em các thứ này. Nhiều gia đình khi đến viếng và đắp mộ cho người thân của họ thường tạt vào cảm ơn anh em và họ cho… lộc. Nhưng cũng có nhà họ chửi công an từ lúc đến tới lúc đi. Chửi tàn tệ cơ, nghe tức lắm và chúng tôi muốn mắng cho họ một trận rằng, con cháu các ngwoi không muốn làm người lương thiện, muốn cướp của giết người, muốn buôn “cái chết trắng” cho đồng loại thì phải chịu hình phạt của pháp luật. Nhưng nghĩ lại gia đình họ trong lúc cùng quẫn thì chấp làm gì, nên đành nín chịu, cũng có lần chúng tôi giải thích, họ nghe thì tốt, bằng không cũng đành im lặng cho qua.

***

Trong biên chế, tổ trông coi trường bắn chỉ có hai người.

Công việc của họ chỉ đơn thuần là bảo vệ, đừng để cho kẻ nào đến phá phách, đừng để ai đến chăn trâu cắt cỏ, không cho ai đến đem xác những người bị bắn về. Rồi họ phải làm thế nào đó để những cuộc thi hành án được diễn ra suôn sẻ, không có việc náo loạn pháp trường, thậm chí đề phòng cả chuyện cướp tù nhân hay dùng chất nổ tấn công trường bắn. Tất nhiên còn có nhiều lực lượng khác cũng làm việc đó, nhưng họ phải ở đấy. Họ là “chủ” mà các đơn vị khác là “khách” - mà chủ thì trách nhiệm bao giờ chả lớn.

nghe coi tu ky 1
Một nữ quản giáo tại trại giam Hà Nội

Khi biết rằng Trại tạm giam Hà Nội phải có một tổ trông khu mả tù, cũng có nhiều người cho rằng không cần thiết, là nhiêu khê vì chết là hết, ai lại đi phá mồ mả bao giờ. Vả lại, những người chết này lại là những người không được phép sống. Mọi sự cũng không đơn giản như thế. Ngày xưa, khi trường bắn còn ở Yên Sở, đã có lần nửa đêm gia đình người bị bắn đến lén đào xác mang đi nơi khác. Mà trong những người bị tử hình, nhiều người có gia đình ở xa, nhỡ xảy ra chuyện mất xác thì giải thích thế nào đây? Cho nên sau khi thi hành án, anh em phải trông ít nhất là cả một tuần sau đó. Có thế mới loại trừ được những kẻ có ý đồ xấu lấy xác đem đi.

Chính vì thế mà họ phải chứng kiến tất cả những cuộc thi hành án từ A cho tới Z và rồi còn phải chứng kiến đủ mọi chuyện phía sau đó: những cảnh khóc lóc, những giọt nước mắt đau đớn, những nỗi khổ đè nặng lên vai người sống. Kẻ chết rồi biết gì đâu, còn hậu quả thì người thân của họ phải gánh. Trước những nấm mồ ở đây, hầu như không có vòng hoa, không có điếu văn, không kèn không trống, chỉ có những giọt nước mắt tưới lên mồ người chết.

Ban ngày, khu vực này vui hơn vì có phạm nhân ra trồng cây, đóng gạch và có anh em công an khác. Đến chiều, mọi người về hết và ở khu đất rộng mênh mông này chỉ còn có một người. Cách chỗ anh em tổ trường bắn vài trăm mét cũng có một ngôi nhà nhỏ trên mức lều tý chút, trong đó có một anh cảnh sát nằm trông mấy cái máy ép nhựa. Anh cũng cai quản một tổ sản xuất gần hai chục phạm nhân. Hằng ngày, họ mua nilon của những người bới rác về chế biến thành hạt nhựa tái sinh.

Họ gác đêm ở đây không phải là mươi ngày hay vài tháng mà đã hàng năm rồi.

Trường bắn Cầu Ngà nằm cách Trại tạm giam Hà Nội không đến cây số. Chả hiểu vô tình hay cố ý mà trường bắn nằm trên khoảng đất mà con đường dẫn tới trường bắn là con đường độc đạo và là đường… cùng. Phạm nhân đã phải đưa đến đây là chỉ có một đường ở lại, có thế thôi. Hai phía là sông, một bãi rác và một phía là trại tạm giam.

Gọi là khu trường bắn cho có vẻ nghiêm chứ thực ra cũng chẳng có tấm biển nào đề như vậy, cũng chẳng có quy định nào được thông báo cho mọi người. Duy nhất ở lối rẽ xuống có một biển hiệu hình tròn ghi dòng chữ “Khu mộ phạm nhân”.

Ngày xưa, đây là nơi bỏ hoang và chỉ để lấy đtá nung gạch. Đào mãi lấy mãi, cuối cùng thành cái hồ lớn sâu hàng chục mét. Một phần hồ được ngăn cho khu trường bắn còn hai phần được lót nilon chống thấm và đổ rác. Chất độc của rác ngấm sang khiến trong hồ không có con cá, con tôm nào sống nổi. Trường bắn được quy hoạch rộng ngót hai hécta, nhưng nơi để dựng cột cho tử tù dựa vào và nơi chôn họ chỉ có vài trăm mét vuông. Những ngôi mộ được xếp hàng dọ và có 27 ngôi cả thảy, nhưng vừa có 6 ngôi đã cải táng. Theo tính toán của anh em thì hiện trong trại tạm giam còn có hơn hai chục người đang thấp thỏm chờ ngày gọi ra đây. Như vậy sẽ có khả năng… thiếu đất!

Trại tạm giam Hỏa Lò chuyển về nơi này tháng 3-1993 thì tháng 4 năm đó người “xông đất” trường bắn là tử tù Huỳnh Thức; người cuối cùng của năm 1997 là Triệu Tiến Đệ; còn năm 1998 là bảy người đầu tiên trong vụ buôn bán hêrôin trong số 27 tử tù đã “nhập tịch” tại đây. Cũng có một số người mà chỉ có anh em công an thắp cho nén nhang còn không thấy gia đình, không thấy bạn bè lai vãng tới. Tôi đến trường bắn lần đầu tiên là vào cái buổi nửa đêm về sáng ngày 5-3 và tôi sợ đến “vãi linh hồn” khi thấy bảy tử tù bị trói vào cột trong màn mưa giăng giăng dưới ánh đền pha vàng vọt… Vì vậy, tôi hết sức khâm phục sự chịu đựng của anh em ở đây. Đúng là họ phải có thần kinh thép.

Có chuyện rằng cách đây 3 năm, vào một đêm trăng sáng, anh X đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa. Anh chồm dậy mở cửa ngó ra nhưng không thấy gì lại quay vào ngủ tiếp. Nhưng chưa kịp chợp mắt lại thấy có tiếng động. Bực mình, anh mở hẳn cửa sổ mặc cho gió lạnh ùa vào. Anh nhìn qua cửa sổ và bỗng toát mồ hôi khi thấy có bóng người mặc áo trắng đứng ngoài cửa nói: “Anh cho xin điếu thuốc, rét quá!”. Người xin thuốc có hình dạng giống người bị bắn 3 ngày trước. Sợ quá, anh X ù té chạy vào trại và kể lại chuyện. Nhiều anh em cho rằng do X thần hồn nát thần tính nhìn gà hóa cuốc… Nhưng các cán bộ quản giáo lâu năm thì lại thông cảm với anh.

Tôi rụt rè hỏi anh Hòa hệt như trẻ con hỏi người lớn:

- Ngủ đêm ở đây, anh có sợ không?

- Có lúc sợ, nhưng chủ yếu là buồn, nhất là những khi mất điện. Anh thấy đấy, trên đời này làm gì có công việc nào buồn hơn là trông coi nghĩa địa. Đã là nghĩa địa thì ắt là vắng vẻ, quạnh hiu, là người sống ở với người chết… Nhưng đây không những là nghĩa địa mà lại còn là nơi thi hành những bản án nghiêm khắc nhất. Chúng tôi phải nhìn cảnh họ chết đã là khủng khiếp nhưng rồi lại phải canh họ, mà lại ở cạnh những người chỉ được coi là lương thiện khi đã… nằm xuống. Họ chẳng phải là đồng đội, chẳng phải là người để mình kính trọng mà có động lực tinh thần nào đó, chăm nom phần mộ cho họ. Nhưng ngày rằm, mồng một, chúng tôi cũng thắp cho họ nén hương… Nghĩa tử là nghĩa tận mà! Vả lại, bây giờ chắc dưới âm phủ thì họ cũng phải tử tế rồi.

*

* *

Nếu như ban đêm trong khu trường bắn ảm đạm đến rợn tóc gáy thì ban ngày lại có vẻ… tấp nập hơn. Vẫn những đoàn xe chạy vào trút rác, vẫn những người mũ nón sùm sụp bới móc ở bãi rác và tại khu trường bắn thì có những phạm nhân lao động trồng cây, đẽo gạch, chạy máy ép nhựa… Các anh trong tổ trông coi trường bắn đưa tôi đi thăm toàn bộ khu vực và vẽ cho tôi tháy “tương lai” của nó, ấy là sắp tới Công an thành phố sẽ đầu tư vào đây, xây dựng thành nơi cho cán bộ chiến sĩ bắn tập. Hệ thống tường rào sẽ được xây lại, nơi dành cho cán bộ theo dõi thi hành án được lợp lại mái, và dĩ nhiên khoảnh đất nhỏ dành cho các tử tù đứng dựa cột cũng được làm khác đi. Trường bắn phải là nơi thể hiện sự nghiêm khắc và có tác dụng răn đe kẻ khác.

Thấy đất đai còn rộng nhưng chẳng có bóng con gà, con chó, tôi hỏi anh Tuấn:

- Sao các anh không chăn nuôi thêm cho vui mắt?

Mọi người cười ồ lên. Hóa ra, khu trường bắn bị ô nhiễm đến mức chỉ có ruồi, lợn và... người sống nổi. Ruồi ở đây được anh em gọi là “ong nội”. Chúng phát triển nhiều đến mức không còn cách gì “kế hoạch hóa được”. Chuyện cho rằng có anh đến đây ngồi uống bia, một con ruồi sa vào cốc bia, anh ta mừng rú lên “có lộc rồi” và ngửa cổ nốc cạn. Cốc bia sau được rót ra, anh ta chưa kịp uống thì cả một “đàn” dăm con lao vào... Thế là anh ta ói luôn ra bia và con ruồi “lộc” kia.

Ruồi ở đây lì lợm đến mức đuổi ruồi không thèm bay. Mùa hè, nhiều hôm anh em phải ăn cơm trong màn. Thỉnh thoảng bên công ty môi trường phun thuốc khử trùng, ruồi chết như rắc đậu đen trên mặt đất. Gà ăn phải ruồi ngấm thuốc cũng phình diều ra mà... toi. Anh em cũng cố gắng nuôi chó để cho đỡ quạnh nhà nhưng con nào giỏi thì sống được ba tháng rồi cứ chảy nước mắt, chệnh choạng đi như gã say rượu và lao xuống hồ, lặn vài ngày mới thấy nổi phềnh lên! Chó, gà không sống được thì nuôi chim - nghĩ vậy anh em đi mua khiếu về nuôi. Nhưng cũng chỉ sau vài ngày hít... hương bãi rác, khiếu ta cũng mỏi cổ, câm bặt rồi không ăn uống và rũ xuống.

nghe coi tu ky 1
Ảnh minh họa (Nguồn: Zing)

Sống trong môi trường ô nhiễm đến như vậy mà anh em ngoài mức lương cơ bản còn không được một xu bồi dưỡng độc hại, thật buồn thay!

Nói đến khu trường bắn và những công việc của họ không thể không nhắc đến một người - đó là Trung tá H. (Tôi xin phép không nói tên ông). Có lẽ ông là một trong số rất ít người của lực lượng Công an chưa được phép nghỉ hưu mặc dù đã đến tuổi. Ông là quản giáo đến nay đã ngót 40 năm và là người am hiểu lịch sử Trại tạm giam Hỏa Lò từ năm 1954 cho tới nay hơn ai hết. Vì vậy, Ban giám thị trại đang có ý mời ông viết lại lịch sử của trại. Trước kia ông làm cảnh vệ rồi làm quản giáo, nhưng từ năm 1976 cho đến nay ông còn phải làm thêm một công việc khác: chuẩn bị và kết thúc một bản án tử hình.

Thế đấy bạn đọc, trong công an có những người đang phải làm những công việc mà không có sách vở nào nhắc đến, không có lớp nào dạy tới. Những người coi tù… chết tuy nặng nề trong tâm tưởng nhưng công việc của họ lại không thể so sánh được với những người đang trông coi tù… sống về sự phức tạp.

(Còn nữa)

nghe coi tu ky 1 Nghề coi tù (Kỳ 2)

Có một phạm nhân chết và được chôn tại nghĩa trang Văn Điển. Được gần một tháng rưỡi thì bỗng có lệnh của Viện Kiểm ...

nghe coi tu ky 1 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ cuối)

Được những người có trách nhiệm trong cuộc chuyển tù “tham vấn”, Thượng tá H. bảo: Phải chuyển vào lúc 10h đêm thứ Ba, ngày ...

nghe coi tu ky 1 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1)

Trong lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, chắc chắn rằng chưa có một cuộc chuyển phạm nhân nào có quy mô lớn như ...

nghe coi tu ky 1 Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Kết luận giám định làm rõ cái chết của nữ y tá xấu số (Kỳ 5)

Những người tham gia cuộc khai quật ám ảnh vì thi thể đã chôn cất gần 100 ngày, từ việc lấy mẫu phẩm cho đến ...

nghe coi tu ky 1 Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới