Tôi vào khu vực giam những kẻ tội phạm nguy hiểm và tái phạm nhiều lần vào lúc 3 giờ 30 phút chiều. Trong những buồng giam, phạm nhân ngồi có vẻ trật tự lắm. Hôm nay Trại thịt lợn nên trên mỗi bát cơm tù có một miếng thịt lợn to tướng.

nghe coi tu ky 3 Nghề coi tù (Kỳ 1)

Có chuyện rằng cách đây 3 năm, vào một đêm trăng sáng, anh X đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa. ...

nghe coi tu ky 3 Nghề coi tù (Kỳ 2)

Có một phạm nhân chết và được chôn tại nghĩa trang Văn Điển. Được gần một tháng rưỡi thì bỗng có lệnh của Viện Kiểm ...

Từ xưa đến nay, công việc của những người quản giáo tại trại tạm giam hầu như không mấy người biết. Một phần là do đặc thù công việc của họ rất ít được tiếp xúc với bên ngoài, và thứ nữa là hầu như không mấy ai thích thú “yêu” nghề coi tù ở trại tạm giam.

Thời Mới xin giới thiệu với bạn đọc phóng sự về “nghề coi tù” của nhà văn Nguyễn Như Phong. Phóng sự này đăng năm 1998 trên báo An ninh Thế giới và đã được giải thưởng báo chí của Bộ Công an viết về đề tài bảo vệ an ninh tổ quốc.

III - Chuyện của những người coi tù… sống

Tôi chợt nhớ ra lúc trưa, khi ăn cơm với mấy anh em bảo vệ khu trường bắn, thấy có món lòng lợn, tôi hỏi các anh mua ở đâu thì một anh bảo: “Trại thịt lợn cho phạm nhân ăn, vào xin được ít lòng”. Nhìn xuất cơm tù, tôi cam đoan với bạn đọc rằng khá nhiều người dân lương thiện mong được bát cơm đầy như thế này trong mỗi bữa ăn, ấy vậy mà trong trại giam này, nhiều phạm nhân thường chỉ đụng thìa vào bát cơm “cho phải phép”. Họ sống bằng đồ tiếp tế của nhà gửi vào. Mà kể cũng lạ, tôi nhớ ngày xưa, nhà nào có con cái, người thân đi tù thì nhiều khi ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai, còn bây giờ nhiều nhà nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền mua đồ ăn cho con bị tù vì cứ ngỡ rằng: “Nhất nhật tại tù…”. Lại có anh nguyên là cán bộ nhà nước phạm tội bị tù, nhưng cơ quan tổ chức đi thăm như thăm “sếp”… đang nằm viện!!!

Những phạm nhân nhìn chúng tôi bằng con mắt tò mò. Trong buồng giam, kẻ cởi trần phơi tấm lưng xăm trổ vằn vện, đứa diện áo len dài tay may theo mốt mới, kẻ quần đùi, đứa quàng chăn chiên lên tận cổ, lại có những tên béo nung núc, trắng nhễ nhại…

Nếu như ở trường bắn bị ảnh hưởng sự ô nhiễm môi trường của bãi rác thì trong trại giam, ngoài được “hưởng” thứ “hương rác” đó còn có một loại “hương” đặc biệt khác - đó là “hương tù”. Vâng, “hương tù”, mà đặc trưng của nó là mùi mồ hôi, mùi của hàng trăm con người trong một buồng giam bốc ra. Các nhà khoa học khẳng định rằng con người ta không ai có mùi cơ thể giống ai. Vậy là cả trăm thứ “không giống ai” ấy cùng tỏa ra một lúc và cứ thế ngày đêm tống thẳng vào mũi, vào miệng cán bộ quản giáo. Phạm nhân thì chỉ phải chịu cái thứ ô nhiễm “đúp” trong vài tháng, thậm chí một năm là cùng, nhưng quản giáo thì… vô thời hạn. Chả thế mà tỷ lệ người bị nhiễm lao của cán bộ trại giam còn cao hơn công nhân mỏ than. Xưa kia khi còn ở Hỏa Lò cũ, có đến gần 90% cán bộ bị nhiễm lao. Từ ngày về đây, trại xây mới có rộng rãi hơn, công tác vệ sinh có khá hơn nên tỷ lệ nhiễm lao đã giảm đáng kể.

Tôi hỏi một buồng trưởng:

- Mỗi tháng, mấy lần các anh được ăn thịt lợn như thế này?

- Dạ, thưa Ban, tuần một lần ạ. Nhưng thịt kho nhạt, hơi nhiều mỡ nên chúng cháu không thích. Giá có nhiều thịt nạc thì dễ ăn hơn.

Một quản giáo bảo tôi:

- Lát nữa anh sẽ thấy một phần ba số cơm này sẽ được đem cho lợn.

- Sao không nấu bớt đi cho đỡ lãng phí?

- Không được, nếu bát cơm vơi đi chút ít, không khéo có đơn kiện ngay.

“Lại sợ kiện” - tôi thầm nghĩ - chả hiểu sao mà các “bố” quản giáo này sợ kiện thế. Trong lúc làm việc với các anh trong Ban giám thị, tôi thấy chữ “kiện” luôn được nhắc đến với sự sợ hãi thật sự. Tôi hỏi Đại úy Phan Đức Tiến, người đã có thâm niên cao về trông coi phạm nhân nguy hiểm và tử tù, anh cười buồn:

- Làm quản giáo ở trại giam luôn bị ám ảnh những chuyện như thế này: sợ phạm chết, dù chết dưới bất cứ lý do gì, sợ phạm đánh nhau, sợ phạm thông cung, sợ phạm trốn… Rồi sợ phạm nhân kiện vì chỉ cần gói quà gửi cho ai đó có mười quả quýt mà phạm nhân chỉ nhận được có… chín là sinh chuyện rồi. Báo cáo, giải trình, kiểm điểm… ôi mệt lắm! Nhưng sợ quá, hóa khổ.

Đúng là khổ quá như trường hợp sau đây là ví dụ điển hình. Tử tù Nguyễn Văn Thành chờ đến gần 5 năm mà “không được dựng dậy lúc ba giờ sáng”, chán đời quá bèn nhịn ăn để… chết. Khi thấy hắn suy kiệt, Ban giám thị sợ hắn chết. Nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng phạm nhân đã bị kết án tử hình thì nếu rủi có chết vì bệnh tật cũng là cái may cho chúng, nhưng với quản giáo thì hoàn toàn ngược lại. Họ phải chăm nom sao cho tử tù phải sống để chịu hình phạt của pháp luật. Vả lại, nếu tử tù được ân giảm thì chả tốt hơn ư? Vì vậy, Ban giám thị liền động viên và mua thuốc bổ cho hắn. Nhưng hắn suy kiệt nặng, các loại vitamin đơn thuần không có giá trị gì, bàn tính mãi, cuối cùng Ban giám thị quyết định tiêm cho hắn loại thuốc bổ H5.000, là thứ đắt tiền. Được dùng thuốc tốt, hắn khỏe và sau được giảm xuống chung thân, hắn cứ ôm chân Tiến mà khóc. Nhưng chả hiểu từ đâu có tin Ban giám thị mua thuốc H5.000 sử dụng bồi bổ sức khỏe cho nhau nhưng lại… quyết toán cho phạm. Thế là thanh tra xuống xác minh. Phúc nhà của ông Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc còn to như cái đình vì Nguyễn Văn Thành không chết, còn sống và nhớ rất rõ loại thuốc đã được tiêm, vì vậy Ban giám thị được minh oan, nhưng cũng khổ vì phải giải trình biết bao nhiêu cấp.

Hai phạm nhân có án tù được ra lao động tự giác đẩy một cái xe cải tiến chất đầy đồ tiếp tế nào. Cuộc khám xét đồ bắt đầu.

Những phạm nhân có đồ được gọi ra và xếp thành hai hàng. Cán bộ quản giáo gọi đến tên ai thì người đó ra nhận đồ và ký vào giấy là đã nhận đủ, sau đấy người quản giáo mới kiểm tra.

Người quản giáo mở một túi quà và xếp từng thứ ra tấm phản. Bánh chưng được cắt ra làm tám, bánh mì được xẻ làm đôi, rồi thịt rang, rồi cá rán, rồi bánh bích-quy, rồi chuối, cam, quýt và rau. Anh phải cắt, phải sờ, phải nắn, phải nhấc từng viên kẹo lên như thể cân xem nó có nặng hơn hoặc nhẹ hơn bình thường. Anh làm những việc đó nhanh nhưng cẩn thận và hoàn toàn tôn trọng những đồ ăn đấy. Anh đổ một gói rau muống xào tỏi ra đĩa và nắn những cọng rau. Bỗng anh nhếch mép cười nhạt xé đôi một cọng rau và lấy ra một ống nilon trong đó có lá thư viết chữ bé li ti. Biên bản được lập, còn gã kia mặt buồn rười rượi. Một lần bị bại lộ thế này, gã biết rõ là cơ hội cho lần sau chỉ còn là “một phần nghìn hy vọng”.

nghe coi tu ky 3
Một phạm nhân có vợ đến thăm

Phạm nhân bị giam thì ở ngoài có đến “ngàn lẻ một” cách gửi thư hay những thứ khác vào tù.

Thư từ được giấu trong điếu thuốc lá, trong cọng rau muống, trong gấu áo, trong bánh chưng…

Thuốc phiện được giấu trong khúc dồi lợn. Hêrôin được giấu trong kẹo, được pha thành nước lã và bơm vào chai nước Lavie.

Một chiếc đùi gà luộc béo ngậy, vàng ươm nhưng có lần chặt đôi ra lại thấy có lưỡi cưa thép. Hóa ra là họ mua đùi gà sống, nhét đoạn lưỡi cưa vào trong rồi mới đem luộc, vì thế nhìn bên ngoài cái đùi gà vẫn “din”.

Phạm nhân đi xử án về, trong cái miệng chào lí nhí kia có thể có trăm ngàn đồng đang “nấp” trong đó.

Rồi có phạm nhân giấu tiền trong… hậu môn. Cán bộ quản giáo lại phải khám và lấy tay mà… moi ra.

Tôi hỏi Đại úy Tiến rằng không có máy móc gì giúp phát hiện được các thứ đồ cấm như dao, lưỡi cưa hay sao?

- Có máy soi, máy dò, nhưng không dùng được. Anh tính kẹo nào mà chả bọc giấy bạc, cho nên chuông réo nhức cả tai. Vả lại chất lượng máy tậm tịt lắm. Bọn tôi đã thử bằng cách là bắt quân ta cởi trần, mặc quần đùi và gí vào máy dò. Chuông réo nhặng cả lên. Ông Hoắc bảo, chả lẽ ngày xưa ông này đi bộ đội, trong người còn bom bi, hay bác sĩ mổ ruột thừa quên… kéo? Còn máy soi thì cũng chả hơn gì, cuối cùng, phải nhờ mắt, nhờ tay, nhờ sự nhạy cảm của người quản giáo… Khám tìm thấy thì chả có vấn đề gì nhưng nếu để lọt thì lại khổ. Mà anh thấy, mỗi ngày anh em phải khám không dưới 40 túi quà… Ngày tết, ngày lễ thì gấp hai, gấp ba lần.

Đại úy Huyên, Tổ trưởng quản giáo K6-8 mời chúng tôi vào phòng trực của các anh. Phòng trực chỉ có một chiếc bàn, hai ghế và không có giường. Khi tôi hỏi các anh là tại sao không sắm thêm chiếc giường để lúc nào mệt thì ngả lưng, anh em cười ầm lên. Và công việc của người quản giáo vào ban đêm có lẽ tai phải hoạt động nhiều hơn mắt. Thần kinh của họ lúc nào cũng căng như dây đàn vì bất cứ một tiếng động nào khác lạ trong các buồng phát ra là họ phải lao đến ngay lập tức.

- Căng thẳng lắm các anh ạ - Đại úy Huyên tâm sự - Ở trại suốt ngày phải đối phó với đủ thứ trò ma giáo của phạm nhân, về đến nhà là nhẹ người. Nhưng hôm nào vợ con gây bực mình thì đến khổ!

Một quản giáo kể:

- Em đã có lần phải bảo vợ: “Cô thích choe chóe thì xuống cầu thang mà choe chóe. Còn nếu muốn sống với tôi thì xin im lặng cho”.

Chúng tôi sang khu giam phạm nhân nữ và tưởng như mình lạc vào chợ Đồng Xuân. Cán bộ quản giáo khu phạm nhân nữ ngoài sự bị ô nhiễm hơi độc còn bị ô nhiễm âm thanh. Người ta bảo chỉ ba mụ đàn bà với một con vịt là thành chợ, vậy mà ở đây là hàng trăm… mụ, rõ là thành chợ lớn còn gì! Già đầu bạc, còng cưng có, trẻ ranh chíp hôi có, cũng mặc đủ kiểu và nhiều ả còn phấn son như sắp ra… vũ trường. Với nghề coi tù thì coi tù đàn bà khổ hơn coi tù đàn ông. Đàn ông phạm những loại tội gì thì đàn bà cũng “rứa”, chỉ thiếu mỗi tội… hiếp dâm. Phạm nhân nữ thì nhiều khi đánh nhau đến toạc mặt chỉ vì một cái nhìn, một cái bĩu môi, một cái lườm nguýt. Vũ khí được các ả ưa dùng là… mười vuốt, và ngón võ quen thuộc là “quạ trảo, ưng trảo”. Họ nói suốt ngày, hầu như chỉ im lặng khi ngủ. Tại các buồng tù nữ, chúng tôi gặp Nguyễn Thị Hoa, Tạ Thị Hiển, Nguyễn Thị Lụa… Hoa bây giờ đã khỏe và cười tươi như hoa. Có lẽ sau ngày 7 “chiến hữu” ra pháp trường, bây giờ Hoa mới thấy giá trị của mạng sống.

Khi ra về, tôi bắt tay đại úy Hà Thị Thành và chợt thấy gai ở bàn tay. Tôi xin phép được xem lại ngón tay trỏ của chị. Hóa ra là có vết chai dầy cộp. Hiểu sự thắc mắc của tôi, chị hỏi:

- Anh có biết tại sao lại chỉ riêng ngón tay trỏ, mà lại ở mé ngoài ngón bị chai không?

Tôi suy nghĩ rồi lắc đầu. Chị giải thích:

- Hằng ngày phải cầm dao để kiểm tra đồ tiếp tế đấy.

Tôi lặng người đi không biết nói gì nữa với người quản giáo đã ngót hai chục năm quản tù này.

Các anh chị ở khu giam phạm nhân nữ đưa chúng tôi đi thăm buồng giam của những phạm nhân đang chờ thi hành án tử hình. Tại buồng giam của Phạm Thị Hiệp, chúng tôi thấy có rất nhiều sách báo. Hiệp nằm có đệm, có chăn len và có… hai phạm nhân là nữ “phục vụ”. Từ hôm Lại Thị Ngấn ra pháp trường, tử tù là nữ còn lại có mình Hiệp.

- Cháu sợ lắm cán bộ ơi! - Hiệp nói - Đêm nào cháu cũng thức giấc lúc gần sáng.

- Vậy thế lúc chị mang hơn năm ki-lô-gam hêrôin ra nước ngoài chị có nghĩ đến như ngày hôm nay không? - Tôi hỏi lại và Hiệp im lặng.

Trông coi tù tử hình cũng là một công việc có lẽ không có trong sách nào cả.

Phạm nhân bị tử hình cũng có nhiều loại. Có loại gầm gào chửi rủa suốt ngày và rình cơ hội… tấn công quản giáo. Đã có quản giáo khi vào kiểm tra, do sơ ý đã bị tử tù miệng thì cười cười “Chào cán bộ” nhưng tay lại vươn ra, bóp vào chỗ hiểm, kêu oai oái. Có tử tù mài nhọn bàn chải đánh răng, chờ cán bộ vào là “xin pha” tức là chọc vào mắt anh em; có tử tù để sẵn bô phân và hắt ngay ra khi quản giáo vừa mở cửa. Nhiều kẻ hung hãn là thế nhưng cũng đã mềm lòng trước anh em quản giáo và khi ra pháp trường đã cảm ơn và chúc “cán bộ mạnh khỏe”.

Trước kia tôi cũng nghĩ là anh em cường điệu hóa sự vất vả của nghề coi tù ở trại tạm giam, nhưng hóa ra mọi sự thật còn vượt quá mức tưởng tượng.

Xin nêu một vài con số để bạn đọc tham khảo cho hiểu thêm về nghề quản giáo, một tổ 6 người phải trông 2 buồng (gọi là K) mỗi K lại có 3 phòng giam, mỗi phòng giam có trên dưới 100 phạm nhân (nghĩa là quá tải công suất thiết kế). Ngoài đồng lương quân hàm ra, anh em được hưởng các chế độ như sau:

- Bồi dưỡng độc hại: 50.000đ/tháng (mà lại chỉ quản giáo trong buồng giam mới có, còn như cán bộ khác hau CSBV gác trong trại thì cũng phải hít đủ thứ như vậy nhưng không được).

- Bồi dưỡng trực ca ba: 1.500đ/đêm.

Từ năm 1996, Ban giám đốc CATP Hà Nội trích từ quỹ ra phụ thêm cho anh em khoảng 60.000 đồng.

Tất cả chỉ có vậy, nhưng:

Khám đồ tiếp tế để lọt vật cấm: kỷ luật.

Để phạm nhân đánh nhau: kỷ luật.

Để phạm suy kiệt: kỷ luật.

Để phạm thông cung: kỷ luật.

Để phạm chết: Không phải kỷ luật nữa mà là ra tòa án.

Để phạm trốn thoát: Không phải kỷ luật nữa mà là… vào tù thay.

Chính vì vậy mà cán bộ bị kỷ luật của trại tạm giam bao giờ cũng cao hơn các đơn vị khác. Anh em ở trại tạm giam nhại câu đối của cụ Phạm Thái ngày xưa rằng: “Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ. Không mắc vòng kỳ luật… đếch ra người”.

Do suốt ngày phải sống trong bốn bức tường trại giam với đồng lương như vậy, cho nên hầu hết cán bộ của trại giam rất nghèo. Và sau vài ngày điều tra, tôi cũng liệt kê ra được trong số hơn ba trăm cán bộ, chiến sĩ của trại có bao nhiêu người phải chạy xe ôm, bao nhiêu người đi đóng than thuê, bao nhiêu anh phải trông vào nguồn thu nhập chính từ… lợn, bao nhiêu anh phải đi gác thuê…!

(Còn nữa)

nghe coi tu ky 3 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1)

Trong lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, chắc chắn rằng chưa có một cuộc chuyển phạm nhân nào có quy mô lớn như ...

nghe coi tu ky 3 Thêm tiết lộ gây sốc về Thọ \'sứt\': Trong tù vẫn hai lần ám sát điều tra viên

Không chỉ tổ chức cho người bắn anh Trần Mạnh Tiến ở Hà Nam, khi đang ở tù, Thọ “sứt” còn thuê người thực hiện ...

nghe coi tu ky 3 Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 2)

Vụ phá trại giam của hai tên Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam cũng là dựa theo cách mà tên Phước "tám ngón" đã ...

nghe coi tu ky 3 Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 1)

Nếu không bắt được chúng, nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học thì không ai có thể tin rằng một ...

Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới