Diễn viên Ji Soo bị cắt vai, ca sĩ Soojin ngừng hoạt động vì bị tố có hành vi bạo lực học đường trong quá khứ.

Chiều 4/3, News1 cho biết diễn viên Ji Soo bị cắt vai trong Sông đón trăng lên dù đã hoàn thành 95% cảnh quay, do phản ứng dữ dội từ khán giả. Nhiều đơn vị như Naver TV, TVing, Wavve... thông báo gỡ các phim liên quan đến Ji Soo. Anh bị nhiều tài khoản mạng xã hội tố cáo là học sinh cá biệt, chuyên bắt nạt bạn học, quấy rối tình dục và có quan hệ với nhiều nữ sinh... Diễn viên đã viết thư xin lỗi nạn nhân, người hâm mộ.

4926 jisoo 8728 1614932737

Ji Soo trong tạo hình nam chính phim "Sông đón trăng lên". Ảnh: KBS2.

Theo News1, làng giải trí Hàn Quốc rơi vào tình trạng báo động vì phong trào Bullying Too (vạch trần hành vi bắt nạt học đường của người nổi tiếng). Trước Ji Soo, loạt diễn viên, ca sĩ cũng lao đao vì bị tố cáo.

Soojin - thành viên nhóm nhạc nữ (G)I-DLE - thông báo ngừng hoạt động để kiểm điểm bản thân sau khi bị phanh phui hút thuốc, uống rượu, ăn cắp và bắt nạt bạn bè khi học cấp hai. Không dừng lại ở những lời tố cáo trên mạng, người hâm mộ còn liên lạc với công ty quản lý của cô - Cube Entertainment - để "yêu cầu điều tra sự thật về Seo Soojin". Nhiều khán giả yêu cầu cô rời nhóm.

Dự án phim Dear.M hoãn phát sóng vì nữ chính Park Hye Soo bị một tài khoản tố cáo là "người có gương mặt đẹp nhưng tâm hồn ác quỷ". Người này cho biết thời trung học, diễn viên thường xuyên chửi thề, dùng bạo lực để đe dọa, tống tiền bạn bè. Với lý do tương tự, Jo Byung Gyu bị gạch tên khỏi bộ phim Comeback Home của đài KBS, xóa hình ảnh trong loạt show truyền hình.

4931 soojiin 2057 1614932737

Soojin ((G)I-DLE, trái) và Hwang Hyun Jin (Stray Kids). Ảnh: Naver.

Theo Chosun, Bullying Too nổ ra từ hồi tháng 2, khi chị em sinh đôi Lee Da Yeong và Lee Jae Yeong bị treo giò, loại khỏi tuyển bóng chuyền quốc gia Hàn Quốc vì bắt nạt bạn học hơn chục năm trước. Từ đó, một số tài khoản mạng xã hội đăng bài vạch trần hành vi sai trái của các ngôi sao trong quá khứ.

Korea Times cho rằng bê bối bắt nạt học đường phơi bày sự thật về nhân cách của những người nổi tiếng, như phong trào Me Too (chống quấy rối, xâm hại tình dục) trước đó. Kwak Geum Ju - Giảng viên tâm lý Đại học Quốc gia Seoul - cho biết các nạn nhân tố cáo là do những sang chấn tâm lý quá khứ kéo dài đến khi trưởng thành. Họ muốn xoa dịu nỗi đau, nhận lời xin lỗi. Nhà báo Choi Jung Ah của Sports World viết: "Chỉ những ai bị hakpok (bạo lực học đường) mới biết: trường học giống như một nhà tù, bạn bè đều cần phải tránh xa, chuông báo tan học là âm thanh của sự quấy rối và con đường đến trường càng kín đáo càng tốt. Bạo lực ở tuổi thiếu niên trở thành nỗi ám ảnh về tâm hồn, tổn thương sâu sắc trong trái tim nạn nhân".

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của Hàn Quốc. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục nước này năm 2020, trung bình cứ ba học sinh có một người phải đối mặt nạn bắt nạt. Nhiều bộ phim Hàn Quốc khai thác vấn đề này như Vườn sao băng, Cuộc chiến thượng lưu, School, Ngụy chứng Solomon...

Luật sư Noh Yoon Ho - chuyên xử lý các vụ án bạo lực học đường - nói trên The Telegraph: "Người lớn có xu hướng phớt lờ sự việc vì nghĩ rằng chỉ là chuyện những đứa trẻ đánh nhau. Tuy nhiên, vấn đề lớn xảy ra sau đó là có nhiều em tự tử". Theo cô, các nhà lập pháp nhiều khả năng đưa ra điều luật về nạn bạo lực học đường từ các trường hợp liên quan sao Kpop.

Theo DongA, phong trào Bullying Too cũng bị biến tướng khi nhiều người lợi dụng sự việc để bôi nhọ, hạ bệ người khác. Nhiều tài khoản mạng xã hội đăng các thông tin không xác thực. Diễn viên Kim Dong Hee, ca sĩ HyunA, Mingyu (Seventeen), Kihyun (Monsta X), Yunhyeong (iKON)... cũng bị tố cáo bắt nạt nhưng phủ nhận. Đại diện các công ty quản lý cho biết họ sẽ truy cứu pháp luật để đảm bảo danh dự cho nghệ sĩ. Một luật sư Hàn Quốc phân tích việc tố cáo ẩn danh trên Internet, sức ép từ dư luận có thể gây ảnh hưởng quá trình điều tra của cơ quan hành pháp, không đảm bảo công bằng cho cả hai phía.

Diễn viên Kim Sae Ron, Yoo In Na, Park Bo Young, ca sĩ IU... từng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Năm 2018, khi tham gia chương trình Knowing Bros của đài jTBC, Kim Sae Ron cho biết từ thời tiểu học đến trung học cô bị bạn bè cô lập, tẩy chay vì nổi tiếng. Sau khi The Man From Nowhere trở thành phim ăn khách nhất năm 2010, cô thường xuyên bị bắt nạt. "Nhiều bạn học viết lời nguyền rủa và những điều tệ hại về em ở sân trường, trên các bức tường dọc đường. Em thường xuyên đi chân đất về nhà vì bị mọi người giấu giày", cô cho biết. Diễn viên sau đó quyết định học cấp ba tại nhà, có giáo viên dạy kèm.

Trong một chương trình truyền hình, IU nói hồi cấp một, cô từng bị những anh chị lớn chặn xe trên đường và đe dọa. "Họ hỏi có tiền không rồi đẩy cả cái xe đạp vào người em. Thời ấy em mới học cấp một nên chẳng có xu nào cả", cô kể.

Hiểu Nhân

Nghệ sĩ Trần Hạnh - ông lão hiền lành từ đời đến phim Nghệ sĩ Trần Hạnh - ông lão hiền lành từ đời đến phim
Nghệ sĩ Thương Tín ngồi dậy được sau đột quỵ Nghệ sĩ Thương Tín ngồi dậy được sau đột quỵ
Nghệ sĩ hải ngoại đón Tết: Người háo hức, kẻ ngậm ngùi nhớ thương Nghệ sĩ hải ngoại đón Tết: Người háo hức, kẻ ngậm ngùi nhớ thương

/ vnexpress.net