Ngoài mắt tinh, tai thính, luôn tập trung cao độ cho công việc, thì những đêm thức trắng phải đối mặt người nghiện, kẻ say quấy rầy... cũng là một phần trong câu chuyện nghề của những 'bóng hồng' gác chắn tàu hỏa ở TP.HCM.
Không ít "bóng hồng" chọn công việc gác chắn tàu lửa đầy vất vả - HOÀI NHÂN
Tai thính, mắt tinh
Thời gian làm việc của nhân viên gác chắn đường sắt được tính theo... ban. "Ban ngày" kéo dài từ 6 giờ đến 18 giờ. Sau khi được nghỉ 24 tiếng, họ lại tiếp tục làm "ban đêm" từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Không được phép nghỉ ngơi trong lúc làm nhiệm vụ, những ca đêm thường bào mòn sức khỏe người gác chắn, đặc biệt là nữ giới.
Chị Nguyễn Thị Hào, nhân viên gác chắn đường ngang Nơ Trang Long (thuộc cung chắn Gò Vấp), cho biết: “Tôi vào nghề năm 2008, quay đi quay lại cũng đã 10 năm. Sức khỏe giảm sút rõ rệt, những giờ được ở nhà là ngủ li bì, sinh hoạt gia đình đảo lộn. Không dễ tìm được người trụ nổi với nghề đâu, không quen thức đêm, không quen ngồi một chỗ, ráng lắm được vài hôm cũng... chạy mất”.
HOÀI NHÂN |
HOÀI NHÂN |
Chị Hào kể, chị gặp ông xã cũng nhờ cùng ngành, nhưng anh chỉ làm giờ hành chính trong ga, nên đỡ đần phần nào việc đưa rước con gái nhỏ của hai vợ chồng đến trường. Giờ giấc làm việc buộc chị phải thường xuyên xa con. Mỗi tối, chị vẫn gọi điện về dặn dò con việc học hành, đi ngủ sớm. Chốt chắn của chị thiếu nhân sự, chị thường phải tăng ca gấp đôi, tức làm việc liên tục trong 24 tiếng.
Công việc của những người gác chắn tàu đòi hỏi họ phải thuần thục các quy trình và tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn. Bất kỳ một sai phạm nhỏ nào cũng có thể đổi bằng mạng người, thế mới nói cái nghề này dễ bị… đi tù nếu lơ là một phút.
Khi tàu gần đến đường ngang, trực ban ở ga gần nhất sẽ gọi báo cho nhân viên gác chắn. Nhiệm vụ của người trực gác chắn là ghi chép cụ thể từng sự kiện trong sổ nhật trình và canh giờ tàu đến. Người gác chắn phải tập trung quan sát tàu từ xa, đến một khoảng cách phù hợp thì kéo còi, đèn báo và nhanh chóng đóng các rào chắn, ra hiệu cho các phương tiện lưu thông trên đường ngang dừng lại. Sau đó, người gác chắn phát tín hiệu an toàn để đón tàu.
“Nghe qua thì đơn giản, nhưng người gác chắn luôn phải tập trung. Nếu mọi thứ bình thường thì không nói gì, nhưng trường hợp có sự cố bất ngờ trên đường ngang như ô tô chết máy, ray trục trặc, chúng tôi phải xử lí tình huống trong tích tắc. Nếu không khắc phục kịp thời, phải lập tức “bắt” tàu bằng cách chạy xa khoảng trăm mét, phát tín hiệu nguy hiểm cho tàu dừng lại”, chị Hào chia sẻ.
HOÀI NHÂN | |
HOÀI NHÂN | |
HOÀI NHÂN |
Thường xuyên thức đêm, nhưng yêu cầu nghề đòi hỏi người gác chắn phải tai thính, mắt tinh và được kiểm tra sức khỏe định kỳ. “Chúng tôi phải tự học cách phân biệt còi tàu và còi ô tô, phòng những bất cập trong đường dây làm việc. Ngoài tiếng còi tàu, thứ âm thanh ám ảnh còn là tiếng điện thoại giữa đêm, chỉ cần nghe là bật dậy dù đang ngủ… ở nhà”, chị Hào cười.
Công việc của những người gác chắn tàu lửa không những không có lễ, Tết, mà trái lại còn phải lao lực vào những ngày này vì số chuyến tàu tăng cao. Mỗi năm, họ được nghỉ phép khoảng nửa tháng tùy vào thâm niên. Hỏi về niềm vui để những người phụ nữ như chị Hào bám trụ với nghề, chị chỉ cười: “Bản chất cái nghề đã là niềm vui rồi. Vì mình bảo vệ an toàn cho người ta mà”.
Đối mặt với người nghiện, kẻ say rượu
Chuyện bị chửi bới, gây gổ, thậm chí bị hành hung với những người làm nghề gác chắn tàu xảy ra như cơm bữa. Để đi nhanh hơn vài phút, thậm chí vài giây, nhiều người dân sẵn sàng lao vút qua đường ngang, mặc còi báo đang inh ỏi, thanh chắn đang hạ xuống và tàu đang đến rất gần. Những người gác chắn luôn phải làm đúng quy trình và dĩ nhiên phải gặp sự chống đối vô lý ấy.
HOÀI NHÂN | |
HOÀI NHÂN | |
HOÀI NHÂN |
Nguy hiểm hơn cả với những nữ gác chắn tàu đêm “chân yếu tay mềm”, chính là việc phải đối mặt với trộm cướp, người say rượu, nghiện ngập… Chị Trần Thị Hoa, nhân viên gác chắn đường Bình Triệu (thuộc cung chắn Thủ Đức), kể lại lúc còn làm ở chốt Cá Sấu (thuộc cung chắn Thủ Đức), khoảng 2 giờ sáng, một người đàn ông say rượu cứ liên tục gõ cửa đòi vào ngủ nhờ. Mặc chị Hoa không đồng ý, người này vẫn không đi và nằm xuống ngủ… ngay trước cửa.
HOÀI NHÂN | |
HOÀI NHÂN | |
HOÀI NHÂN |
Còn chị Trần Thị Cẩm Nhung, nhân viên gác chắn đường Thích Quảng Đức (thuộc cung chắn Gò Vấp), thì rùng mình nhớ lại: “Sau khi ra khỏi chốt làm nhiệm vụ và quay trở vào, tôi phát hiện một thanh niên ngáo đá đã vào trong và khóa trái cửa lại. Cho đến khi cảnh sát hình sự tung cửa xông vào, tước dao khống chế đối tượng, tôi vẫn chưa kịp hoàn hồn”.
Câu chuyện nghề của những người phụ nữ gác chắn chưa dừng lại ở đó, vì họ còn phải chứng kiến những cái chết thương tâm ngay trước mặt. Cho đến giờ, chị Hào vẫn còn ám ảnh cảnh tượng một người đàn ông sống gần đường ray, vì nghiện ngập mà lao thẳng vào đoàn tàu vừa đến để tự tử. Cái xác không còn nguyên vẹn khiến ai nấy cũng phải rợn người. Lúc đó, chị Hào đang làm việc tại một trạm chắn ở Đồng Nai.
Môi trường làm việc của nghề gác chắn tàu, tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông, nhưng có biết bao nhiêu “bóng hồng” vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trắng đêm, bất kể gió mưa, họ vẫn đảm bảo an toàn cho người đi đường, dọc suốt chuyến tàu qua. Chắc chắn, đằng sau sự khiêm nhường “thì mỗi người một công việc, mỗi việc một cái cực khác nhau” của họ, vẫn còn nhiều câu chuyện nghề chưa kể...
Nghề xuyên đêm ở Sài Thành: Nữ DJ đối mặt cám dỗ, tình yêu xa cách Bắt đầu “lên đồ” khi thành phố lên đèn, công việc của những nữ DJ phải kéo dài xuyên đêm. Sau sự sôi nổi, bùng ... |
"Đừng đổ lỗi cho nhạc EDM sau sự cố làm 7 thanh niên tử vong" Trước sự cố đáng tiếc làm 7 người chết trong đêm nhạc EDM ở Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội, nhiều ý kiến cho ... |