Một buổi chiều, các anh ở đội chính trị dẫn tôi vào trong trại giam để xem các bác sĩ của bệnh viện Công an Hà Nội khám bệnh, phát thuốc cho phạm nhân. Tôi đang chờ ở phòng thường trực để làm thủ tục thì thấy có hai cảnh sát đưa một phạm nhân nữ vào.

nghe coi tu ky 4 Nghề coi tù (Kỳ 3)

Tôi vào khu vực giam những kẻ tội phạm nguy hiểm và tái phạm nhiều lần vào lúc 3 giờ 30 phút chiều. Trong những ...

nghe coi tu ky 4 Nghề coi tù (Kỳ 2)

Có một phạm nhân chết và được chôn tại nghĩa trang Văn Điển. Được gần một tháng rưỡi thì bỗng có lệnh của Viện Kiểm ...

nghe coi tu ky 4 Nghề coi tù (Kỳ 1)

Có chuyện rằng cách đây 3 năm, vào một đêm trăng sáng, anh X đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa. ...

IV - “Trại trẻ”, “Nhà dưỡng lão” và… “Trại tâm thần” trong trại giam

Một người thì tôi quen, anh tên là Tuấn, cảnh sát bảo vệ chuyên dẫn giải. Cả hai cảnh sát đi thất thểu, nét mặt phờ phạc, mắt thâm quầng, còn ả kia thì lại tươi hơn hớn, trên tay chị ta ẵm đứa bé còn đỏ hỏn. Anh cảnh sát trực ban nói như reo lên:

- Đẻ rồi hả, thằng cu hay cái đĩ?

- Cái đĩ - Một anh áp giải trả lời gọn lỏn và ngữ điệu chẳng vui vẻ gì.

Chị ta vạch tấm khăn voan che đứa con ra rồi chìa nó về anh trực ban:

- Này, ông xem cháu đây… Chả mấy chốc mà chạy theo ông đòi kẹo đấy. Cháu ngoan lắm ông ạ! Cứ bú no là ngủ tít.

Anh trực ban thở dài rồi hỏi bâng quơ:

- Thế là trong trại có bao nhiêu đứa trẻ nhỉ?

- Thêm con nhà cháu nữa là mười sáu - Ả nhanh nhảu trả lời.

Chờ cho Tuấn làm thủ tục nhập trại cho hai mẹ con xong, tôi hỏi anh:

- Ả bị tội gì đấy?

- Buôn hêrôin. Bắt cả hai vợ chồng anh ạ. Vào trại được hai tháng thì “vỡ chum”. Bọn em phải đi canh mất bốn ngày, khổ chưa từng thấy.

- Nó đẻ ở viện nào? - Một cảnh sát hỏi.

- Viện C.

- Thế là nhà ông còn may. Viện C sạch chán, chứ vào Phụ sản thì còn khiếp nữa. Tôi đã hai lần đi canh tù đẻ ở Viện Phụ sản rồi, sợ quá! Mà nghĩ cũng lạ, vợ đẻ thì không về được ngày nào, còn tù đẻ thì cứ kê ghế ngồi ngoài cửa ngày này qua ngày khác…

Chúng tôi vào thăm khu bệnh xá dành cho phạm nhân tưởng như mình lạc vào một khu vườn trẻ nào đó. Tiếng trẻ tập nói bi bô, tiếng trẻ con học hát vui vẻ, tiếng mẹ ru con tha thiết, lại có tiếng khóc oe óe của trẻ sơ sinh… Thấy Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc vào, bọn trẻ con ùa ra chào rối rít: “Cháu chào ông ạ”. Bọn trẻ nom đứa nào cũng sáng sủa và béo trùng trục. Một thằng bé khoảng 10 tuổi nhận gói bánh ông Hoắc đưa cho rồi chia cho những đứa khác. Chia xong, nó lại ra cõng em, một thằng bé đẹp như tranh.

Tôi hỏi đùa:

- Ông Giám thị khéo chăm cháu thật, chả phải sữa Tây sữa Tàu gì mà sao chúng khỏe thế?

- Các cháu cũng được tiêu chuẩn như… phạm nhân, nhưng Trại trích quỹ ra, mỗi tháng cho thêm vài hộp sữa, cân đường. Nhìn cảnh chúng nó phải ở đây càng thương chúng bao nhiêu thì nghĩ càng bực bố mẹ chúng bấy nhiêu. Chả lẽ lại lôi những thằng bố, những con mẹ bố láo bố lếu ấy ra bạt tai cho vài cái? Không biết tới đây rồi có cách nào không, chả lẽ phải xây nhà ngoài cổng trại rồi lập nhà trẻ. Ngày cho chúng ra vườn trẻ, tối lại vào… nhà giam ngủ với mẹ, chứ như thế này, tội chúng lắm!

Qua khu “vườn trẻ” vài nhà, tôi bỗng giật mình khi nghe thấy tiếng rên rẩm và cả tiếng than thân trách phận não nề. Tôi ngó vào buồng và thấy có đến chục phạm nhân ở độ tuổi hoàn toàn đáng gọi bằng ông, bằng cụ. Thấy cán bộ đến, tiếng rên rẩm im bặt. Tại buồng này, người cao tuổi nhất là Nguyễn Thị Thơm, 75 tuổi, can tội buôn bán hêrôin, còn người ít tuổi nhất thì cũng sắp 70. Là bậc cao niên cả cho nên các cụ ăn ở xem ra cũng trật tự và sạch sẽ lắm. Vả lại, so với các buồng giam khác thì “trại dưỡng lão” là quá rộng. Trong số các cụ này chỉ vài ba người là được con cháu thăm nuôi tử tế còn hầu hết là “rách”.

Sang buồng bên, lại thấy có mấy gã đầu trọc lông lốc đang đánh đu ở cửa sổ. Thấy cán bộ đến, chúng không thèm chào hỏi mà nhe răng cười khành khạch. Có gã tệ hơn, nhảy tót lên giường, tụt quần và ngồi… xổm!

Tôi hỏi đại úy Tiến về thái độ đáng ngạc nhiên của những người này. Anh bảo:

- Chấp làm gì, họ điên đấy.

- Điên sao để ở đây?

- Thì vì chưa giám định được điên thật hay giả nên cứ phải nhốt ở đây.

Như thế trại tạm giam còn có thêm các chức năng khác là: “Vườn trẻ”, “Trại dưỡng lão” và “Trại tâm thần”.

Đại úy Dũng, phụ trách bệnh xá than thở:

- Ban ngày còn đỡ nhiều đó, đêm mới hãi hùng. Khi trẻ con ngừng khóc thì đến lượt các cụ phạm nhân rên rỉ vì đau xương đau cốt, khóc lóc vì nhớ con nhớ cháu, rồi gần sáng thì các ông chập cheng lên giọng. Thằng hát, thằng cười, mà tiếng cười người điên trong đêm vắng nghe man dại và rùng rợn lắm.

Vậy là vào cái khoảng thời gian sắp về sáng, ở trại giam có những loại âm thanh bất bình thường như đóng vào lỗ tai người ta những cái đinh - đó là tiếng của những tử tù khi bị gọi dậy để ra pháp trường: “Chúng mày ở lại nhé… tao phải đi đây” và tiếng cười của người điên.

Đọc đến đây hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc tại sao trong trại tạm giam lại có cả trẻ con, có cả cụ già… Vâng, bọn trẻ con này có làm gì nên tội đâu nhưng bọn chúng cũng phải vào trại vì nhiều lý do. Có đứa khi mẹ bị bắt thì không có ai nuôi nên cũng phải vào trại theo mẹ, có đứa phải vào trại vì cả bố mẹ đều bị bắt, có đứa khi mẹ bị bắt thì chúng mới có dăm tháng và được sinh ra ngay trong tù. Của đáng tội, nếu bố mẹ chúng không phạm những tội như buôn bán ma túy, lừa đảo, cướp của… thì chắc cũng chẳng ai nỡ thế này.

Lại còn các cụ nữa, sẽ có bạn đọc mủi lòng: “Giam các cụ làm gì cho rách việc, các cụ gần đất xa trời rồi”. Vâng, đúng là ở đây có cụ đã “như chuối chín cây”, nhưng khổ nỗi các cụ cũng phạm những tội tày đình… Mà việc thả hay không là việc của cơ quan xét xử, chứ đâu phải việc của trại tạm giam.

Trong 5 năm trở lại đây, do chuyển về trại mới, nơi giam giữ có khá hơn, đời sống phạm nhân được đảm bảo… cho nên tình trạng phạm nhân chết vì suy kiệt đã chấm dứt, nhưng tình trạng cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh đường ruột lại tăng.

Theo thống kê của bệnh xá thì khoảng trên 80% cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Hà Nội mắc bệnh viêm đại tràng, lý do chỉ có một: nước dùng ở trại rất bẩn. Hóa ra Trại tạm giam Hà Nội phải dùng nước lấy từ giếng khoan, hoàn toàn không qua hệ thống lọc. Giếng ở đây có độ sâu trung bình gần ba chục mét. Khi nước mới hút lên ngửi đã có mùi tanh của bùn rác, để một lúc thì đóng váng và qua ngày hôm sau thì vàng khè. Không có loại chè nào pha bằng thứ nước này mà còn hương cả. Cán bộ và phạm nhân cùng ăn, cùng uống bằng thứ nước này. Nhưng phạm nhân thì chỉ dăm mười tháng, còn cán bộ… ôi, lại vô hạn! Mặc dù Ban giám thị đã nhiều lần đề nghị nhưng cho tới nay chưa có ai kiểm tra độ ô nhiễm của nguồn nước cả.

nghe coi tu ky 4
Phát thuốc cho phạm nhân

Cũng phải nói thêm rằng trại giam được xây mới theo mẫu thiết kế khá hiện đại và về lý thuyết là đáp ứng được các yêu cầu trong việc trông coi phạm nhân cũng như đảm bảo sức khỏe cho tất cả. Nhưng trại giam được xây khá cẩu thả, nhiều chỗ tường đã nứt lòi cả sắt… điều đó chứng tỏ rằng một khối lượng không ít xi măng đã được quy đổi ra bia, thịt chó và đủ các thứ khác. Thảm hại nhất là hệ thống thoát nước, cấp nước thì như trên đã nói còn thoát nước thì quả là… không hiểu nổi. Theo thiết kế, toàn bộ hệ thống nước thải trong trại được đổ ra hệ thống mương, hồ bao quanh, sau đó được bơm nước sông Nhuệ vào và tạo ra dòng tuần hoàn… Nhưng có lẽ do hết tiền nên hệ thống bơm nước không được xây dựng và thế là mọi thứ phế thải được lưu cữu ở các mương, hồ nước. Chất thải đã biến nước ở đâu có màu xanh nhờ nhờ và vào những ngày nắng nóng, thứ nước này bốc mùi không kém gì dòng sông Kim Ngưu.

Trong những ngày làm việc ở Trại, mấy lần tôi định xuống đội cảnh sát bảo vệ nhưng không mấy lúc Ban chỉ huy có mặt ở nhà. Lính cảnh sát bảo vệ của Trại đúng là “trên từng cây số”. Anh em công an đồn rằng trong lực lượng Công an có nhiều “binh chủng” mà “binh chủng” có nhiều anh bị vợ bỏ nhất là cảnh sát bảo vệ, vì vậy mới có tên “cảnh sát bỏ vợ”. Chưa có một cuộc điều tra chính thức nào về chuyện đồn đại này, nhưng tại Trại tạm giam Hà Nội đúng là có khá nhiều. Cảnh sát bảo vệ của Trại cũng chiếm kỷ lục số anh phải đi làm thuê như chạy xe ôm, chữa xe, gác thuê…

Ở Trại tạm giam Hà Nội, anh em có thể kể vanh vách rằng vào buổi tối, anh nào đón khách ở Bác Cổ, anh nào đón khách ở đầu cầu, ai đứng ngoài Cầu Diễn… Đại úy Phan Đức Tiến, cán bộ Đội chính trị của Trại cũng là người phải vật lộn quyết liệt với cuộc sống bằng các nghề phụ như sửa xe máy, chụp ảnh, gác thuê, chở thuốc lá đi bỏ mối…

Đội cảnh sát bảo vệ có một nửa số quân chuyên làm nhiệm vụ áp giải phạm nhân đi ra tòa, di lý đi trại khác và cả đi ra pháp trường. Hằng ngày họ phải đến làm từ lúc 7 giờ sáng và chuẩn bị mọi việc để đưa phạm nhân ra tòa đúng giờ xét xử. Nếu đúng ngày có phiên tòa thì họ phải đi về 4 lần trong một ngày. Có những phiên tòa được xử ở Tòa án Tối cao, Tòa án Hà Nội, nhưng cũng có phiên tòa được tổ chức ở quận, ở huyện và xa nhất là đi xử ở Sóc Sơn. Ngày xưa khi trại giam còn ở gần tòa án thì công tác dẫn giải không đến nỗi vất cả, nhưng nay cách xa hơn chục cây số mà cứ ngày nào cũng phải ngồi trong những chiếc xe “U uất” chở phạm nhân chạy đi chạy về rồi còn làm bảo vệ trong phiên tòa thì cũng không phải là chuyện đùa. Phạm nhân đưa đi xử thì cũng đủ loại. Có loại chỉ cần một cảnh sát dẫn giải hai phạm; nhưng cũng có loại phải 8 cảnh sát cho 1 phạm. Ngày xử nhiều là 30 vụ, còn ngày ít cũng 4 vụ. Những ngày xử nhiều, đơn vị phải huy động cả số anh em gác mục tiêu đi bảo vệ. Mỗi phiên tòa, họ được tòa án bồi dưỡng 5.000đ và anh em thường góp lại vài tháng lĩnh một lần. Được “món” kha khá thì chia cho cả những người khác, kể cả số anh em đứng chòi canh. Gần đây, Tòa án Hà Nội có sáng kiến là những phiên tòa có đông bị cáo thì xử luôn ở Trại. Thế mới biết việc xây dựng trại giam cạnh tòa án thuận lợi biết bao nhiêu.

Việc “cảnh sát bỏ vợ” đi áp giải phạm nhân cũng khối chuyện cười ra nước mắt.

Có lần tại một phiên tòa, phạm nhân lao vọt qua cửa sổ, nhảy từ tầng hai xuống đất và lao xuống… sông Kim Ngưu hòng trốn thoát. Cảnh sát bảo vệ cũng lao theo và hai người vật lộn dưới dòng nước đen ngòm đầy phân rác. Đến khi tóm được hắn lôi lên bờ thì bùn và nước đen nhuộm anh cảnh sát trông không giống ai.

Có phiên tòa đang xét xử, phạm nhân ù té chạy và thế là trên đường phố diễn ra cảnh đuổi bắt ngoạn mục của cảnh sát bảo vệ.

Áp giải phạm nhân đi xét xử thì chưa cơ cực bằng di lý phạm nhân đã có án đi trại khác mà là những trại cách Hà Nội hàng trăm cây số, ở trong vùng rừng sâu Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phú, Yên Bái… Trong những lần đi như vậy, vào mùa mưa bão, khi bị tắc đường, nhiều lúc cả công an và phạm nhân chia nhau từng mẩu bánh mì và uống nước suối cầm hơi. Còn chuyện anh em phải bán đồng hồ, bán cả nhẫn cưới thì đó là chuyện thường ngày của CSBV. 10.000đ công tác phí cho một ngày dẫn giải phạm nhân đi đến các trại xa, đó là chế độ duy nhất mà anh em được hưởng.

Trong nhiều nhiệm vụ của cảnh sát bảo vệ, có một thứ nhiệm vụ mà anh em sợ hơn cả việc phải đi thi hành án tử hình đó là đi canh gác… tù đẻ và gác tù nằm viện… tâm thần.

Trung úy Tuấn than thở:

- Cứ mỗi khi thấy đưa phạm nhân mới vào trại mà vác cái bụng lùm lùm là chúng tôi lại mất vía. Chỉ cầu mong các ông điều tra, kiểm sát, tòa án sớm làm xong thủ tục xét xử và cho “cái bụng sắp vỡ” ấy ra khỏi trại càng sớm càng tốt. Một bận gác tù đẻ, cô y tá mới đến trực không biết anh cảnh sát ngồi ngoài cửa đang làm việc gì lại cho rằng anh ta chờ… vợ đẻ và cứ tấm tắc khen anh chàng biết thương vợ, chứ không như khối tay đàn ông, vợ đi đẻ còn chồng vẫn ngồi chiếu bạc.

- Thế sao không đưa cảnh sát nữ đi gác - tôi hỏi Đại úy Thể, Đội phó Đội CSBV. Anh lắc đầu:

- Trại chỉ có quản giáo là nữ, còn cảnh sát bảo vệ toàn là con trai.

Cứ một ả tù đi đẻ thì phải có năm anh cảnh sát (mà khối anh chưa có vợ) đi canh giữ. Họ phải thay nhau ngồi ngoài phòng đẻ và chờ cho ả đẻ xong rồi ba bốn ngày sau đó ngày cũng như đêm, họ không được ngủ, không được lơ là. Gái đẻ nằm trong phòng có màn, có chăn, còn anh em ngồi ngoài thì cứ đập muỗi cũng đã mệt… Trước kia đã có chuyện cảnh sát đi gác tù đẻ, thấy ả nọ sinh con song còn đang mê mệt, anh chàng cảnh sát liền bỏ ra ngoài ăn sáng. Khi quay trở vào thì ả đã bỏ con, trèo qua cửa sổ và “phắn” mất. Vậy là anh lính cảnh sát bảo vệ thư sinh kia phải thế vào trại giam thay gái đẻ trốn tù. Nghĩ cũng tội, đúng là họa vô đơn chí! Nhưng luật là luật, biết làm thế nào(?).

- Nhưng gác tù đẻ chưa ác bằng tù nằm viện… tâm thần. - Đại úy Thủ nói - Một người đi nằm viện tâm thần, cũng bốn đến năm cảnh sát đi bảo vệ. Và cũng cái cảnh kê ghế ngồi ngoài cửa… thật cũng muốn điên luôn!

Khổ nhất là không biết nó điên thật hay điên giả. Nó thì nằm trong phòng, mình thì ngồi ngoài. Thỉnh thoảng nó lại thò đầu ra cười nhăn nhở và chửi đổng vài câu. Giá như nó điên thật thì lại nhẽ khác, đằng này… Mà giám định cho ra chuyện thật giả đâu phải ngày một ngày hai, có khi hàng tuần.

Cảnh sát bảo vệ chuyên dẫn giải cũng dễ bị “tai nạn nghề nghiệp” không khác gì nghề lái xe. Chạy hàng chục vạn cây số đường sá nguy hiểm có khi chả sao, nhưng đôi khi sơ suất một tý là hỏng cả cuộc đời. Cũng đã khối anh CSBV phải đi tù, phải chịu kỷ luật lột lon, cách chức hay về địa phương vì chuyện để phạm trốn. Phạm nhân nằm trại tạm giam đầu óc chỉ có hai việc: đối phó với cảnh sát điều tra hay tòa án và nghĩ kế trốn trại. Trốn trại bằng cách trèo tường, khoét ngạch thì hẳn không thể được, vì vậy chúng chỉ rình những cơ hội được ra ngoài mà chủ yếu là vào… viện.

Có thằng tự rạch bụng, có thằng tự đốt chân, có kẻ nhịn ăn để kiệt sức, có kẻ ăn bậy ăn bạ để gây bệnh đường ruột… Và khi được nằm viện thì chúng theo dõi thái độ của cảnh sát từng giây từng phút và rình cơ hội để “bùng”.

Mới đây thôi, vào đêm 27-12-1997, Trung úy Nguyễn Văn Tiến được giao nhiệm vụ đi canh gác phạm nhân Nguyễn Thị Minh nằm ở bệnh viện huyện Từ Liêm. Ả bị bắt vì tội buôn bán 300gr hêrôin. Vào trại được ít ngày thì ả bị động thai và phải đi viện. Tiến gác từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Thấy ả đã ngủ say lại có khóa chân, Tiến bèn ra cổng ngồi nói chuyện với mấy anh bảo vệ. Nhưng đúng khi đó thì chồng ả lẻn vào, dùng kìm cộng lực cắt khóa và cõng ả trốn mất. Tiến bị khởi tố và bị bắt giam vì tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Anh em trong đơn vị vào thăm, Tiến cứ khóc và nói: “Có ai ngờ đời mình chỉ vì sơ ý vài phút mà đến nông nỗi này!”. Trong đơn vị, Tiến là người tốt, năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được anh em quý mến. Chúng tôi rất mong cơ quan Thanh tra pháp luật của Công an thành phố Hà Nội có sự thông cảm với công việc của người CSBV trại giam và những rủi ro nghề nghiệp mà họ mắc phải. Chả lẽ một ngón tay so sơ sẩy dính bẩn ngoài ý muốn lại chặt cả cánh tay?

Trong lúc chúng tôi đang trao đổi với nhau thì có một xe chở phạm nhân chạy vào trại. Đại úy Thủ nói như reo:

- Cảnh sát điều tra bắt được bọn giết anh Hải về rồi. Lúc sáng anh em gọi điện từ Thái Nguyên về.

Nhắc đến vụ án này, lòng chúng tôi đau nhói.

Lại một đồng đội chúng tôi ngã xuống mà không phải vì trong cuộc chiến đấu chống tội phạm. Anh là đại úy công an, nhưng nhà nghèo quá, phải tranh thủ buổi tối đi chạy xe ôm… Và bọn chúng đã thuê anh chở, ra đến đoạn đường vắng, hai tên xông vào đâm anh rồi cướp xe đem đi Thái Nguyên bán.

nghe coi tu ky 4 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1)

Trong lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, chắc chắn rằng chưa có một cuộc chuyển phạm nhân nào có quy mô lớn như ...

nghe coi tu ky 4 Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ cuối)

Cuộc "càn" kéo dài hơn ba giờ đồng hồ và không còn sót một mét vuông, nhưng tên Thân thì... mất tích.

nghe coi tu ky 4 Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 2)

Vụ phá trại giam của hai tên Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam cũng là dựa theo cách mà tên Phước "tám ngón" đã ...

nghe coi tu ky 4 Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 1)

Nếu không bắt được chúng, nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học thì không ai có thể tin rằng một ...

Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới