Có một phạm nhân chết và được chôn tại nghĩa trang Văn Điển. Được gần một tháng rưỡi thì bỗng có lệnh của Viện Kiểm sát yêu cầu khai quật tử thi để giám định pháp y nguyên nhân dẫn đến cái chết. Mới đọc lệnh mà ông H. thấy lạnh sống lưng. Ai cũng biết là sau hơn bốn mươi ngày, xác chết đang thời kỳ phân hủy rất mạnh, nay phải khai quật… thật không thể chịu nổi! Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, không được bàn cãi...

Từ xưa đến nay, công việc của những người quản giáo tại trại tạm giam hầu như không mấy người biết. Một phần là do đặc thù công việc của họ rất ít được tiếp xúc với bên ngoài, và thứ nữa là hầu như không mấy ai thích thú “yêu” nghề coi tù ở trại tạm giam.

Thời Mới xin giới thiệu với bạn đọc phóng sự về “nghề coi tù” của nhà văn Nguyễn Như Phong. Phóng sự này đăng năm 1998 trên báo An ninh Thế giới và đã được giải thưởng báo chí của Bộ Công an viết về đề tài bảo vệ an ninh tổ quốc.

II - Người chuyên nghề… liệm xác

Khi nghe các anh trong Ban giám thị Trại tạm giam Hà Nội kể về Trung tá H., tôi hình dung ra đó là một người gầy còm, đi lại chậm chạp, lặng lẽ như cái bóng và dĩ nhiên trên nét mặt của ông luôn phảng phất một nỗi buồn “thường trực”. Và tôi mang trong đầu hình ảnh đó đến nhà tìm ông vào một buổi sáng chủ nhật. Ông đang làm vườn. Nhìn mảnh vườn rộng đến hàng trăm mét vuông nhưng cây cối lôm côm, chỗ này vài cây quất, chỗ kia mấy gốc đào; còn hoa hồng, thược dược… mọc chẳng hàng lối, điều đó chứng tỏ ông trồng cho vui chứ không có ý định thực hiện VAC. Và ngay từ phút đầu tiên gặp ông, tôi thấy xấu hổ cho những suy nghĩ của mình. Ông nhanh nhẹn, tươi tỉnh, nói năng đĩnh đạc và có tư thế của người từng trải. Năm nay ông đã 61 tuổi mà còn phong độ thế này, ngày xưa hẳn cũng “khối cô chết, nhiều cô bị thương”. Đến lúc nói chuyện thì mới biết đúng là vì có cô “chết”, có cô “bị thương” thật cho nên bước đường thăng cấp hàm của ông lắm phen gập ghềnh.

- Tôi chuyển về Đội Cảnh sát bảo vệ (CSBV) của Trại Hỏa Lò từ năm 1969 và phụ trách phân đội 5 - Ông kể - Về hôm trước thì hôm sau tôi được giao nhiệm vụ đưa một phạm nhân đi viện vì bệnh sơ gan cổ chướng. Vào viện được hai ngày thì anh ta chết. Thế là phải trưng cầu pháp y để giám định nguyên nhân cái chết. Lúc họ mổ tử thi, tôi chuồn ra ngoài, nhưng một ông ở Viện kiểm sát gọi lại và bắt phải chứng kiến. Họ giám định xong, khâu vết mổ lại rồi nói gọn lỏn: “Xong rồi, anh giải quyết nốt nhé!”. Nhìn người phạm nhân nằm trên bàn với đường dao mổ khủng khiếp, bỗng tôi thấy thương anh ta vô hạn và không biết gia đình anh ta sẽ đau đớn thế nào khi nhìn thấy người thân trong cảnh này. Nghĩ vậy, tôi liền rửa sạch sẽ cho anh ta, mặc cho anh ta bộ quần áo mới sau đó mới mời gia đình đến và khâm liệm.

Ở một trại giam như Hỏa Lò ngày ấy, công việc của anh CSBV thật “không giống ai”, Canh gác trại chỉ là việc nhỏ, ngoài ra là dẫn phạm nhân đi xử, áp tải phạm nhân chuyển trại, phạm nhân ốm đi bệnh viện cũng CSBV đi gác, phạm nhân chết cũng CSBV lo giải quyết hậu quả, rồi gặp gỡ, giải thích cho gia đình người không may cũng CSBV… Về nguyên tắc, mỗi khi có phạm nhân chết, người giải thích lý do cho gia đình người xấu số là Viện kiểm sát. Nhưng vì người dân không biết thủ tục này nên cứ nhè công an mà hỏi.Từ chối thì không đành… thế là thành quen.

Vào những năm từ 1978 - 1986, chuyện phạm nhân ốm chết trong trại không còn là chuyện hiếm. Do đời sống quá ư thiếu thốn, đến cán bộ còn ăn bo bo, ăn cơm độn khoai tây, thậm chí còn có khi phải lấy phân đạm thay cho tiêu chuẩn gạo thì chuyện phạm nhân bị đói, bị thiếu và dẫn đến suy kiệt, phát bệnh phát tật là lẽ không tránh khỏi.

Vì vậy, không mấy ngày là ông không đụng chạm đến chuyện chết chóc. Thấy ông không sợ chết, không lo ngại và có tinh thần trách nhiệm với gia đình phạm nhân nên ban chỉ huy thường giao cho ông đi khâm liệm, mai táng người bị chết. Nhiều gia đình có người bị chết khi biết ông chu đáo như vậy đã đến cảm ơn ông.

Nói chuyện với ông, tôi hết sức ngạc nhiên về trí nhớ tuyệt với của ông. Ông nhớ vanh vách số phạm nhân chết vì ốm, vì tự tử, vì suy kiệt, vì đánh nhau của từng năm, rồi những vụ thi hành án tử hình, thái độ của tử tù ra sao và trong buổi xử bắn có những chuyện gì xảy ra. Cũng vì ông là người chuyên lo khâm liệm, mai táng phạm nhân bị chết cho nên có lần đoàn MIA của Mỹ cứ hỏi ông về những chuyện tù binh là phi công Mỹ bị ốm đau ra sao, đưa đi viện nào, chăm sóc, thuốc thang kiểu gì… Họ hỏi đi hỏi lại theo kiểu hỏi cung, như mong ông có hớ điều gì không. Nhưng sự thật thế nào, ông nói vậy cho nên họ cũng đành chịu và qua ông, họ thực sự tỏ thái độ thán phục Công an Việt Nam.

Mỗi lần phạm nhân chết trong trại là mỗi lần anh em khốn khổ, đặc biệt là trong trường hợp phạm nhân chết vì đánh nhau hay suy kiệt. Có gia đình ngoài đâm đơn kiện cán bộ quản giáo còn không cho mang xác người thân của họ đi mai táng… Có gia đình khi thấy con mình phải mổ tử thi để khám nghiệm, họ xông vào chửi bới thậm tệ, đập phá quan tài. Vì ông H. là người họ biết tên cho nên họ cứ nhè ông mà chửi. Có lần chờ cho gia đình réo chửi mãi, đến khi khản cổ ông mới khẽ khàng hỏi: “Các bác chửi chán chưa, nếu chưa chán thì chửi tiếp, còn thấy chửi cũng không giải quyết được gì thì vào đây, chúng ta nói chuyện. Thú thật với các bác, có người thân bị mất trong hoàn cảnh này, ai chả đau xót. Nếu là tôi, chắc cũng thế thôi!”. Thế là cứ ngọt nhạt, cứ thẽ thọt, lời nói của ông, ánh mắt và thái độ chân tình của ông như mưa phùn tưới xuống đống lửa làm nó tắt dần, tắt dần. Cánh lính trẻ hoặc những anh có máu “Lý Quỳ” phục ông sát đất về sự kiên nhẫn của ông.

Một bận ông sợ phát ốm, ấy là vào năm 1978. Có một phạm nhân chết và được chôn tại nghĩa trang Văn Điển. Được gần một tháng rưỡi thì bỗng có lệnh của Viện Kiểm sát yêu cầu khai quật tử thi để giám định pháp y nguyên nhân dẫn đến cái chết. Mới đọc lệnh mà ông H. thấy lạnh sống lưng. Ai cũng biết là sau hơn bốn mươi ngày, xác chết đang thời kỳ phân hủy rất mạnh, nay phải khai quật… thật không thể chịu nổi! Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, không được bàn cãi, là người lính thì ông phải chấp hành. Vả lại, ông là người lo khâm liệm, mai táng, làm các thủ tục cho nạn nhân thì nay ông phải có mặt để chứng kiến cuộc khám nghiệm đó.

nghe coi tu ky 2
Ảnh minh họa

Những công nhân mai táng đào đến ván thiên thì ù té chạy. Ông H. cùng bác sĩ pháp y lôi xác lên và bắt đầu công việc của người khám nghiệm một cái xác đang bắt đầu thối rữa để tìm dấu vết xem phạm nhân có phải chết do bệnh hay do bị đòn. Ông phải đứng cạnh không những để chứng kiến mà còn cùng bác sĩ pháp y thò tay, dán mắt vào từng bộ phận trên cơ thể để xác định cho chuẩn từng dấu vết kẻo nhầm lẫn, sai lệch thì có mà khối anh khốn khổ. Bác sĩ pháp y có khẩu trang, có mặt nạ, còn ông thì phải bảo hiểm bằng chiếc… khăn mùi xoa. Thời gian như đọng lại. Cuộc khám nghiệm tử thi kéo dài có… ba giờ mà ông tưởng như cả cuộc đời mình đã trôi qua. Cũng phải kính nể sức chịu đựng và ý thức trách nhiệm của các bác sĩ pháp y. Nhiều lúc ông như muốn quỵ xuống nhưng cứ nhìn các bác sĩ đang lục lọi trong đống thịt nát bấy để xác định chứng cứ khoa học, ông lại lấy được dũng khí. Khi công việc kết thúc, ông trở về nhà và người cứ ngây ngất. Bà vợ thấy ông chồng ốm liền quyết tâm mở một hộp thịt kho Trung Quốc - là thứ dùng đễ dự trữ “chiến lược” - bồi dưỡng cho chồng. Vừa nhìn thấy thịt trong bát, ông nôn thốc nôn tháo và lăn đùng ra ốm mất cả tuần. Nhưng sau cú ấy, xác chết đối với ông không còn gì đáng ngại nữa.

Tôi chỉ nghe ông kể mà cũng khiếp. Khi hỏi ông về những lần ông khâm liệm những xác chết của án tử hình, ông thở dài:

- Tôi chỉ mong sao cuộc sống đừng có tội ác để con người ta không bị án tử hình. Anh có tin rằng phải làm cho người khác chết - dù đó là kẻ bị kết án tử hình - cũng là việc rất phức tạp và đòi hỏi những người thi hành án ngoài ý thức trách nhiệm còn phải có tinh thần nhân đạo đối với tử tù không? Chắc anh cũng thấy mỗi lần phải bắn một người sống có da, có thịt là những người thi hành án và những người chứng kiến đều có tâm trạng căng thẳng và buồn đau cho cuộc sống. Ai cũng mong muốn giá họ đừng phạm vào tội ác thì hay biết bao nhiêu.

Tôi thì cũng biết rằng việc thi hành án là việc phức tạp, căng thẳng, là việc chẳng thể đừng của pháp luật, vì thế nó đòi hỏi sự dũng cảm, ý thức trách nhiệm rất cao của những người có mặt, đặc biệt là số anh em trong đội bắn.

***

Ngày trước, việc thi hành án tử hình được giao cho đội CSBV của Trại tạm giam Hỏa Lò. Đơn vị thường chọn những anh em có “gan to mật lớn” đưa vào đội bắn. Anh em thì còn có thể luân phiên nhau nhưng chỉ huy thì không. Lần nào bắn là họ cũng phải có mặt. Nếu không là đội trưởng đội bắn thì cũng có mặt để bảo vệ, dẫn tử tù ra pháp trường rồi trói họ vào cột và còn nhiều việc khác. Vào những năm 70, việc xử bắn thường được tổ chức công khai giữa ban ngày và kẻ nào gây án ở đâu thì đưa về đó bắn.

Mới đầu ai cũng nghĩ rằng việc xử bắn tại chỗ sẽ có tác dụng răn đe kẻ khác, nhưng sau này điều tra kỹ thì thấy tác dụng chẳng là bao mà lại gây tình trạng căng thẳng trong dư luận quần chúng.

Mỗi lần thi hành án, ông thường được giao nhiệm vụ từ chôn cọc, trói, bịt mắt tử tù… Bắn xong, ông phải hạ họ xuống, khám nghiệm xong mới khâm liệm, cho vào quan tài. Cũng có trường hợp đội trưởng đội bắn không cầm nổi khẩu súng ngắn hoặc run tay bần bật, thế là ông phải thay. Khi tử tù phải chết thì làm sao cho họ “đi” càng nhanh càng đỡ khổ cho họ. Ông nghĩ như vậy, cho nên công việc chuẩn bị cho buổi thi hành án phải rất cụ thể, tỉ mỉ. Từ chọn cây tre làm cọc, từng mét dây trói phải kiểm tra, băng vải bịt mắt, dao cắt dây, rồi đèn pin, rồi đạn, rồi súng (khối trường hợp đạn bị xịt… Khi chôn cọc cũng phải biết nơi nào đất cát, nơi nào đất thịt mà chôn cho sâu hay nông. Bất cứ một sơ sẩy nào cũng có thể làm cho buổi thi hành án bị gián đoạn. Mà không có gì ức chế thần kinh của người bị bắn lẫn người chịu trách nhiệm thi hành án bằng cảnh phải chờ đợi.

Một lần ông đi chỉ huy bắn. Đang bịt mắt tử tù thì có tiếng gọi ơi ới: “Ông ơi, ông đừng bịt mắt nó. Để cho cháu nó nhìn chúng tôi!”. Ông ngừng tay quay về phía có tiếng gọi và thấy mấy chục người đang quỳ thụp xuống vái lia lịa. “Xin ông làm phúc, để đức cho con cháu. Nó đáng tội chết, chúng tôi không dám xin. Chỉ xin ông đừng bịt mắt cháu, cho nó được nhìn gia đình lần cuối” - một người cao tuổi hình như là bố đẻ của tử tù nói khẩn khoản với ông. Không còn thời gian để giải thích với mọi người, ông cắn chặt môi đến bật máu và tiếp tục công việc của mình. Chôn cất người bị bắn xong, gia đình người bị bắn trách ông là nhẫn tâm, có yêu cầu nhỏ như vậy mà không cho. Hôm sau ông mới biết kẻ bị bắn là bạn của con ông và nó đã từng đến nhà ông. Còn anh con trai thì bảo: “Bố về đi, đừng có làm việc ấy nữa!”. Câu nói của anh làm ông bần thần đến cả tháng. Thật chả hiểu trời xui đất khiến thế nào mà đang từ một anh trinh sát ngoại tuyến lại phải đi làm cái nghề này. Vẫn biết công an là nghiệp, mà đã là nghiệp thì có phải một chốc một lát mà bỏ được đâu. Nhưng nghiệp thì yêu mà nghề thì không thích. Mà bỏ nghề thì cũng là bỏ nghiệp… Vả lại, nếu ông không làm thì biết đùn đẩy cho ai. Chả lẽ lại đẩy cho anh em khác? Nghĩ vậy, ông day dứt khôn nguôi.

Từ năm 1988, ông không còn làm CSBV nữa mà chuyển sang đội hậu cần. Những tưởng từ nay ông sẽ thoát khỏi công việc nặng nề và hay phải nằm mơ thấy nó, nhưng không, cấp trên vẫn giao cho ông phải giải quyết những công việc của một buổi thi hành án và những việc mai táng, khâm liệm phạm nhân bị chết. Nhiều anh lính trẻ khi nhìn ông khâm liệm người chết với thái độ hết sức cẩn thận, chu đáo đã phải ngạc nhiên. Ông làm những công việc ấy cứ như đó là người thân của mình. Ông hay giải thích với anh em rằng: “Người ta chết là hết tội. Mình cần phải chăm sóc họ để họ về bên kia được an lòng, và cũng để người sống đỡ đau khổ”. Ông không mê tín, hoàn toàn không mê tín và ông chỉ tuân theo một nguyên tắc là khi việc không thể không làm thì phải làm cho hết lòng, cho có đạo lý.

Khi hỏi về những điều may rủi trong cuộc đời, ông cười nói:

- Ai mà chả nhiều lần không gặp may trong đời. Nhiều khi gặp sự không may sau khi thi hành án thế là cho rằng bị ám, bị rủi, tôi không nghĩ như vậy. Như tôi cũng khối chuyện, tỷ dụ như chuyện ngày trước, cứ 3 năm Chiến sĩ thi đua thì được nâng lương trước một năm, nhưng đến khi mình 10 năm Chiến sĩ thi đua liền thì chế độ đó lại không có, đây là không may chứ còn gì! Nhưng tôi có cái may là sắp được nghỉ hưu rồi. Mà ở trại tạm giam, ít người được về hưu yên ổn vì cả đời, cả nghiệp ở trại giam, lao tâm khổ tứ và đời sống vất vả lắm.

- Thế bác nghỉ hưu, đã có ai thay làm công việc đó chưa?

- Có rồi, nhưng cũng phải qua một thời gian rèn luyện nữa thì mới quen tay được. Tôi thì cứ nghĩ thế này, những việc mình làm là nhân đạo, thế thì có gì mà phải sợ!

(Còn nữa)

nghe coi tu ky 2 Nghề coi tù (Kỳ 1)

Có chuyện rằng cách đây 3 năm, vào một đêm trăng sáng, anh X đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa. ...

nghe coi tu ky 2 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1)

Trong lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, chắc chắn rằng chưa có một cuộc chuyển phạm nhân nào có quy mô lớn như ...

nghe coi tu ky 2 Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới