Nghĩa trang quốc gia ở nhiều nước từ Đông sang Tây ưu tiên chôn cất những chiến sĩ có công với đất nước, những vị anh hùng dân tộc...
Khi lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời vào ngày 25-11-2016, một loạt nghi lễ tưởng niệm đã được tổ chức ở thủ đô Havana và tro cốt của ông được rước dọc theo tuyến đường mà ông đi qua sau khi lên nắm quyền vào năm 1959.
Từ lãnh đạo đến quân nhân
Một cuộc mít tinh diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Jose Marti ở Havana vào ngày 29-11-2016. Bình đựng tro cốt của ông Fidel Castro sau đó được đưa đến TP Santiago de Cuba và nghi lễ an táng diễn ra hôm 4-12-2016 tại nghĩa trang Santa Ifigenia.
Santa Ifigenia nổi tiếng là nơi an nghỉ của những nhân vật lãnh đạo cấp cao Cuba. Được mở cửa từ năm 1868 với sự bảo vệ của 3 binh sĩ ở lối vào, đây cũng là nơi đặt lăng mộ của vị anh hùng giải phóng dân tộc Cuba José Marti. Khác với Santa Ifigenia, nghĩa trang Colon rộng khoảng 57 ha được xem là một trong những nghĩa trang lịch sử quan trọng nhất trên thế giới và quan trọng nhất ở Mỹ Latin. Tọa lạc ở thủ đô Havana và được xây dựng vào năm 1876, nghĩa trang này có hơn 1 triệu người yên nghỉ, bao gồm nhiều thành phần xã hội như linh mục, binh sĩ, người giàu - nghèo, nạn nhân dịch bệnh, những người bị kết tội cho đến những nhân vật nổi tiếng, chính trị gia, nghệ sĩ...
Giống với Cuba, Trung Quốc cũng có nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn chỉ dành riêng cho các anh hùng cách mạng, các quan chức cao cấp và những nhân vật được xem là quan trọng vì sự đóng góp của họ cho xã hội. Ngoài ra, cũng có trường hợp đặc biệt, như thi thể của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông được bảo quản trong lăng mộ riêng ở vị trí trung tâm Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc chỉ có 2 nghĩa trang quốc gia mang tên Seoul (nằm ở quận Dongjak-gu thuộc thủ đô Seoul) và Daejeon (ở TP Daejeon). Nghĩa trang Quốc gia Seoul là nơi an nghỉ của 165.000 người đã hy sinh vì đất nước, cảnh sát, cựu chiến binh Hàn Quốc, trong đó có cả những người thiệt mạng trong Phong trào Độc lập Hàn Quốc, Chiến tranh Triều Tiên...
Cố Tổng thống Kim Dae-Jung và những người tiền nhiệm cũng yên nghỉ nơi này. Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng, cố Tổng thống Park Chung-hee cho xây dựng Nghĩa trang Quốc gia Daejeon vào năm 1979. Người dân được tự do thăm viếng cả 2 nghĩa trang này.
Nghĩa trang quốc gia Winchester ở hạt Frederick, bang Virginia - Mỹ Ảnh: BỘ CÁC VẤN ĐỀ CỰU CHIẾN BINH MỸ
Không phân biệt cấp bậc
Không chôn cất chung lãnh đạo và các anh hùng có công với đất nước ở nghĩa trang quốc gia như miền Nam, nghĩa trang liệt sĩ Taesongsan ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng là nơi tưởng niệm các binh sĩ Triều Tiên. Mẹ và vợ cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) cũng được chôn cất tại đây. Riêng thi hài của ông Kim Nhật Thành và người con trai Kim Jong-il được đặt tại Cung kỷ niệm Kumsusan ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Khác hẳn các quốc gia châu Á, 135 nghĩa trang quốc gia tại Mỹ dành cho tất cả quân nhân từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang, bất kể chức vụ, thời gian hoạt động trong quân ngũ miễn là không vi phạm các quy định. Chưa hết, theo trang web của Bộ Các vấn đề cựu chiến binh Mỹ (VA), vợ hoặc chồng, con cái của các cựu quân nhân đáp ứng một số điều kiện nhất định... cũng có thể được an táng tại nghĩa trang quốc gia.
Hồi cuối tháng 1, lãnh đạo phe thiểu số (Dân chủ) tại Thượng viện Mỹ Charles Schumer kêu gọi VA hoàn tất việc mua lại 2 khu đất 24 ha và 31 ha ở khu Pembroke và nhanh chóng khởi công xây dựng Nghĩa trang Cựu chiến binh Mỹ Western New York để mở rộng khu an táng cho các cựu quân nhân. Ông Schumer nói với trang Livingston County News (Mỹ) rằng nghĩa trang này dự kiến là nơi chôn cất cho khoảng 96.000 cựu chiến binh trong tương lai và các thành viên gia đình họ sống ở khu vực Tây New York.
Một điều đáng lưu ý ở Mỹ là các tổng thống và phó tổng thống quá cố không được chôn cất chung ở một nghĩa trang dành cho lãnh đạo cấp cao mà nằm rải rác trên khắp 23 bang và thủ đô Washington DC. Trong số đó, bang Virginia là nơi yên nghỉ của nhiều đời tổng thống Mỹ nhất với 7 khu tưởng niệm, còn New York là nơi chôn cất nhiều cố phó tổng thống Mỹ nhất với 10 phần mộ.
Xây nghĩa trang 1.400 tỉ đồng: Lãng phí, chưa cần thiết! Nợ công cao, người dân còn nghèo, bệnh viện quá tải, cầu đường xuống cấp…, có cần thiết lấy 1.400 tỉ đồng ngân sách để ... |
Xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cấp cao: Cần lấy ý kiến rộng rãi “Hiện nay ngân sách Nhà nước chưa phải dồi dào. Chúng ta còn phải phát hành trái phiếu, nợ công vẫn đang ở mức cao. ... |