Hậu lùm xùm giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM là câu chuyện nóng về nghi án đạo thơ và nỗi buồn về đạo đức người cầm bút
Sau những rối ren liên quan đến "Người đàn bà thơ", cho dù xác định được sự thật bài thơ thuộc về ai thì những người thơ đều vẫn bẽ bàng như nhau. Chỉ vì bản quyền một bài thơ không quá xuất sắc mà bỗng dưng gây chuyện động trời.
Câu hỏi khó trả lời
Về nghi án "đạo" xung quanh 3 phiên bản với 3 cái tên: "Người đàn bà thơ" (Nguyễn Vĩnh), "Khúc thiếu phụ" (Thy Minh) và "Khúc dịu buồn nắng gió cao nguyên" (Nguyễn Thị Thanh Long), ban đầu dư luận dấy lên câu hỏi nghi ngờ về nhà thơ "vô hình" Nguyễn Vĩnh ở tỉnh Phú Thọ. Công chúng nghi ngờ việc "dàn dựng" để một nhà thơ khác thế chân Nguyễn Thị Thanh Long giúp làm "nguội bớt" sức nóng của nghi án "đạo" thơ?
Mới đây, ngày 20-1, nhà thơ Ngô Kim Đỉnh đã tìm về tỉnh Phú Thọ gặp nhà thơ Nguyễn Vĩnh để xác nhận ông này không "vô hình" mà có thật và là một giáo viên từng dạy chuyên toán đồng thời là người làm thơ quen thuộc ở tỉnh Phú Thọ.
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh (ảnh) xác nhận "tặng thơ" chỉ mang tính… kỷ niệm chứ không phải là tặng bản quyền. Trang 41 trích từ Tạp chí Văn Nghệ Việt Trì số ra ngày 4-11-2008
Tuy nhiên, nhà văn Trần Xuân An đặt vấn đề: "Ông Vĩnh chỉ chép tay tặng cô Nguyễn Thị Thanh Long chứ không phải photocopy để tặng. Chỉ chi tiết không phải photocopy rồi viết tay đề tặng là đã chứng tỏ "tài liệu" ông Vĩnh cung cấp cho Ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM và phổ biến trên báo chí, mạng xã hội 3 tuần nay là mới ngụy tạo? Có lẽ Ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP nên đề nghị ông Nguyễn Vĩnh và bà Thy Minh đối chất, để xem ai là tác giả, ai là người chế biến rồi chiếm dụng làm tác phẩm của mình?".
Trao đổi với nhà thơ Nguyễn Vĩnh sáng 22-1, ông Vĩnh cương quyết khẳng định: "Chính tôi là người tặng thơ cho cả Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh". Khi được hỏi rằng ông có biết là theo Công ước Berne mà Việt Nam đã là thành viên thì tác giả không thể tặng "toàn quyền sử dụng" bất cứ sáng tạo nào cho người khác như thế, ông Nguyễn Vĩnh trả lời: "Khi tôi gặp những người đàn bà làm thơ có chung đồng cảm, tôi tặng họ những bài thơ của tôi đã in như một sự chia sẻ, như một kỷ niệm đẹp".
Ông Nguyễn Vĩnh cho biết rất bất ngờ khi nhận được thông tin về sự việc lùm xùm: "Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc Thanh Long và Thy Minh lại có thể đề tên họ vào bài thơ này và nhận đó là sáng tác của mình".
Người thơ và tình thơ
Việc các nhà thơ gặp nhau rồi tặng thơ một cách không rõ ràng trong chuyện tặng như một kỷ niệm hay tặng bản quyền bài thơ, cư xử lơ mơ theo kiểu "chân không chạm đất" đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và làm cho văn giới xôn xao câu hỏi về đạo đức của người cầm bút. "Đạo" văn thơ xưa nay vốn là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến danh dự và uy tín cá nhân.
Bìa tập thơ "Mắt hoàng hôn" của tác giả Thy Minh (NXB Hội Nhà văn ấn hành ngày 25-5-2010)
Nhà thơ Nguyên Hùng dẫn luận: "Ông Nguyễn Vĩnh phải chứng minh được bài thơ "Người đàn bà thơ" đứng tên ông đã được in trên Tạp chí Văn Nghệ Việt Trì trước tháng 8-2008 là thời gian tác giả Thy Minh nộp bài "Khúc thiếu phụ" ở trại viết Vũng Tàu. Lưu ý là bài thơ cũng đã được đăng trên Tạp chí Langbian và khi Nguyễn Thị Thanh Long bị phát giác lần đầu, tạp chí này đã được báo cáo kèm theo tin nhắn xin lỗi của Nguyễn Thị Thanh Long. Trường hợp Thy Minh có bằng chứng về việc gửi thơ nhờ Nguyễn Vĩnh biên tập vào năm 2007 thì bài thơ mà Nguyễn Vĩnh nhận là của mình phải được in sớm hơn".
Ông Nguyễn Vĩnh nói: "Bài thơ "Người đàn bà thơ" đã được in trên Tạp chí Văn Nghệ Việt Trì trang 41 số 1 (bộ mới), ra ngày 4-11-2008, giấy phép xuất bản số 93/GPXB-TTTT. Tôi đang giữ cuốn tạp chí này. Tôi hoàn toàn bất ngờ nếu Thy Minh nói rằng đã nhờ tôi biên tập bài thơ này. Nếu suy luận theo logic thông thường thì khi Thy Minh đã nhờ tôi biên tập thì tầm của tôi phải cao hơn Thy Minh cho nên cô ấy mới nhờ tôi chứ? Vậy tại sao tôi lại phải lấy thơ của Thy Minh đề tên mình trong khi tôi có hàng trăm bài thơ và có khá nhiều giải thưởng văn học của tỉnh Phú Thọ. Hơn nữa, bài thơ đó được tôi viết trong tâm trạng đồng cảm với một người đàn bà làm thơ, đâu phải giọng thơ của một người phụ nữ?".
Câu chuyện ai "đạo" thơ ai vẫn chưa thể đi đến hồi kết khi 2 người viết cung cấp chứng cứ bằng bản in ở cùng một thời điểm năm 2008. Mặc dù chính ông Nguyễn Vĩnh cũng thừa nhận rằng bây giờ thì hậu quả của sự xuất hiện tới 3 phiên bản của cùng một bài thơ là rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tư cách của những người liên quan nhưng ông Nguyễn Vĩnh một mực khẳng định "Người đàn bà thơ" là do ông sáng tác.
Ông Nguyễn Vĩnh cho biết trước khi in trong Tạp chí Văn Nghệ Việt Trì số ra ngày 4-11-2008, ông đã chia sẻ bài thơ này với một số bạn thơ, trong đó có Thy Minh. Còn theo thông tin từ nhà thơ Nguyên Hùng cung cấp thì tác giả Thy Minh cho biết trước đó có nhờ ông Nguyễn Vĩnh biên tập bài thơ này.
Tác giả Thy Minh (tên thật là Phạm Thị Minh) hiện đã trở thành người tu hành, đang sống ở Canada. Tác giả này đã gửi email tới nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM, nội dung sau: "Bài "Khúc thiếu phụ" do tôi sáng tác năm 2008 tại Nhà Văn hóa Vũng Tàu, có lưu hồ sơ tại Nhà Sáng tác Vũng Tàu, lưu ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, đã được đăng Báo Hạ Long, đã lưu bản thảo ở NXB Hội Nhà văn khi tôi xin giấy phép để xuất bản tập thơ "Mắt hoàng hôn" năm 2010".
Tuy nhiên, thông tin về việc "nhờ biên tập" như nhà thơ Nguyên Hùng cung cấp thì không được nhắc tới trong email trả lời chính thức với nhà văn Trần Nhã Thụy. Nhà văn Trần Nhã Thụy sau đó có gửi email thông báo với Thy Minh rằng hiện tại tác giả Nguyễn Vĩnh xuất hiện và công bố bài thơ đó là của ông, đã tặng cho cả Thy Minh và Thanh Long, đề nghị tác giả Thy Minh lên tiếng về chuyện có hay không sự việc này thì cho đến giờ chưa thấy tác giả Thy Minh hồi đáp.
Dư luận văn giới sôi sục đề nghị tác giả Thy Minh về nước để minh bạch câu chuyện này nhưng liệu điều đó có thể xảy ra? Và thực sự có cần làm thế? Phần vì bây giờ đã là người xuất gia nên chắc chắn tác giả Thy Minh không muốn can dự nhiều vào việc đời, kể cả khi chỉ có đối chất mới làm sạch lại danh tiếng cá nhân. Phía ông Nguyễn Vĩnh cũng cho rằng: "Tranh chấp làm gì một bài thơ, căng thẳng thế này có đáng không?".
Bi hài kịch nghi án “đạo” thơ Ngày 18-1, lãnh đạo Hội Nhà văn TP HCM đã có kết luận chính thức về nghi án "đạo" thơ và những lùm xùm quanh ... |
Đạo văn trong giáo dục Ngày tôi đi học, hầu như không có khái niệm văn mẫu. |