Lê Hương Giang sinh năm sinh năm 1995, sống tại Hà Nội, bị khiếm thị bẩm sinh. Cô đang là sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đồng thời là gương mặt dẫn ấn tượng của chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” phát sóng trên VTV4.
Lê Hương Giang vừa có tên trong top 5 của hạng mục “Nhân vật của năm” giải thưởng Ấn tượng VTV 2018. Hành trình vươn tới ước mơ của Hương Giang là một câu chuyện dài đầy nghị lực và rất đáng khâm phục của một người khuyết tật.
Được "truyền lửa" từ một người khuyết tật không quen biết
Bạn có thể chia sẻ một chút về gia đình cũng như những tháng ngày tuổi thơ mà mình đã đi qua?
Tôi là con gái lớn trong gia đình, sau tôi còn có một em gái nữa. Bình thường, khi tôi đi dẫn chương trình, mẹ thường giúp tôi trang điểm và chuẩn bị quần áo, còn em gái sẽ đóng vai trò như một thông tin viên, kể cho tôi nghe những thứ xung quanh cuộc sống, nhất là những xu hướng mới của giới trẻ để tôi cập nhật thông tin.
Hương Giang chia sẻ về hành trình vươn tới ước mơ trở thành một MC truyền hình trong buổi họp báo chiều 30.8.
Tuổi thơ của tôi khá êm đềm vì bố mẹ rất tin tưởng vào tôi và không muốn tôi tự ti vào chính bản thân mình. Có ai khuyên là đừng để tôi làm việc này việc kia nếu không sẽ nguy hiểm hoặc nên giúp tôi một khoản tiền tiết kiệm để sau này có nguồn thu tiêu xài kẻo không làm được gì nhưng bố mẹ tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Từ nhỏ đến giờ tôi luôn tự lập trong cuộc sống của mình, từ những điều nhỏ nhất.
Thủa nhỏ, bố mẹ cũng đã đưa tôi đi rất nhiều bệnh viện để chạy chữa mong tôi có thể nhìn thấy ánh sáng. Bất kỳ ai mách chỗ nào có thể chữa được bố mẹ đều đưa tôi đến. Nhưng bệnh của tôi không thể chữa khỏi và từ bé tôi đã chấp nhận điều đó. Tôi không xem đó là vấn đề to lớn.
Hiện giờ bạn đang dẫn những chương trình gì trên truyền hình?
Trước đây tôi có dẫn “Cà phê sáng với VTV3”, cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam trong một số chương trình phát thanh. Ở thời điểm hiện tại, tôi đang dẫn “Cuộc sống tươi đẹp” của VTV4, mỗi tháng 1 số. Sắp tới tôi sẽ làm phát thanh tiếp và chờ đợi những cơ hội khác.
Hiện tôi vẫn đang học Tâm lý học và Báo chí Truyền thông tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Tâm lý học thì tôi học năm cuối còn Báo chí Truyền thông tôi mới học được hai năm. Mỗi ngày đi học tôi đi xe ôm để bố mẹ đỡ vất vả chuyện đưa đón mà tôi cũng chủ động được thời gian.
Tự nhìn nhận về mình, bạn nghĩ mình là một cô gái như thế nào?
Tôi nghĩ tôi là một cô gái hơi điên điên và đôi khi hơi liều lĩnh. Đặc biệt, tôi khá lạc quan và tình cảm. Khi làm bất cứ công việc gì tôi đều đặt tình cảm lên trên hết.
Trong số các MC truyền hình, bạn thần tượng người nào nhất?
Trong giới truyền hình tôi thích cô Diễm Quỳnh nhất. Khi cô lên sóng truyền hình tôi không có cảm giác cô đang dẫn chương trình mà chỉ là người tâm sự với khán giả. Những lời cô nói ra có thể không hoa mỹ nhưng lại mang nhiều thông điệp và để lại nhiều dấu ấn cho người xem. Tất cả các chương trình cô làm cũng mang rất nhiều ý nghĩa.
Ai là người đã truyền lửa cho bạn để bạn đi đến cùng ước mơ?
Người truyền lửa cho tôi là một người tôi không biết tên. Đó là một lần tôi sang Hàn Quốc tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật toàn cầu” thì thấy có một bạn khuyết tật nằm bệt dưới đất, trong khi tất cả các bạn khác đều ngồi.
Sau khi tìm hiểu mới biết bạn ấy bị liệt toàn thân và chỉ cử động được đôi bàn tay của mình thôi. Lúc đó tôi nghĩ rằng, chỉ sống tốt cuộc đời của mình thôi chưa đủ mà cần làm điều gì đó để truyền sự lạc quan, vui vẻ của mình đến với nhiều người hơn.
Hương Giang lần đầu dẫn bản tin "Cà phê sáng với VTV3" cùng MC Lê Anh.
Bởi rõ ràng so với nhiều người khuyết tật, tôi may mắn hơn rất nhiều người. Tôi sinh ra ở Hà Nội nên được tiếp cận với rất nhiều phương pháp chữa trị, nhiều cơ hội để khẳng định mình hơn.
Quan sát cuộc sống bằng cách lắng nghe hơi thở của người khác
Bạn đã gặp những khó khăn gì khi đến với công việc dẫn chương trình truyền hình?
Tôi không nhìn thấy được như các anh chị BTV hoặc MC khác nên tôi sẽ cảm nhận những chuyển động xung quanh mình bằng hơi thở của mọi người. Tôi may mắn là ngay từ khi bước vào nghiệp MC thì làm cho Đài Tiếng nói Việt Nam rồi làm cho VTV4. Tất cả các chương trình tôi làm đều là talkshow (trò chuyện) và trải nghiệm. Công việc này đã giúp tôi rèn luyện được kỹ năng của bản thân.
Mỗi lần tôi làm chương trình dù với tư cách khách mời hay người dẫn thì điều lớn nhất tôi học được đó là thái độ làm việc của ê-kíp. Chẳng hạn, ê-kíp “Điều ước thứ 7” đã để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Những ngày trưa nắng hoặc những ngày mưa tầm tã các anh chị vẫn đi ghi hình nhân vật và khi đã bắt tay vào công việc, mọi khó khăn không còn nữa.
Bản thân tôi là một người khiếm thị nên tôi không biết MC truyền hình thì phải ngồi như thế nào cho đúng, phải cười ra sao, cử chỉ động tác như thế nào… Chính các anh quay phim và các chị biên tập là những người đã hướng dẫn cho tôi từng cử chỉ động tác một.
Những lần đầu có nhiều khó khăn nhưng dần dần tôi quen hơn. Tình cảm và tâm huyết của các anh chị trong nghề khiến tôi hiểu công việc này không hề dễ dàng nhưng rất ý nghĩa vì MC truyền hình là người kết nối. Kết nối giữa những gì mà các anh chị đã dày công xây dựng với người xem.
Nhiều khi tôi nhận được phản hồi từ khán giả là những người khuyết tật, họ nói rằng, cuộc sống của họ đã từng rất bế tắc, họ cảm thấy mình không làm được gì ngoài ngồi một chỗ ở nhà thôi. Nhưng khi họ nhìn thấy tôi trên truyền hình, họ lại muốn thay đổi cuộc sống của mình.
Khi nghe những lời chia sẻ như thế từ những người khuyết tật, tôi nghĩ mình phải mạnh mẽ đi tới ước mơ của mình vì tuổi trẻ chỉ có một lần thôi.
Bạn nghĩ mình còn thiếu những gì để có thể chạm tay tới ước mơ trở thành một MC truyền hình đúng nghĩa?
Để trở thành một người dẫn chương trình truyền hình chắc chắn tôi sẽ phải rèn luyện thêm nhiều kỹ năng nữa. Ví dụ như ngôn ngữ cơ thể hoặc cách tương tác với máy quay. Và tôi sẽ tìm các giải pháp về công nghệ để khắc phục những khó khăn của mình.
Với những chương trình như talkshow và trải nghiệm tôi đã quen rồi nhưng để cập nhật được tin tức nhanh và có thể dẫn được bản tin, tôi còn gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, tôi sẽ phải tìm hiểu nhiều phương pháp để thích nghi với nghề dẫn hơn và có nhiều cơ hội hơn.
Dù không nhìn thấy mọi thứ xung quanh nhưng Hương Giang luôn tự tin khi đứng trước ống kính và luôn sống rất lạc quan.
Bên cạnh đó, chuyên ngành chính của tôi là Tâm lý học, hiện giờ và sắp tới, tôi vẫn sẽ hỗ trợ tâm lý cho học sinh và trẻ khuyết tật. Mơ ước lớn nhất của tôi là giúp tất cả bạn trẻ khuyết tật trên đất nước này gạt bỏ rào cản về tâm lý để được đến trường.
Với những gì tôi đã trải qua và với chuyên môn tôi đã được học, tôi mong muốn trong tương lai, tôi có thể làm những video clip để dạy cách chăm sóc trẻ khuyết tật. Sau đó, tôi sẽ đi đến nhiều nơi hơn để hỗ trợ tâm lý cho phụ huynh và trẻ với mong muốn một ngày nào đó các bạn khuyết tật sẽ tự tin vào chính bản thân mình, tự tin bước tới tương lai của mình.
Bạn còn nhớ kỷ niệm khi lần đầu dẫn chương trình “Cà phê sáng với VTV3”?
Hôm tôi dẫn “Cà phê sáng với VTV3” lần đầu tiên tôi run lắm. Tai nghe của tôi lại bị hỏng nên không nghe được đạo diễn bên trong chỉ đạo gì. Với một người không nhìn thấy gì như tôi thì việc nghe đạo diễn chỉ đạo rất quan trọng nhưng không có tai nghe nên lúc lên hình, tôi phải nương theo lời dẫn của MC Lê Anh để làm theo thôi.
Tôi nhớ, cuối chương trình hôm đó có phần nấu ăn. Anh đầu bếp vì yêu quý tôi nên xúc cho tôi một muỗng đồ ăn rất đầy. Tôi vừa cho vào miệng xong thì ngay lập tức đạo diễn hét lên: “Giang nói đi, cảm nhận như thế nào, có ngon không”… Tuy nhiên, do muỗng đồ ăn đó to quá nên tôi không thể nào mở miệng ra mà nói được. Tôi đành phải quay sang anh Lê Anh “cầu cứu”.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin.
BLV Quang Huy: Từ người "truyền lửa" tới MC đêm gala vinh danh Olympic Việt Nam BLV Quang Huy sẽ đảm nhận vai trò đặc biệt trong chương trình Tự hào Việt Nam - vinh danh những người hùng ASIAD 2018. |
Khánh thành cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, rút ngắn đường đi 50 km Thời gian đi Hạ Long - Hải Phòng chỉ còn 30 phút thay vì hai tiếng như trước đây. |
John McCain nằm dưới vòm Điện Capitol, người mẹ 106 tuổi tiễn đưa Thân nhân, bạn bè cùng hàng trăm nghị sĩ, viên chức chính phủ tham dự lễ truy điệu danh dự dành cho cố thượng nghị ... |
Thảm họa suýt đoạt mạng John McCain trên tàu sân bay Mỹ năm 1967 Thượng nghị sĩ John McCain từng suýt thiệt mạng trong vụ cháy tàu sân bay USS Forrestal, một trong những sự cố nghiêm trọng nhất ... |