Để hiểu rõ hơn sự tác động tích cực của Nghị quyết số 57 tới những người làm khoa học, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng với PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN).
- InnovaConnect - Cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa khoa học Việt thế giới
- Từ Việt Nam, VinFuture góp phần định hình tương lai khoa học toàn cầu
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để hiểu rõ hơn sự tác động tích cực của Nghị quyết số 57 tới những người làm khoa học, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng với PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN).
PV: Xin chào PGS.TS Vũ Văn Tích. Xin ông cho biết cảm nhận của mình từ góc nhìn của một người làm khoa học khi Nghị quyết số 57 được ban hành?
PGS.TS Vũ Văn Tích: Tôi nghĩ Nghị quyết số 57 đã đặt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trung tâm của chiến lược phát triển quốc gia trong 5 và 20 năm tới. Đó là cảm nhận của tôi khi đọc nghị quyết này. Đây như một sự khẳng định, là kim chỉ nam về con đường phát triển của Việt Nam dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PV: Đã nhiều năm công tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông có trăn trở gì về việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua? Cho đến thời điểm này nền khoa học công nghệ nước nhà có những điểm nghẽn nào cần sớm được khơi thông? Đâu là nguyên nhân tạo ra các điểm nghẽn này?
PGS.TS Vũ Văn Tích: Đầu tư cho khoa học công nghệ trong những năm qua là tương đối thấp so với mức 2% GDP từ nghị quyết đề ra. Trong đó chi từ ngân sách mới được bình quân hàng năm khoảng 0,7- 09% ngân sách, việc huy động từ xã hội vẫn chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Cùng với đó là phương thức chi đầu tư mang tính bình quân và có quy mô nhỏ so với các quốc gia khác trong khu vực, nên rất khó có thể tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ đột phá đối với quốc gia, cũng như không hỗ trợ nhiều cho phát triển sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao của quốc gia.
Điểm nghẽn cho vấn đề này đó là cơ chế đầu tư tài chính và phương thức quản lý hoạt động khoa học công nghệ. Cơ chế đầu tư tài chính không theo KPI đối với những người đứng đầu đơn vị và phương thức quản lý hoạt động không theo sản phẩm đầu ra đối với nhà khoa học. Nếu thực hiện cơ chế tài chính theo cơ chế quỹ và khoán sản phẩm đầu ra cho nhà quản lý và nhà khoa học, khi đó sẽ có đầu bài đặt hàng tốt và sản phẩm tốt được tạo ra. Một khi nhà quản lý mà không phải chịu sức ép về KPI và sản phẩm đầu ra, thì họ chỉ quan tâm tới quy trình mà không cần quan tâm đến sản phẩm của nhiệm vụ như thế nào. Đối với nhà khoa học công nghệ cũng vậy, họ sẽ chỉ quan tâm tới quy trình giải ngân theo yêu cầu nhà quản lý mà không quan tâm sản phẩm đầu ra. Do vậy, cần đảo chiều cơ chế quản lý, thay vì chỉ quan tâm có đúng quy trình hay không, hãy quan tâm sản phẩm khoa học công nghệ gì được tạo ra cho ngành và đơn vị. Thay vì chỉ quản lý theo quy trình cấp kinh phí sợ thất thoát thì hãy quản lý theo sản phẩm đầu ra. Nhà quản lý phải đóng vai trò nhà đầu tư, gắn chặt với kinh phí nhà nước giao cho tổ chức thực hiện. Nhà khoa học không phải đi làm chứng từ mà chỉ tập trung sáng tạo để phát triển sản phẩm theo đặt hàng.
Nguyên nhân chính của điểm nghẽn này đó chính là đồng lương thu nhập thấp cả với nhà quản lý và nhà khoa học (lương nhà khoa học trình độ cao thấp hơn lương của những người lao động phổ thông trong doanh nghiệp lớn), không có lương khuyến khích, không có lương sáng tạo, người đứng đầu của tổ chức quản lý khoa học công nghệ không được tự chủ. Tất cả làm theo quy trình, tính sáng tạo của hoạt động khoa học công nghệ không còn.
PV: Trước hàng loạt những khó khăn và thách thức mà khoa học công nghệ của ta đang phải đối diện, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa và sự tác động của Nghị quyết số 57 đối với những người làm khoa học công nghệ và chuyển đổi số Việt Nam?
PGS.TS Vũ Văn Tích: Ý nghĩa và tác động của Nghị quyết số 57 đến cộng đồng khoa học là cực kỳ lớn. Nghị quyết đã đưa ra 5 quan điểm thể hiện rõ sự quyết tâm và tin tưởng vào khoa học công nghệ là một trong những đột phá cho sự phát triển, và khoa học công nghệ sẽ được đầu tư và cộng đồng khoa học công nghệ được bảo vệ, yên tâm triển khai nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Nhiều người nói đây như lời hiệu triệu đối với nhà khoa học, với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các mục tiêu, tầm nhìn và nhiệm vụ giải pháp đều rất cụ thể tập trung vào phát triển sản phẩm công nghệ mang tính đột phá và dẫn dắt ngành công nghiệp trong thời gian tới, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Trong đó tập trung rất mạnh vào chuyển đổi số, coi đây như một phương thức sản xuất mới, coi khoa học công nghệ là tư liệu sản xuất mới của nền kinh tế thế hệ mới đang diễn ra hiện nay.
PV: Với hàng loạt nội dung được đưa ra trong Nghị quyết số 57, theo ông đâu là điểm mới có sức lan toả và tác động lớn nhất?
PGS.TS Vũ Văn Tích: Trong các nội dung của nghị quyết, thì nội dung mang tính đột phá nhất đó là việc định hình lại vai trò và vị trí của khoa học công nghệ đối với nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện nay. Vì theo thống kê của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) trong vòng 50 năm qua, không một quốc gia nào trở lên giàu có và thịnh vượng lại không dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển hoạt động chuyển đổi số sẽ là một nội dung tác động và lan tỏa rất mạnh các ứng dụng khoa học công nghệ tới mọi ngành nghề và mọi người dân của nền kinh tế. Có thể coi nội dung thúc đẩy ứng dụng công nghệ chuyển đổi số là thay đổi quy trình hay phương thức sản xuất hiện nay sang một quy trình phương thức sản xuất mới ứng với các mô hình kinh tế thế kệ mới như kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế thông minh đang vận hành trên thế giới hiện nay.
PV: Liệu Nghị quyết số 57 có thể trở thành bước ngoặt giúp Việt Nam vươn mình trở thành một nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045? Theo ông, lợi thế để nền khoa học “bay cao” của nước ta đang sẵn có là gì?
PGS.TS Vũ Văn Tích: Một Nghị quyết số 57 chưa thể là bước ngoặt đối với Việt Nam. Để phát triển một cách vươn mình như một quốc gia có thu nhập cao vào 2045, theo tôi cần kết hợp triển khai ngay và đồng bộ một cách song hành Nghị quyết 57 với Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì mới có thể hy vọng. Vì sao vậy? Vì để đạt được mục tiêu lớn như vậy cần mô hình tổ chức hoạt động khoa học công nghệ mới, con người mới và cơ chế quản lý mới. Tôi tin cùng với cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy hiện nay và những con người vì sự phát triển của quốc gia khi đó nền khoa học công nghệ sẽ cất cánh.
PV: Có thể thấy Nghị quyết số 57 là cơ hội cũng là một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ. Theo ông, cơ quan quản lý nói chung và các nhà khoa học nói riêng tại Việt Nam sẽ phải làm gì để hiện thực hóa cuộc cách mạng này?
PGS.TS Vũ Văn Tích: Để đạt kỳ vọng và mục tiêu, tầm nhìn của Nghị quyết, thì không chỉ cơ quan quản lý phải có sản phẩm theo chỉ tiêu KPI của kế hoạch hành động, nhà khoa học phải có sản phẩm khoa học công nghệ mới phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh, mà cả doanh nghiệp phải có sản phẩm có tính cạnh tranh để xuất khẩu và người dân phải ứng dụng được khoa học công nghệ trong sản xuất. Hay đúng hơn là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Mới đây, tại buổi gặp gỡ đại biểu trí thức, nhà khoa học tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị các nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn mới nhằm đạt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao. Trong đó, sớm phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới. Ngoài ra, ít nhất ba tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới.
Đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc top đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực. Theo ông, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030.
Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các "đế chế công nghệ số".