Đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-3, mấy anh em nhà báo chúng tôi thường trực ở trong Trại tạm giam Hà Nội để chứng kiến buổi thi hành án tử hình 7 tội phạm trong vụ buôn bán ma túy Xiêng Phêng - Vũ Xuân Trường.
Từ xưa đến nay, công việc của những người quản giáo tại trại tạm giam hầu như không mấy người biết. Một phần là do đặc thù công việc của họ rất ít được tiếp xúc với bên ngoài, và thứ nữa là hầu như không mấy ai thích thú “yêu” nghề coi tù ở trại tạm giam. Thời Mới xin giới thiệu với bạn đọc phóng sự về “nghề coi tù” của nhà văn Nguyễn Như Phong. Phóng sự này đăng năm 1998 trên báo An ninh Thế giới và đã được giải thưởng báo chí của Bộ Công an viết về đề tài bảo vệ an ninh tổ quốc. |
V - Ông “thủ kho” Nguyễn Văn Hoắc
Thời gian trôi đi chậm chạp, mấy anh em ngồi tán chuyện gẫu để giết thì giờ, nhưng câu chuyện cứ nhạt dần, nhạt dần và có anh lăn ra ghế làm luôn một giấc. Đúng lúc ấy thì Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc, Giám thị Trại tạm giam Hà Nội vào. Thấy anh, chúng tôi xoắn lấy hỏi chuyện về các tử tù, nhưng anh trả lời hờ hững và luôn lảng tránh, thế rồi thật bất ngờ anh cuốn chúng tôi vào tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Chỉ sau vài phút, chúng tôi “mắt chữ I mồm chữ O” ngẩn người nghe anh phân tích về hai nhân vật Chí Phèo và giáo Thứ. Anh nói say sưa, phân tích rành rọt và đọc thuộc lòng từng đoạn văn. Càng nghe anh nói, chúng tôi càng ngạc nhiên và khâm phục về sự am hiểu văn học của anh. Trước mắt chúng tôi bây giờ không phải là ông giám thị nghiêm khắc, lạnh lùng mà là một thầy giáo dạy văn đang giờ lên lớp. Có lẽ ngày xưa, khi tôi đi học chưa bao giờ tôi được nghe một buổi bình văn hay như thế này. Hết chuyện Chí Phèo, anh chuyển sang bình nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu rồi lại thơ của Nguyễn Đức Mậu, thơ của Hữu Thỉnh rồi tỏ ý chê thơ của Nguyễn Quang Thiều bây giờ không hay bằng ngày xưa.
Nghe anh nói chuyện, tôi quên phắt mất rằng ngay trước mắt tôi là ông giám thị nổi tiếng nghiêm khắc. Bản thân tôi cũng đã có lần bị anh thẳng tay tống cổ ra khỏi trại giam chỉ vì tôi tự tiện vào mà chưa có sự đồng ý của Ban giám đốc Công an thành phố, mặc dù anh không lạ gì tôi. Sau cái lần ấy, tôi “căm” anh lắm vì cho rằng anh làm tôi “bục sĩ diện”. Nhưng rồi trong những ngày chứng kiến các phiên tòa, trong những lần vào lấy tài liệu (và dĩ nhiên là đủ thủ tục), tôi mới thấy cái nghề quản giáo và nhất là ở cương vị giám thị, nghiêm luật là đức tính cần thiết đầu tiên.
Gia đình gặp tử tù ở Trại giam Hà Nội |
Hôm sau gặp nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, tôi mới biết ngày xưa anh Hoắc và anh Mậu cùng là lính trinh sát ở Sư đoàn 312, từng vào sinh ra tử trong các trận đánh với quân Thái Lan ở cánh đồng Chum, Xảm Thông-Long Chẹng, đã từng nhiều phen hút chết ở đèo Phu Nốc Cốc, đèo Đá, đèo Đất.
- Chú mà nghe Hoắc bình văn thì có mà hết ngày, bọn anh nghe còn mê nữa là. Nó có thể đọc thơ, bình văn cả ngày, không cần ăn. Bọn anh vẫn tụ tập ở nhà “lão” ấy để đàm đạo. “Lão” ấy thẩm văn tinh lắm! - Anh Mậu nói vậy.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã khẳng định như thế, hẳn không đùa được với ông giám thị này. Tôi nhớ điều đó và định bụng sẽ dành thời gian để khui những bí mật của anh. Nhưng hóa ra anh không phải là người hay chuyện - trừ chuyện văn chương.
Một lần anh đưa tôi đi thăm Trại tạm giam. Qua khu bếp của phạm nhân, thấy phạm nhân để muối đổ ra sàn, anh quắc mắt quát:
- Chúng bay làm ăn thế này à. Thằng nào đổ muối ra đây?
Mấy phạm nhân sợ xanh mặt, vội vàng xin lỗi. Anh kéo tôi đi; sang chỗ nấu cơm, anh thò tay vào thùng cơm chuẩn bị đem chia, bốc một nhúm bỏ vào miệng và vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, rồi anh hỏi đồng chí cán bộ cùng đi:
- Gạo có vẻ kém so với lần trước, anh phải chú ý, nhắc cửa hàng gạo. Đừng có nghĩ bán gạo cho tù bằng gạo nào cũng được đâu.
Ra khỏi khu bếp ăn, anh nói với tôi, giọng trầm hẳn xuống:
- Có thể anh khó chịu khi thấy tôi nóng tính... Anh biết không, mùa mưa năm 1969 chúng tôi đóng quân gần sân bay bản Áng. Gạo hết, muối hết… Anh em bị phù nề vì đói muối. Tôi cũng vậy, chân phù to như bắp chuối, mỗi bước đi là một cực hình. Chúng tôi nằm chờ cái chết đến và trông mong vào những bức điện xin cấp cứu. Đúng lúc anh em tuyệt vọng nhất thì Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông dẫn quân phá vây đem lương thực, thực phẩm cho. Chúng tôi thoát chết. Từ đấy, trông thấy muối là tôi thèm và cứ thấy muối rơi là tôi xót.
Tôi có may mắn được đến nhiều trại cải tạo, trại tạm giam và tôi nhận ra một điều là những người giám thị - tức là người chỉ huy cao nhất của trại - thường có cá tính rất mạnh và có nhiều điểm “không giống ai”. Trong lực lượng Công an, nghề quản giáo và người giám thị có nhiều giai thoại hơn cả, và hầu hết những giai thoại về họ là những giai thoại đầy tính nhân văn. Tôi mang theo điều thắc mắc này hỏi một đồng chí phó tiến sĩ tâm lý học đang công tác ở Cục Quản lý và cải tạo phạm nhân. Anh giải thích rằng có lẽ do nhà tù là nơi tập hợp đủ mọi hạng người, cuộc sống trong trại hết sức phức tạp, người quản giáo luôn luôn phải “đụng độ” với những con người “rạch giời rơi xuống” cho nên họ cũng có một bản lĩnh nghề nghiệp cao và đã có những hành động, những việc làm, những suy nghĩ rất khác người, những cái đó tạo ấn tượng mạnh đối với phạm nhân. Trong công tác giáo dục quản lý cải tạo phạm nhân, nếu người giám thị không có uy, có trí, có nhân, có dũng thì không thể nào khiến cho phạm nhân “tâm phục, khẩu phục”. Thượng tá Hoắc là một trong những giám thị như thế.
Có lẽ cho đến bây giờ anh Hoắc cũng không nghĩ rằng trong cuộc đời mình lại có hai lần làm thầy - làm thầy theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất.
Năm anh mới 20 tuổi, làm ở khu gang thép Thái Nguyên, trong đội công nhân có bác Ca là cán bộ miền Nam tập kết. Bác không biết chữ và cứ mỗi lần gửi thư về là bác phải nhờ anh viết hộ. Thế rồi cứ tối đến, anh dạy bác Ca học viết bằng những hòn than. Mất 6 tháng thì bác Ca viết thư gửi về Nam, đọc được sách báo. Bác sung sướng quá và viết thư lên Ủy ban Thống nhất xin được trở về miền Nam đánh giặc. Trong thư, bác cũng nói đến việc học của mình, thế là chuyện anh Hoắc dạy học lan ra. Anh trở thành một điển hình trong phong trào xóa mù chữ và từ đó anh được nhà máy cử đi dạy các lớp bổ túc văn hóa. Đó là lần làm thầy thứ nhất.
Dẫn giải phạm nhân |
Anh nhập ngũ và làm trinh sát rồi chuyển ngành sang công an. Ở công an, anh cũng trải qua đủ “nghề” và cuối cùng dừng lại ở “nghề” quản giáo - nghĩa là cũng làm thầy, nhưng lần làm thầy này khó khăn, phức tạp hơn nhiều.
Năm 1991, đang là Phó công an quận Hoàn Kiếm, anh được điều về Trại Hỏa Lò. Tính từ năm 1954 khi ta giải phóng thủ đô thì anh Hoắc là giám thị đời thứ 12 và nhận chức trong hoàn cảnh trại có nhiều chuyện bi đát. Các phòng giám thị đã xuống cấp nghiêm trọng, phạm nhân ốm đau đã đành còn cán bộ thì thay nhau đi nằm viện lao… Những chuyện tiêu cực trong trại không còn là hiếm mà đã có dấu hiệu trở thành “nạn”.
Trong thời gian từ năm 1991-1992, đó là thời gian khốn khổ của chúng tôi - Trung tá Hồ Như Vọng, người có thâm niên lâu năm nhất ở Trại nói - Cho đến nay, chúng tôi nghĩ lại ngày đó mà ớn tận xương sống.
Giở lại trang hồ sơ cũ của Trại tam giam, chúng tôi cũng hình dung ra được phần nào những tháng năm cơ cực đó. Năm 1992, chỉ trong 3 tháng đầu năm liên tiếp xảy ra 4 vụ tự sát trong buồng giam, trong đó có 2 phạm nhân đã bị kết án tử hình, Cả hai tên đều tự sát bằng cách xé quần bện thành dây rồi buộc một đầu vào còng chân, đầu kia quấn quanh cổ và ngả người ra phía sau… Đã thế lại còn phạm nhân trốn trên đường dẫn giải, trốn trong lúc đi viện, rồi phạm nhân ốm chết. Tai họa tưởng như trời sập xuống đầu cán bộ, chiến sĩ trại giam. Các đoàn kiểm tra của đủ cấp, đủ ngành kéo đến, nhiều cán bộ quản giáo khóc như trẻ con khi bị chất vấn.
Một phạm nhân viết thư về nhà có đoạn: “Hằng ngày con ăn cơm có rau và chỉ được chan nước cống. Nhưng nước cống cũng có khi phải chia nhau”. Gia đình nhận được thư bèn làm ầm lên và phát đơn kiện đi khắp nơi. Thật đúng là chuyện tày đình, không còn ra thể thống gì nữa. Chuyện bắt phạm nhân ăn cơm chan nước cống đúng là có một không hai và quá ư là dã man. Thanh tra cử một đoàn về “quần” từ trên xuống dưới. Cả đơn vị ngơ ngác không hiểu tại sao lại có chuyện quái quỷ như vậy. Đến lúc hỏi phạm nhân thì mới vỡ lẽ rằng ở trại giam, mỗi lần luộc rau là luộc hàng tạ. Nước rau vì vậy xanh thẫm lại. Nhà bếp cho thêm muối vào và phạm nhân ai thích thì chan cơm mà ăn. Thế là nước rau được phạm nhân gọi là “nước cống”…!
Lại có phạm nhân khi ra tòa, mắt trước mắt sau không thấy gia đình bèn tìm cách hoãn. Hắn ôm bụng lăn lộn và kêu la ầm ĩ. Tòa hỏi vì sao đau bụng, hắn bảo rằng ở trại đã 10 ngày cán bộ quản giáo cấm không cho hắn… ị! Ngay hôm sau, một đoàn cán bộ đủ các ngành vào trại kiểm tra. Đến khi tận mắt thấy gã kia ăn như thụi, béo có ngấn ở bụng và nhăn nhở cười, họ mới biết mình bị lừa.
Lại có anh trực ban ghi nhận các thứ đồ đạc của phạm nhân khi nhập trại. Anh ghi rất cẩn thận từng thứ, nào quần, nào áo, nào đồng hồ, bút máy… nhưng khi hắn đi chân đất, anh bèn ghi vào phiếu “chân chim”. Tiếng lóng của anh em quản giáo “chân chim” là chỉ những tên không dép, guốc… Có đoàn kiểm tra đến, khi xem đến mục “chân chim”, họ đòi kiểm tra đó là “chân chim” gì mà quý đến nỗi phạm nhân phải mang theo người. Anh trực ban cũ đã chuyển việc, trực ban mới thì không biết từ “chân chim”, chỉ đến khi gặp phạm nhân thì mới biết… nhưng thế cũng đủ gây cho anh em bao nỗi phiền toái. Ngay chuyện phạm nhân tự sát trong tù cũng vậy, không có cách gì có thể ngăn nổi nếu như phạm nhân đó quyết tâm tìm đến cái chết.
Làm giám thị, có những lúc gặp chuyện thật quái quỷ. Đêm 30 Tết năm 1993, khi chỉ còn 1 giờ nữa là đến giao thừa thì Thượng tá Hoắc nhận được điện báo về là một phạm nhân đã chết ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Thế là ngay trong đêm giao thừa, các anh phải tổ chức khám nghiệm, lập biên bản rồi lo chôn cất người bệnh. Bệnh viện thì không cho để xác quá 24 tiếng, vả lại nếu để xác lại viện thì anh em bảo vệ phải canh gác… Ba ngày Tết mà phải đi canh xác người chết thì còn gì là… xuân nữa. Thượng tá Hoắc cùng mấy cán bộ giúp việc chạy vạy đủ kiểu, đến trưa ngày mùng Một Tết mới đưa phạm nhân đi chôn được.
Trong những ngày khó khăn ấy, Thượng tá Hoắc cùng các đồng chí trong Ban giám thị như chiếc đầu máy làm việc hết công suất và kéo đoàn tàu nhích lên từng mét, từng mét. Chính do sự đoàn kết của Ban giám thị mà việc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ đã có kết quả, số cán bộ chiến sĩ bị kỷ luật có tăng nhưng bù lại là sự trong sạch của đội ngũ quản giáo.
Thượng tá Hoắc bảo tôi:
- Bây giờ tuy không còn khó khăn vất vả nhưng so với hồi ở Hỏa Lò cũ thì thật một trời một vực. Ban Giám đốc cũng quan tâm đến trại giam hết mức. Từ ngày trại chuyển về đây, rất nhiều lần Giám đốc vào kiểm tra lúc một, hai giờ sáng, đặc biệt là khi có phạm nhân của các vụ án lớn. Anh em cũng có người hay so sánh, kêu ca, nhưng tôi khuyên anh em khi nghĩ về công việc phải trông lên, còn về cuộc sống cứ chịu khó… trông xuống. Phải nhớ những ngày ăn đói mặc rét, nhớ những ngày mình sống còn khổ hơn tù bây giờ…!
- Sau vụ Thắng “trố” đánh chết người ở buồng giam, từ bấy đến nay còn vụ nào không? - Tôi hỏi anh Hoắc.
Anh lắc đầu:
- Không có. Chúng tôi bây giờ đã có đủ biện pháp để ngăn chặn phạm nhân đánh nhau, đặc biệt là khu vực giam những tên nguy hiểm.
- Hiện nay anh lo nhất là gì?
- Lo nhất là nah em sơ hở để phạm nhân trốn khi đi xét xử, khi đi nằm viện và lo làm sao kiểm soát được kỹ đồ tiếp tế. Tôi thật không hiểu nổi tại sao nhiều ông bố, bà mẹ vẫn nhẫn tâm giết con mình bằng cách gửi thuốc phiện, hêrôin vào trong tù cho bọn chúng. Chưa có thứ máy nào dò ra được ma túy, mà cũng không thể dùng chó giám định vì toàn là đồ ăn, chó ngửi sao được. Tôi cũng thường dặn anh em khi khám xét là phải hết sức trân trọng miếng ăn của họ. Họ thì nghĩ ra muôn ngàn mánh khóe giấu ma túy gửi vào, còn chúng tôi chỉ có bàn tay, đôi mắt và kinh nghiệm nghề nghiệp…
Từ khi nhận chức giám thị đến nay, có 3 sự kiện mà Thượng tá Hoắc cho là đáng ghi nhớ nhất, sự kiện thứ nhất là những ngày sóng gió của năm 1992, sự kiện thứ hai là vào đêm 16-3-1993 chuyển gần 2.000 phạm nhân từ trại Hỏa Lò vào trại mới xây và sự kiện thứ ba là vụ án Xiêng Phêng - Vũ Xuân Trường. Lịch sử trại giam chưa có phạm nhân nào mà hằng tháng trời cán bộ quản giáo phải gác mỗi ca 2 người, thậm chí có ca 3 người: một quản giáo, một cảnh sát bảo vệ và một cảnh sát điều tra. Ai cũng biết rằng chỉ cần một tên trong đường dây buôn lậu ma túy này tự sát là vụ án có nguy cơ thất bại, đặc biệt là Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe… Đêm nào cũng vậy, Thượng tá Hoắc phải đi kiểm tra từng chiếc khóa, từng chiếc còng, thậm chí từng sợi giải rút quần. Phải công nhận rằng trong vụ án này, bên cạnh chiến công của các lực lượng điều tra thì có sự đóng góp mang tính quyết định của cán bộ, chiến sĩ trại giam Hà Nội - nhất là qua hai phiên tòa xét xử.
Một hôm tôi đang ngồi với anh Hoắc trong phòng làm việc thì có thư gửi cho anh. Anh đọc xong lá thư và có vẻ suy nghĩ lung lắm. Anh chuyển lá thư cho tôi. Đó là thư của một người trước đây bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt, được anh Hoắc cảm hóa và sau này anh ta giúp công an tìm ra thủ phạm của một số vụ án. Trong thư, anh phàn nàn rằng những cán bộ công an sau này đối xử với anh không được tình cảm như anh Hoắc và có phần coi rẻ anh ta, vì vậy anh quyết định thôi không hợp tác với công an nữa. Nhưng trước khi quyết định, anh muốn báo cáo để cho anh Hoắc biết, kẻo anh nghĩ rằng anh ta đã nuốt lời hứa.
- Cảm hóa, thuyết phục được một con người để họ từ bỏ con đường cũ đã là khó nhưng làm sao để họ giúp đỡ anh em công an mình dù chỉ một vài việc còn khó hơn nhiều. Hiểu tội phạm thì phải là cùng với tội phạm - anh ngừng một lát rồi đột ngột hỏi tôi - Anh có biết làm nghề quản giáo sung sướng nhất và buồn nhất là lúc nào không?
Tôi nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu.
Anh cười:
- Buồn nhất là khi mình phải giam cán bộ trong lực lượng Công an phạm tội. Sung sướng nhất là khi thấy phạm nhân được tha, phạm nhân bị án tử hình được ân giảm. Các anh không thể nào có được cảm giác ấy đâu.
Tháng 4-1998
Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1) Trong lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, chắc chắn rằng chưa có một cuộc chuyển phạm nhân nào có quy mô lớn như ... |
Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Chân dung vị bác sĩ tài giỏi (Kỳ 1) Vụ án tưởng chừng như sẽ bị chôn vùi, người xấu số sẽ phải ôm nỗi oan khuất xuống cửu tuyền thì bất ngờ sự ... |